Dữ liệu y khoa

Nguy cơ trẻ thừa cân, béo phì mắc sốt xuất huyết nặng

  • Tác giả : An Quý
Bé gái 9 tuổi sốt cao 3 ngày, uống thuốc hạ sốt không bớt. Bé vào Bệnh viện Nhi đồng 1 do suy hô hấp vì sốt xuất huyết ngày thứ ba kèm thừa cân - béo phì.

Trẻ béo phì mắc sốt xuất huyết thường vào sốc, suy hô hấp

Bệnh nhi nói trên nhập viện do sốt xuất huyết Dengue kèm theo dư cân. Bệnh nhi được điều trị chống sốc bằng dịch truyền điện giải, cao phân tử. Bệnh nhi sau đó bị suy hô hấp, được điều trị hỗ trợ bằng thở áp lực dương liên tục qua mũi.

sot-xuat-huyet-bv-nd1.jpg

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, các ca sốt xuất huyết trên trẻ dư cân béo phì ngày càng được ghi nhận nhiều, tỷ lệ gia tăng so với những năm trước đây. Trẻ béo phì hầu hết đều có diễn tiến nặng nề hơn những trẻ có cân nặng bình thường.

Những trẻ có dinh dưỡng quá tốt, thừa cân béo phì, sẽ có đáp ứng miễn dịch nhiều hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Khi truyền dịch, tình trạng thừa cân - béo phì cũng dễ gây nên các rối loạn về mặt chuyển hóa. Do đó, trẻ dễ có những nguy cơ đi kèm như suy hô hấp, tái sốc cũng nặng hơn so với trẻ bình thường.

Trước đó, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận bệnh nhi L.N.H. (13 tuổi, Đồng Tháp) được chẩn đoán sốc giảm thể tích do xuất huyết tiêu hóa, biến chứng thiếu máu cấp mức độ nặng, sốt xuất huyết Dengue ngày thứ tư.

Qua khai thác bệnh sử, trẻ bệnh 4 ngày sốt cao liên tục, không ói, không ho, ăn kém, tiêu tiểu bình thường. Ngày thứ 4, trẻ còn sốt, ăn kém than đau bụng âm ỉ kèm tiêu máu đỏ tươi nên nhập Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.

Mắc sốt xuất huyết Dengue lại vừa có loét hành tá tràng đang chảy máu cùng lúc, cậu bé 13 tuổi phải truyền hơn 2 lít chế phẩm máu.

Khi nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi xanh xao, trắng toát lòng bàn tay bàn chân và vẫn tiếp tục đi tiêu phân máu ồ ạt liên tục. Các bác sĩ tiên lượng khả năng chảy máu đường tiêu hoá tiếp diễn, bệnh nhi nhanh chóng được chống sốc, truyền máu, tiểu cầu, ổn định đông cầm máu và đưa ngay lên bàn mổ nội soi cấp cứu.

Một động mạch ruột nơi ổ loét đoạn tá tràng gần dạ dày phun máu liên tục đã kịp thời được khâu cầm máu.

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, điều đáng nói, bệnh nhi bị tình trạng thừa cân với trọng lượng cơ thể là 65kg (bình thường ở tuổi này cận nặng 34 - 40kg).

BSCKII Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, trẻ dư cân thường dễ vào sốc nặng khi mắc sốt xuất huyết, biến chứng suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận.

Dịch sốt xuất huyết kéo dài đến tháng Giêng, hai

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn cho biết, đặc điểm sốt xuất huyết của những tỉnh thành phía Nam thường gia tăng vào các tháng mùa mưa, đặc biệt tháng 8, tháng 9. Tuy nhiên, đuôi dịch sốt xuất huyết thường kéo dài sang tháng Giêng, tháng hai sang năm.

Cho nên, dù lượng mưa đã giảm, sốt xuất huyết vẫn còn. Nhiều ca nặng vẫn nhập viện, nhất là ở trẻ thừa cân béo phì.

Chị Thanh Tâm, nhà ở quận 7 chia sẻ, cháu gái chị mới 6 tuổi mà nặng chừng 30kg mới mắc sốt xuất huyết ngày thứ hai đã trở nặng. Bé bị chảy máu chân răng, chảy máu mũi và bị các vết bầm dưới da. Người nhà phải đưa bé vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM.

Không có thuốc đặc hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết, trẻ sốt xuất huyết chỉ được điều trị triệu chứng như hạ sốt, bù dịch bằng đường uống.

Trong trường hợp trẻ không uống được do nôn ói nhiều, thất thoát huyết tương nhiều dẫn đến tình trạng cô đặc máu, trẻ sẽ được truyền dịch. Còn nếu trẻ mất máu nhiều, rối loạn đông máu sẽ được truyền máu và các chế phẩm từ máu như huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu.

Khi trẻ bị suy hô hấp sẽ được hỗ trợ thở oxy hoặc thở máy. Nặng hơn, trẻ sốt xuất huyết bị suy đa cơ quan có thể được lọc máu liên tục.

Tuy nhiên, trẻ bị thừa cân - béo phì cũng gây ra nhiều khó khăn trong tính toán dịch truyền cũng khó khăn và phức tạp hơn so với những trẻ có cân nặng bình thường.

Phân biệt Covid-19 và sốt xuất huyết Dengue

Trong 2 - 3 ngày đầu, Covid-19 và sốt xuất huyết có các triệu chứng gần giống nhau như sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ.

Tuy nhiên, nhiễm Covid-19, bệnh nhân có các triệu chứng đường hô hấp như ho, hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng, mất khứu giác - vị giác. Và khi xét nghiệm, người ta sẽ nhận thấy có kháng nguyên virus SARS-CoV-2 ở dịch mũi, họng.

Bên cạnh đó, một số yếu tố dịch tễ kèm theo là trong nhà có người thân hoặc gần nhà có người nhiễm Covid-19. Sốt xuất huyết chủ yếu là sốt cao, khởi phát đột ngột, kèm theo các dấu hiệu gồm: Dễ bị xuất huyết, nhất là từ ngày thứ 3 trở đi (chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen…).

Xét nghiệm có thể tìm thấy kháng nguyên virus NS1 của virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết trong máu những ngày đầu của bệnh.

Diễn tiến nặng bệnh nhân Covid-19 có thể bị khó thở, đau tức ngực, suy đa cơ quan. Còn bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ dễ bị sốc, tụt huyết áp, xuất huyết nặng hoặc suy đa cơ quan.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM

An Quý