Đời sống

Mức sinh tăng cao trung bình trên 2,5 con

  • Tác giả : Thúy Nga
Có đến 33/63 tỉnh/TP có mức sinh trên 2,2 con, thậm chí nhiều tỉnh/TP mức sinh còn rất cao trên 2,5 con. Một số nơi trước đây đã đạt mức sinh thay thế, nay tăng rất cao trở lại.

33 tỉnh thành kinh tế khó khăn có mức sinh cao

Báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm Tổng cục dân số cho biết, sau gần 50 năm nỗ lực, Việt Nam đã đạt mức sinh thế vào năm 2006 với tổng tỷ suất sinh (TFR) =2,09 con/phụ nữ và duy trì mức sinh thay thế trong 15 năm qua.

Tuy nhiên, mức sinh không đồng đều giữa các vùng, miền và các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại một số nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa phát triển, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con:

Trong 6 vùng kinh tế - xã hội, có 4/6 vùng có mức sinh cao trên mức sinh thay thế (Trung du miền núi phía Bắc là 2,41 con, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 2,31 con, Tây nguyên 2,41 con, Đồng bằng sông Hồng 2,34 con); 2/6 vùng còn lại thì dưới mức sinh thay thế (Đồng bằng Sông Cửu Long là 1,82 con, Đông Nam Bộ là 1,62 con). Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất (Trung du miền núi phía Bắc - Tây Nguyên) và vùng thấp nhất (Đông Nam bộ) là 0,79 con.

dan-so-the-gioi-1.jpg
Hà Nội tổ chức hưởng ứng ngày dân số thế giới.

Có sự khác biệt mức sinh rõ rệt giữa khu vực nông thôn – thành thị, trong khi mức sinh tại khu vực thành thị đã đạt và ở dưới mức sinh thay thế trong nhiều năm qua thì mức sinh tại khu vực nông thôn hiện vẫn còn cao (2,29 con). Chênh lệch mức sinh giữa khu vực nông thôn – thành thị ở mức 0,41 con.

Có đến 33/63 tỉnh/TP, phần lớn là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, có mức sinh trên 2,2 con, thậm chí nhiều tỉnh/TP mức sinh còn rất cao trên 2,5 con; 21 tỉnh/TP có mức sinh dưới 2,0 con và chỉ có 9 tỉnh/TP có mức sinh xung quanh mức sinh thay thế (từ 2,0 đến 2,2 con). Chênh lệch mức sinh giữa nơi cao nhất (Hà Tĩnh với TFR = 2,97 con) và nơi thấp nhất (TP. Hồ Chí Minh với TFR = 1,35 con) là 1,62 con.

Đáng chú ý, tại một số nơi trước đây đã đạt mức sinh thay thế, nay tăng rất cao trở lại như:

Khu vực nông thôn: từ 2,11 con (năm 2010) nay tăng lên 2,29 con (năm 2020);

Đồng bằng sông Hồng: từ 2,04 con (2010) lên 2,34 con (2020); và một số tỉnh phía Bắc như:Tuyên Quang từ 2,05 con (năm 2008) lên 2,51con (năm 2019), Phú Thọ từ 1,99 con (năm 2007) lên 2,57 con (năm 2019), Nam Định từ 1,76 con (năm 2012) lên 2,74 con (năm 2019), Hải Dương từ 1,95 con (năm 2017) lên 2,48 con (năm 2019),...

Một số tỉnh/TP thuộc vùng mức sinh thay thế có mức sinh biến động tăng cao trên 2,2 con vào năm 2020 như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, Bình Phước.

dan-so-the-gioi.jpg
Quận Thanh Xuân Hà Nội diễu hành cổ động ngày dân số thế giới.

Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục,…, làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân của các địa phương này so với các khu vực khác.Việt Nam có hơn một nửa số tỉnh có mức sinh cao với quy mô dân số chiếm khoảng 40% dân số cả nước, không nên để mức sinh quá cao trong bối cảnh kinh tế - xã hội ở những tỉnh này còn nhiều khó khăn.

Đẩy mạnh cung cấp biện pháp tránh thai (BPTT) miễn phí

Theo số liệu từ kết quả điều tra dân số và kế hoạch hóa gia đình 01/4 hàng năm, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại giảm từ 68,8% vào năm 2008 xuống còn 67,5% vào năm 2010 và 67% vào năm 2020 liên tiếp không đạt mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2010 và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2020 (mục tiêu là 70,1%). Trong khi số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn duy trì ở mức cao, nhu cầu KHHGĐ của người dân Việt Nam ngày càng cao, thì tỷ lệ sử dụng BPTT giảm.

dan-so-the-gioi-2.jpg
Hà Nội tổ chức mít tinh ngày dân số Thế giới.

Theo các chuyên gia Để đạt được các mục tiêu về mức sinh cho dù là giảm sinh hay duy trì mức sinh thì trước hết phải thực hiện được các mục tiêu về tỷ lệ sử dụng tránh thai, đẩy mạnh cung cấp BPTT và dịch vụ KHHGĐ nhằm tăng tỷ lệ sử dụng BPTT

Đảm bảo cung cấp miễn phí cho mọi người dân có nhu cầu sử dụng BPTT đang cư trú trên địa bàn tỉnh, tại cả khu vực thành thị và nông thôn; bao gồm cả các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người đơn thân, vị thành niên, thanh niên, người tạm trú là cán bộ, công nhân, người lao động thuộc các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn.

Tiếp tục thực hiện tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội và nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tập trung vận động không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con. Đối tượng tuyên truyền, vận động chủ yếu là các cặp vợ chồng đã sinh hai con và có ý định sinh thêm con. Khẩu hiệu vận động là “Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”;

Tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hiện hành như khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, bao gồm phương tiện tránh thai; bồi dưỡng, hỗ trợ người thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ, người vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình…



Thúy Nga