Đời sống

Nguy cơ gánh nặng dinh dưỡng kép và dân số già nhiều bệnh nền

  • Tác giả : Vân Bùi
Sau thời kỳ “dân số vàng”, Việt Nam có thể phải đối diện với giai đoạn dân số già nhiều bệnh nền nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý ngay từ bây giờ. Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với gánh nặng dinh dưỡng kép, một bên là thiếu chất và một bên là thừa cân béo phì.
dinh-duong-c.jpg

Báo động tình trạng thừa cân béo phì

Thực trạng về dinh dưỡng tại Việt Nam vừa được nhắc đến trong buổi Tọa đàm “Dinh dưỡng và những biện pháp can thiệp hiệu quả" do Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam (VBA) và Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam (VINAFOSA) tổ chức. Một lần nữa, các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo về tình trạng thừa cân béo phì (TCBP), gánh nặng dinh dưỡng kép tại Việt Nam. Đặc biệt, cảnh báo nguy cơ Việt Nam sẽ đối mặt với hậu giai đoạn “dân số vàng” là dân số già nhiều bệnh nền nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý từ bây giờ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, TCBP là căn bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể chất; khẩu phần dư thừa chất bột tinh chế, quen sử dụng thực phẩm chế biến sẵn nhiều đường, nhiều chất béo, muối, sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều, và một số các nguyên nhân khác như di truyền, rối loạn nội tiết và chuyển hóa… Trong khi đó, suy dinh dưỡng (SDD) thường là hậu quả của bữa ăn nghèo nàn về số lượng và chất lượng.

Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TPHCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

Theo GS.TS. Phan Thị Kim, Chủ tịch Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng, Chủ tịch danh dự VINAFOSA, TCBP ở Việt Nam do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là do mất cân bằng dinh dưỡng và lười vận động. Nghiên cứu của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, có ít nhất 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, người dân hạn chế vận động và bị mất cân bằng dinh dưỡng. Kết quả nghiên cứu tại 11 nước châu Á (trong đó có Indonesia, Nhật Bản…) đo hoạt động thể lực qua đếm bước chân hàng ngày, cho thấy mỗi ngày mỗi người Việt chỉ đi 3.600 bước, chỉ bằng 1/3 mức tiêu chuẩn 10.000 bước. So sánh trong 11 nước, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước lười vận động nhiều nhất.

the-duc.jpg
Việt Nam thuộc nhóm 3 nước lười vận động nhiều nhất Châu Á.

NGND. PGS.TS. Phạm Ngọc Khái, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang phải đối phó với gánh nặng kép về dinh dưỡng, đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 21. 2 bờ vực của gánh nặng kép dinh dưỡng mà Việt Nam đang đối mặt đó là thiếu dinh dưỡng và rối loạn chuyển hóa dẫn đến thừa hoặc thiếu dinh dưỡng. Đáng chú ý tình trạng TCBP gia tăng nhanh chóng ở trẻ em và người trưởng thành 25-60 tuổi. Nguyên nhân lớn là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý và ít vận động.

Nguy cơ dân số già nhiều bệnh nền

Theo Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, tình trạng TCBP kéo dài sẽ gây rối loạn các chức năng trong cơ thể, gây nhiều bệnh lý như: Suy giảm hệ miễn dịch; Bệnh xương khớp; Bệnh tiểu đường; Bệnh lý tim mạch; Bệnh hô hấp; Bệnh tiêu hóa; Vô sinh; Biến chứng khi mang thai; Trầm cảm;... Đặc biệt, chúng ta đang trong giai đoạn “dân số vàng”. Tuy nhiên, nếu Chính phủ không có chiến lược tuyên truyền về dinh dưỡng, người dân ăn chỉ ăn no, ăn ngon cho “sướng miệng” chưa biết ăn đủ, ăn cân bằng, an toàn thì trong tương lai, Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng dân số già nhiều bệnh nền, gia tăng gánh nặng cho xã hội.

dinh-duong(1).jpg
Dinh dưỡng không hợp lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến BPTC.

PGS.TS. Phạm Ngọc Khái cũng chỉ rõ, để cải thiện vấn đề này cần có những nỗ lực liên ngành từ trung ương đến địa phương, cần tăng cường quản lý trong chuỗi cung ứng thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, cần nâng cao nhận thức và thực hành cho cả cộng đồng bao gồm cả lãnh đạo quản lý, người sản xuất, người chế biến, người kinh doanh và người tiêu dùng; Tất cả vì mục tiêu sức khỏe cho mọi người, hạn chế những hệ lụy bệnh tật. Cần hiểu rõ vai trò (% nguy cơ) của từng yếu tố nguy cơ để có bằng chứng khoa học cho can thiệp. Nhà nước cần tăng cường truyền thông với các loại hình, phương thức, nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng để nâng cao nhận biết nguy cơ, thực hành dinh dưỡng hợp lý để kiểm soát TCBP và các bệnh lý liên quan.

PGS. TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA cho rằng, vấn đề về dinh dưỡng cần được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, toàn diện, góp phần xây dựng các giải pháp hiệu quả, hướng vào xử lý gốc rễ các nghịch lý về dinh dưỡng ở Việt Nam, tránh những hệ luỵ không đáng có đối với đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nhiều khó khăn hậu Covid-19 và leo thang xung đột Nga-Ukraina.

dinh-duong-3.jpg
PGS. TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA  chia sẻ về dinh dưỡng.

Nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, và trí tuệ của người Việt Nam, ngày 05/01/2022 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 02/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, nhằm thực hiện dinh dưỡng hợp lý, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, và trí tuệ của người Việt Nam.

Theo đó, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đã được đặt ra như: thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý và an ninh thực phẩm cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng theo vòng đời; cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em và thanh thiếu niên; kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì, dự phòng các bệnh mạn tính không lây, các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành; cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ;

Nâng cao khả năng ứng phó dinh dưỡng trong mọi tình huống khẩn cấp và tăng cường nguồn lực thực hiện; Tỷ lệ bệnh viện tổ chức thực hiện các hoạt động khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý cho người bệnh đạt 90% đối với tuyến Trung ương, tuyến tỉnh; 75% đối với tuyến huyện vào năm 2025 và phấn đấu đạt 100% đối với tuyến trung ương, tuyến tỉnh; 80% đối với tuyến huyện vào năm 2030.

tcbp1.jpg
Vân Bùi