Giáo dục

Ngành không có sinh viên cung cấp cho nhà tuyển dụng

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Hai năm gần đây, Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) có ngành không tuyển được sinh viên. Nhà tuyển dụng về tận trường tìm nhân lực, nhưng không có sinh viên để tuyển dụng.

Không tuyển được sinh viên

Mùa tuyển sinh, bên cạnh những ngành “hot”, thu hút rất nhiều những thí sinh quan tâm, nộp hồ sơ, thì lại có những ngành bị “bỏ rơi”, nguội lạnh. Một trong số những ngành chịu cảnh “đìu hiu” trong tuyển sinh đó là Khí tượng, Tài nguyên và Môi trường nước và Hải dương học.

TS Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

TS Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vấn đề này, TS Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, những năm gần đây, các chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Khí tượng, Tài nguyên và Môi trường nước, và Hải dương học đều không đạt. Thậm chí, có 1, 2 năm không tuyển được sinh viên.

Đây cũng là tình trạng chung trong ngành dọc khí tượng thủy văn ở một số trường.

Trong khi đó, về mặt đào tạo, Khoa luôn xác định công tác đào tạo nhân lực nằm trong chuỗi rất chặt chẽ từ đầu vào là các trường cấp 3 cho tới đầu ra là cung cấp nhân lực cho các nhà tuyển dụng.

Điều đó thể hiện, khi xây dựng các ngành học, các chương trình học đều có tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà tuyển dụng để làm sao bắt kịp được xu hướng, nhu cầu thực tế. Các nhà tuyển dụng cũng luôn song hành với Khoa và Trường, theo sát sinh viên trong quá trình đào tạo, và Trường luôn là nơi đầu tiên họ gửi các đơn tuyển dụng đến..

Tuy nhiên, vẫn rất khó để Trường cung cấp được các nhận lực như ý cho các nhà tuyển dụng, vì nhiều lý do khác nhau.

Thứ nhất, là do mọi người chưa hiểu về ngành, quan niệm về ngành học rất sơ sài, chưa nhìn thấy được những công việc, cống hiến của ngành trong xã hội.

Ví dụ, các hoạt động phòng chống thiên tai, điều tiết vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi, dự báo ngư trường cho ngư dân ven biển… Nếu thiếu đi những dự báo này, rõ ràng sẽ có những tổn thất rất nặng nề. Nhưng những tổn thất này hầu như chỉ được để ý khi nó đã xảy ra rồi.

Hoặc mùa hè nắng nóng, ai cũng lo sợ nhất mất điện, nhưng ít ai biết được để đảm bảo điện cung cấp an toàn cho người dân thì một trong những việc phải làm được là dự báo dòng chảy tới hồ, phục vụ cho công tác điều tiết hồ thủy điện. Đấy chính là công việc của người học Thủy văn, hay là ngành Tài nguyên và Môi trường nước hiện đang đào tạo.

Cùng với đó, những cơ chế đãi ngộ đối với người làm trong ngành chưa tốt, mức lương của cán bộ trong ngành rất hạn chế. Để khắc phục, nhiều cơ sở ngành dọc trong Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã phải có những chương trình, đề tài, dự án để cải thiện thêm nguồn sống để chiêu mộ, giữ chân cán bộ.

Những khó khăn này đang được tháo gỡ dần dần, mức lương cũng đã cải thiện hơn do có sự thay đổi lớn từ phía ngành, trong đó có việc ra đời Luật Khí tượng thủy văn và việc thành lập trở lại Tổng cục khí tượng Thủy văn với đội ngũ lãnh đạo tâm huyết nhiệt tình.

"Hiện tại, trên website của Khoa cứ khoảng 1 – 2 tuần đều công bố tất cả những đơn tuyển dụng từ các nhà tuyển dụng gửi về, nhưng kết quả đào tạo của Khoa không đáp ứng được do thiếu sinh viên", ông Hưng nói.

"Điểm tuyển sinh những năm gần đây vào Khoa khoảng 16,5 điểm, theo tôi không quá cao để các em có thể cân nhắc lựa chọn trong việc chọn nghề cho mình. Tôi có thể khẳng định chắc chắn, đối với ngành khí tượng thủy văn, cơ hội làm việc luôn luôn rộng mở. Đặc biệt, hiện tại, trong tình trạng thiếu người, khi vào ngành, các bạn sẽ là “mỳ chính cánh”", TS Nguyễn Quang Hưng.

Nghề "hot" tương lai

Chia sẻ về cơ hội việc làm của các ngành liên quan đến Trường mà hiện nay thí sinh đang không "mặn mà", TS Thái Thị Thanh Minh, Phụ trách Bộ môn Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, định hướng đào tạo của Trường là theo thực hành, ngay trong quá trình học tập, sinh viên đã được tiếp cận với thực tế nghề nghiệp thông qua việc thực hành, thực tập tại các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, luôn được cập nhật kiến thức, công nghệ mới của ngành nên cơ hội việc làm khi ra trường của sinh viên khá tốt.

Sinh viên Bộ môn Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững đi thực tế tại Khu sinh thái tác Pạc Sủi, Quảng Ninh.

Sinh viên Bộ môn Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững đi thực tế tại Khu sinh thái tác Pạc Sủi, Quảng Ninh.

Riêng đối với lĩnh vực biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, cơ hội việc làm còn có xu hướng đa dạng và mở rộng hơn. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước như: Chuyên viên trong các cơ quan quản lý các cấp về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, hoặc một số ngành có liên quan (Giáo dục, y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp); Các tổ chức phi chính phủ, ban quản lý chương trình, dự án trong nước và quốc tế; Nghiên cứu viên trong các viện nghiên cứu về Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững, Tài nguyên và Môi trường và có thể khởi nghiệp về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp cũng có thể tham gia giảng dạy các ngành có liên quan về biến đổi khí hậu, phát triển bền vững cho các trường đại học, cao đẳng hoặc phục vụ trong các ngành kinh tế, xã hội và quốc phòng; hoặc có thể tiếp tục học cao học về chuyên ngành Biến đổi khí hậu, Phát triển bền vững, Khí tượng, Thủy văn...

Bà Minh đánh giá, trong tương lai, theo xu thế phát triển bền vững, thì khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu sẽ là ngành "hot".

Hiện tại, Nhật Bản đã bán bản tin dự báo thời tiết cho người dân đi du lịch, tương lai sẽ làm dịch vụ như ngành khác. Một số nước như Singapore, Philipine mức lương cho những người làm trong ngành này cũng rất cao.

“Tôi tin tương lai đây sẽ là ngành có vị trí tốt. Vấn đề là làm sao để truyền thông tới được để các em thí sinh hiểu đúng về ngành và lựa chọn”, bà Minh nói.

Mai Nguyễn