Khám phá

Nguyễn Văn Thành- khai quốc công thần triều Nguyễn – kỳ 2: Sự kiện bi thảm 1817

Sự kiện bi thảm 1817 đã khiến Nguyễn Văn Thành, một trong những khai quốc công thần của triều Nguyễn, bị bức tử chết chỉ vì những suy luận đầy tị hiềm từ một bài thơ.

Miếu thờ Thạch Thần tướng quân (Huế) thờ 2 vị quận công: Trung Quân Nguyễn Văn Thành (bên phải) và Tả quân Lê Văn Duyệt (bên trái).

Kiêm nhiệm hai chức Tổng tài

Tính nhân đạo của bộ luật còn thấy rõ qua từng phiên tòa mở trong năm (trừ các tội mưu phản, đại phản nghịch, đạo tặc…). Theo luật, các phiên xử thường tổ chức vào đầu mùa thu chứ không mở vào đầu mùa hè vì, mùa hè, thời tiết nóng, sẽ ảnh hưởng xấu đến việc buộc tội của các phán quan.

Nếu phiên tòa xử trong mùa thu năm nay mà chưa có phán quyết cuối cùng thì phải đợi đến mùa thu năm tới mới quyết án chung thẩm. Trường hợp gặp tội nhân bị án tử hình thì cũng phải đợi đến mùa thu khi có phiên tòa mới xử chung thẩm.

Việc mở phiên tòa vào mùa thu là một điểm đáng chú ý của bộ luật này mà đến nay chưa có bộ luật nào ngay cả luật các nước khác có được. Đây là đặc điểm và tính nhân đạo của Hoàng Việt luật lệ.

Vào tháng 1/1812, tiền quân Nguyễn Văn Thành được sung chức tổng tài trong việc biên soạn Quốc triều thực lục. Như vậy trong cùng một khoảng thời gian, ông đã kiêm nhiệm hai chức Tổng tài.

Được triệu tập giữ chức Tổng tài biên soạn Quốc triều thực lục, Tiền quân Nguyễn Văn Thành dâng phong thư kín viết ra bốn điều mà điều thứ ba “xin kén thêm nho thần để sung Sử cục” vua chấp nhận và cho thực hiện.

Khi công việc đi dần vào ổn định thì sự kiện 1817 xảy ra và đến hơn 4 năm sau việc biên soạn công trình này mới được tiếp tục dưới thời vua Minh Mạng. Hoàng Việt luật lệ và Quốc Triều thực lục là hai công trình văn hóa quan trọng của triều Nguyễn.

Sự kiện bi thảm 1817

Về sự kiện năm 1817  có nguồn gốc từ một bài thơ. Ấy là vào năm Ất Hợi 1815, người con trưởng của ông là Nguyễn Văn Thuyên cũng chính là phò mã của vua Gia Long thi đỗ hương cống.

Vốn là người hâm mộ văn chương, Thuyên thường làm thơ, ngâm vịnh với những kẻ sĩ. Nghe nói Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng hay chữ, Thuyên có làm một bài thơ tặng, dịch nghĩa là: Ái-châu nghe nói lắm người hay/Ao ước cầu hiền đã bấy nay/ Ngọc phác Kinh-Sơn tài sẵn đó/ Ngựa Kỳ Ký-bắc biết lâu thay/ Mùi hương hang tối xa nghìn dặm/Tiếng phượng gò cao suốt chín mây/ Sơn tể phen này dù gặp gỡ/ Giúp nhau xoay-đổi hội cơ này.

Một số người vốn có tị hiềm với Nguyễn Văn Thành dựa vào hai câu cuối của bài thơ mà lập luận, suy đoán, thêu dệt thành ý phản loạn, truất ngôi vua. Mọi việc kêu oan của ông không được Gia Long minh xét.

Ông hiểu rằng:”Án đã xong rồi, vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chết không phải là trung.” Ông bị bức tử, buộc phải uống thuốc độc trong ngục vào năm Đinh Sửu (1817), hưởng thọ sáu mươi tuổi, Nguyễn Văn Thuyên thì bị xử chém.

Năm Mậu Thìn 1868, sau khi nguyên niên được 21 năm, thể theo lời đệ tấu xin gia ân của Đông các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn, Vua Tự Đức đã truy xét công trạng, lại chiếu giải oan án và phong chức tước cho con cháu Tiền quân Nguyễn Văn Thành. Than ôi! Công lao nặng như đá, không lẽ vì một chút đứa con mà phải bị mất hết, cho nên phải truy lục lại để tỏ rõ là ơn của nhà Vua vậy.

Lăng mộ Nguyễn Văn Thành an vị ở Thủy Phương, Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế. Trên bức bia tiền còn ghi rõ chức tước của Tiền quân khi đã trở về cố đô Huế vào năm 1810 cho đến khi mất: “Việt Cố Khâm Sai Chưởng Trung Quân Bình Tây Đại Tướng Quân Thành Quận Công Chi Mộ”.

Tại Tân An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, trong khu rừng sao, đền thờ Tiền quân Nguyễn Văn Thành được xây dựng từ năm 1820.

Toàn bộ khung sườn đền làm bằng gỗ sao đốn từ những cây sao già tại khu rừng ấy. Trải qua hơn một trăm tám mươi năm thăng trầm, đền vẫn còn đó dáng uy nghiêm và trầm mặc.

Hằng năm vào ngày rằm tháng Mười Một âm lịch là ngày giỗ của Tiền quân. Đình Tân An, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia (2014).

       Nguyễn Trung Thành