Thời sự

Nguy cơ tử vong vì... sâu răng, viêm nha chu

  • Tác giả : Thúy Nga
“90% trẻ sâu răng đến khám đều đã bị biến chứng viêm tủy, viêm quanh cuống, áp xe, nhiễm trùng, sưng đau… rất nặng nề . Sâu răng gây biến chứng toàn thân, có thể khiến trẻ tử vong”, TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh nói.

Mỗi năm, Khoa Răng trẻ em phải điều trị cho hàng nghìn bệnh nhi bị sâu răng nặng biến chứng viêm tủy, viêm quanh cuống, áp xe, nhiễm trùng... Bệnh không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng về chức năng nhai, nói, mà còn ảnh hưởng việc mọc răng vĩnh viễn và thẩm mỹ khuôn mặt.

90% dân số gặp vấn đề răng miệng

Tại hội nghị “Công nghệ và vật liệu mới trong nha khoa, nền tảng và ứng dụng lâm sàng” diễn ra ngày 14/10 tại TP HCM, TS.BS Trần Hùng Lâm, Chủ tịch Hội Cấy ghép nha khoa TP HCM, cho biết, hai bệnh lý về răng miệng nổi trội hiện nay mà đa số người Việt gặp phải là sâu răng (40-50%) và nha chu (hơn 20%). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến mất răng.

Thống kế mới nhất cho thấy, 90% dân số nước ta gặp vấn đề về răng miệng, chủ yếu là sâu răng, viêm lợi, túi mủ quanh răng và mất răng… Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, không chỉ người lớn, người già đau răng, mất răng, hỏng lợi... đến khám, mà cả trẻ nhỏ cũng khổ sở vì điều trị răng kéo dài.

Bác sĩ khám và điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương.Bác sĩ khám và điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương.

Nhiều bệnh nhi mới 3-4 tuổi bị sâu đến 20 răng sữa, trong đó có cái đã sâu vào tủy, gây đau, hình thành ổ nhiễm trùng, nguy hiểm cho sức khỏe. Điều khiến phụ huynh lo lắng là không có cách nào trị được bệnh cho con, bởi các bé sợ hãi, quấy khóc, không hợp tác và hầu hết đều bị từ chối điều trị ở phòng khám tư, cơ sở y tế tuyến dưới…

Vệ sinh răng miệng kém khoa học là nguyên nhân chính gây ra tình trạng sâu răng. Ngoài ra, sâu răng còn hình thành do một số tác nhân như: Thường xuyên ăn vặt; thiếu florua; uống ít nước; răng mắc bệnh lý như viêm lợi, viêm nha chu…; mắc bệnh toàn thân như tiểu đường, ung thư….

Theo TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng khoa Răng trẻ em, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, hàng năm, khoa này đón tiếp hàng nghìn lượt bệnh nhi trên khắp các vùng, miền, tỉnh, thành của cả nước. 90% trẻ sâu răng đến khám đều đã bị biến chứng viêm tủy, viêm quanh cuống, áp xe, nhiễm trùng, sưng đau… rất nặng nề, khiến các em quấy khóc, cản trở ăn uống, học hành, vui chơi, sinh hoạt.

PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng khoa Nha Chu, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, thông tin, viêm nướu là hình thức phổ biến và nhẹ của bệnh nha chu, mảng bám. Các dấu hiệu đầu tiên khi bị viêm lợi là chảy máu, sưng và đỏ. Viêm nướu có thể dẫn đến bệnh về lợi nghiêm trọng hơn nhiều (nha chu).

Viêm nha chu là bệnh viêm nhiễm mãn tính dẫn tới sự phá hủy dần các bộ phận nâng đỡ răng (bao gồm lợi, dây chằng quanh răng, xương ổ răng và xi măng chân răng). Bệnh tiến triển theo giai đoạn, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến mất răng, ảnh hưởng lớn chức năng ăn nhai, thẩm mỹ, cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Kiểm soát tốt bệnh nha chu luôn có lợi cho răng miệng và sức khỏe toàn thân.

Kiểm soát tốt bệnh nha chu luôn có lợi cho răng miệng và sức khỏe toàn thân.

Bệnh nguy hiểm… chớ chủ quan!

TS.BS Vân Anh cho biết thêm, sâu răng nói riêng và các bệnh lý về răng miệng nói chung ở trẻ rất đa dạng, phức tạp. Đây là vấn đề mà chính phủ nhiều nước quan tâm do bệnh ảnh hưởng sự phát triển thể chất, cũng như tinh thần của trẻ, là gánh nặng kinh tế với gia đình, quốc gia.

Sâu răng gây đau, khó chịu, giảm cảm giác thèm ăn ở trẻ, khiến trẻ quấy khóc. Nếu không điều trị sớm, nhiễm khuẩn sẽ lan tới tủy gây viêm tủy và áp xe, làm hỏng mầm răng. Ổ viêm phát triển rộng ra hàm, mặt, má,… gây hậu quả nghiêm trọng về chức năng nhai, nói, ảnh hưởng mọc răng vĩnh viễn, thẩm mỹ khuôn mặt. Đặc biệt, sâu răng còn gây biến chứng viêm mô lỏng lẻo, viêm hạch, viêm tủy xương, đôi khi viêm lan rộng hoặc gây nhiễm trùng huyết, làm nặng thêm các bệnh toàn thân sẵn có, có thể gây tử vong ở trẻ.

Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, bệnh nha chu không chỉ tác động đến răng miệng mà còn ảnh hưởng sức khỏe toàn thân. Sự hiện diện của các vi khuẩn gây bệnh nha chu và sản phẩm chuyển hóa của chúng có thể xâm nhập vào hệ tuần hoàn gây biến chứng nguy hiểm ở bệnh tiểu đường, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch, viêm khớp dạng thấp... và có liên quan nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi; ung thư miệng, đại trực tràng; bệnh thận mãn tính; Alzheimer...

Vì vậy, kiểm soát tốt bệnh nha chu luôn có lợi cho răng miệng và sức khỏe toàn thân, từ đó có thể tác động tích cực làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và chi phí cho chăm sóc sức khỏe.

Người bệnh mắc các bệnh như đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp, bệnh phổi mạn tính… cần được khám răng miệng định kỳ để giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Cách phòng ngừa sâu răng, viêm lợi

- Đánh răng thường xuyên sau bữa ăn và sử dụng nước súc miệng sát khuẩn hàng ngày vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.

- Chải răng theo chiều từ trên xuống hoặc xoay tròn, chải đều khắp các mặt của răng từ trong ra ngoài, bao gồm cả hàm trên và hàm dưới.

- Nếu khó vệ sinh kẽ răng, bạn có thể sử dụng tăm nước, chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa, mảng bám ở những vị trí bàn chải khó len lỏi tới.

- Massage lợi răng nhẹ nhàng để loại bỏ đau răng và xoa bóp để tăng cường lưu thông máu đến khu vực lợi giúp chữa bệnh.

- Ăn uống với chế độ lành mạnh, sử dụng thực phẩm chứa nhiều rau xanh, trái cây tươi để cung cấp đủ vitamin cần thiết cho cơ thể.

- Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều đường, dầu, mỡ, có tính axit cao để bảo vệ men răng.

- Không hút thuốc, uống rượu bia, hạn chế uống nước ngọt có gas vì có chứa các chất kích thích có hại cho sức khỏe và làm ảnh hưởng tới men răng, gây ố vàng, sâu răng…

- Bỏ các thói quen xấu có thể dễ dàng làm tổn thương răng miệng như nghiến răng, cắn móng tay, cắn nắp chai…

- Khám nha khoa 6 tháng một lần.

Thúy Nga