Sống xanh

Mua bán tín chỉ carbon sẽ mang lại lợi ích cho người trồng rừng

  • Tác giả : Thiên Tuấn
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2, hoặc một tấn khí nhà kính khác.
Hiện giá bán một tấn carbon dao động 2-50 USD, tùy thuộc vào vai trò, giá trị của rừng, trong đó rừng có độ đa dạng sinh học cao thì giá bán tín chỉ carbon cao.
Mua ban tin chi carbon se mang lai loi ich cho nguoi trong rung
Thị trường tín chỉ carbon hoạt động sôi nổi trên thế giới.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Viện Giải pháp kỹ thuật nông nghiệp bền vững thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, hoạt động mua bán tín chỉ carbon đã diễn ra nhiều năm nay trên thế giới. Đây là thị trường mang lại lợi ích kinh tế từ sản phẩm "vô hình" từ diện tích rừng và Việt Nam là thị trường khá hấp dẫn và tiềm năng. Thực tế, các doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khi mua tín chỉ carbon tại Việt Nam là do "không có dữ liệu tin cậy" về việc hấp thụ khí thải. Đồng thời, Nghị định 06 của Chính phủ về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon cũng không đề cập đến vấn đề tín chỉ carbon này nên hoạt động mua bán tín chỉ carbon gặp nhiều vướng mắc.
Theo ông Dũng, việc mua bán tín chỉ carbon sẽ mang lại lợi ích kinh tế thêm cho Nhà nước và trực tiếp người trồng rừng. Tức là, lâu nay người trồng rừng chỉ có lợi ích từ việc khai thác sản phẩm gỗ mà không có thêm bất kỳ thu nhập khác thì việc mua bán tín chỉ carbon này bà con sẽ có thêm kinh tế từ các doanh nghiệp có nhu cầu mua diện tích hấp thụ khí thải từ rừng. Khi có thu nhập thêm, người trồng rừng cũng sẽ đóng thuế cho Nhà nước, làm tăng ngân sách. Ngoài ra, hoạt động này cũng sẽ kích thích hoạt động trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường cho Việt Nam.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 20/12, Bộ NN&PTNT phối hợp với Đại sứ quán Nauy tổ chức hội thảo trực tuyến “Thị trường carbon rừng: Kết quả sau COP 27 và lộ trình xây dựng thị trường carbon rừng tại việt Nam”.
Chia sẻ bên lề hội thảo, bà Phạm Thu Thủy, Giám đốc chương trình Biến đổi khí hậu, Năng lượng tái tạo và Phát triển carbon thấp toàn cầu (CIFOR-ICRAF) cho biết, hiện có nhiều công ty năng lượng, tổ chức tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, dịch vụ ở nước ngoài muốn mua tín chỉ carbon tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ bày tỏ lo ngại do Việt Nam chưa có hành lang pháp lý rõ ràng nên không biết phải làm gì.
“Việt Nam vẫn chưa có hệ thống đăng ký quyền carbon hay danh sách cơ sở, dự án về carbon để doanh nghiệp tìm đến”, bà Thủy cho biết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Từ 1/1/2021, áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới với ô tô tại Việt Nam:

(Nguồn: TH Pháp luật)

Thiên Tuấn