Giáo dục

Nghi ngờ những cây phượng gãy đổ không phải là phượng vĩ

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Nếu là cây phượng vĩ thì khả năng chống chịu bão rất tốt. Còn kim phượng lại dễ giòn, gãy. Cần phải có chuyên gia giám định để đưa ra giải pháp hợp lý.

Chặt, rào phượng vì lo mất an toàn

Sau sự việc cây phượng đổ đè chết học sinh ở sân trường, Trường THCS Bạch Đằng (TPHCM), nơi xảy ra tai nạn thương tâm đã cho đốn hạ nốt cây phượng còn lại.

Được biết, cây phượng bị đốn có tuổi lớn hơn cây phương đổ. Đơn vị chịu trách nhiệm đốn cây là Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM.

Cây phượng được rào "cách ly".

Cây phượng được rào "cách ly".

Còn Trường THCS Trần Phú, TP Pleiku đã chọn cách là “cách ly” cây phượng với vòng dây chăng rào xung quanh gốc phượng.

Ông Nguyễn Đình Nghệ, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú cho biết, nhà trường rất lo ngại về sự an toàn đối với học sinh của hai cây phượng cổ thụ trong sân trường. Một cây nằm giữa sân trường cao khoảng 7m, đường kính hơn nửa mét, gốc và một vài nhánh đã mục rỗng.

Cuối năm 2016, một cây phượng trong trường bất ngờ đổ sát khu vực để xe của học sinh trong khi vẫn đang xanh tốt, trời không có gió.

Trường đã nhiều lần có tờ trình Phòng GD&ĐT, Phòng Quản lý đô thị TP Pleiku xin chặt hai cây phượng nhưng chưa được giải quyết.

Cũng liên quan tới việc cây phượng đổ, vào ngày 29/5, tại Trường Tiểu học Thái Hòa, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) cây phượng có đường kính thân 30cm, cao khoảng 10m bất ngờ bật gốc, đổ xuống sân trường.

Trước đó một ngày, tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên cũng có một cây phượng cổ thụ bật gốc, ngã đổ trong sân trường. May mắn, thời điểm cây phượng ngã đổ chưa có sinh viên đến lớp nên không gây thiệt hại về người.

Việc các cây phượng liên tiếp đổ, cùng với cách xử lý của các nhà trường như chặt, rào cây lại đã gây những tranh luận trái chiều trong dư luận.

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cây phượng gắn liền với tuổi học trò, là biểu tượng của văn hóa, tinh thần; là cây che bóng mát... không thể chỉ vì lo sợ cây gây tai nạn mà chặt bừa bãi.

Cần phải xem xét là phượng vĩ hay kim phượng

Trao đổi với KH&ĐS về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Thụy (Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, chi phượng có rất nhiều loài khác nhau, trong đó ngoài cây phượng vĩ được trồng khá lâu ở nước ta còn có một số loài được nhập trồng, ví dụ cây kim phượng.

Đối với phượng vĩ, đây là loài cây có khả năng thích ứng tốt, có từ thời Pháp, do người Pháp tuyển chọn và gây trồng, một số thành phố ven biển, nơi chịu nhiều gió bão vẫn trồng phổ biến, ví dụ như TP Hải Phòng.

Tuy nhiên, cây kim phượng nhập từ nước ngoài, như Ấn Độ về thì lại khác, dễ giòn, gãy. Cho nên, liên quan đến việc có nên chặt cây phượng hay không, khả năng chống chịu bão của cây thế nào thì hiện tại rất khó để có câu trả lời một cách khoa học. Trước hết, cần phải có các chuyên gia giám định xem cây đổ đó thuộc loại cây phượng gì, sau đó mới có thể đưa ra câu trả lời được.

“Tốt hơn là các chính quyền địa phương nên làm điều này, nên tổ chức các hội thảo để các nhà khoa học đưa ra ý kiến. Từ đó, có định hướng, giải pháp hợp lý thì sẽ không gây ra tranh cãi như thế này. Bản thân tôi hiện giờ cũng không biết cây phượng ấy là cây phượng gì. Trong khi, đây mới là mấu chốt vấn đề”.

Ông Thụy cho biết, theo đánh giá sơ bộ của ông thì một số cây phượng gãy đổ không phải cây phượng vĩ nguyên bản từ ngày xưa, mà là cây kim phượng nhập nội.

Ở HN mùa gió bão, cũng có rất nhiều loài kim phượng nhập từ Ấn Độ về có hiện tượng gẫy cành, đổ cành, gẫy ngọn rất nguy hiểm.

Và không phải chỉ ở chuyện giòn, gãy, gây nguy hiểm, mà lá cây kim phượng rất nhỏ rơi xuống còn gây ảnh hưởng đến công tác vệ sinh môi trường.

“Cây phượng giống từ thời Pháp rất ít khi có hiện tượng như thế này. Mà hiện nay có hiện tượng như vậy thì phải xem xét lại. Có khi cây có giá trị bảo tồn văn hóa lại thích hợp với môi trường rất tốt. Nhưng cây nhập về mà cứ gọi là phượng thì chưa chắc. Rất nhiều các loài thực vật hiện nay cũng đang nhầm lẫn như thế này.

Trong trường hợp nếu đúng là phượng vĩ rồi thì phải xem lại cấu trúc đất ở đó thế nào, có phải là đất mượn hay không, hay đất liền thổ, có đủ khoảng đất cho phượng mọc hay không. Những đánh giá này khá phức tạp, không hề đơn giản.

Sau khi đánh giá được mức độ ổn định về sự an toàn của cây thì mới xét tới các khía cạnh về văn hóa, các giá trị khác”, ông Thụy nói.

Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Văn Thụy về việc cần phải có ý kiến các nhà khoa học, TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, nên huy động kiến thức từ các hội nghề nghiệp liên quan để có những quyết định cho hợp lý.

Việc phát hiện ra cây bị sâu bệnh, có nên chặt hay không, phải do cơ quan có chuyên môn làm, còn nhà trường chỉ có trách nhiệm một phần. Hiện nay, vẫn còn bất cập trong quản lý về vấn đề này.

Trong quy hoạch công viên cây xanh đến năm 2030 của Hà Nội có việc những cây nào nên trồng ở đâu và có xem xét đến những yếu tố văn hóa. Vấn đề là gìn giữ, duy tu, bảo dưỡng cây xanh thế nào thì phải quy định cho rõ đối với từng loại cây, trong đó có phượng. Chứ hiện nay mới chủ yếu chỉ dừng lại ở việc trồng cây gì thôi.

Phượng không có lỗi

Một cái cây to, lâu năm, có giá rất lớn về môi trường, tâm linh, văn hóa, tinh thần. Chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng là trồng cây và bảo vệ cây. Cây trong trường học, không chỉ cho bóng mát, đặc biệt có ý nghĩa trong thời tiết nóng bức như thế này, mà còn cho trẻ tình yêu với thiên nhiên, có giá trị tinh thần, văn hóa rất lớn với các thầy cô, các thế hệ học trò.

Để cho cây bị rỗng, mục, theo tôi trách nhiệm liên quan tới bộ phận bảo vệ, giám sát cây. Lẽ ra, cần phải phát hiện ra những vấn đề của cây, báo với cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp bảo vệ, chống đỡ cây. Chứ không phải khi có sự vụ xảy ra, hoặc thấy cây không khỏe thì chặt cây, đó là việc làm phản khoa học và cũng trái với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật).

Mai Nguyễn