NHÌN THẲNG

"Mỗi khu phố là một khoa lâm sàng"

  • Tác giả : An Quý (thực hiện)
Ngành Y tế TPHCM nhấn mạnh thông điệp “y tế gần dân”, đẩy nhanh tiêm phủ văcxin mũi 3 cho người dân trên địa bàn TPHCM, giữ vững thành quả chống dịch, mang niềm vui đến mọi nhà.

Nhân dịp đầu xuân năm mới, Khoa học và Đời sống đã có cuộc trò chuyện cùng TS.BSCKII Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM về thông điệp “y tế gần dân”.

bs-phan-minh-hoang.jpg
TS.BSCKII Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc Trẻ TPHCM, đang hướng dẫn cho người dân về các thông tin liên quan đến Covid-19 và văcxin.

Chủ động cập nhật F0

Trong sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” đã được chọn là một trong 10 mô hình hoạt động sáng tạo và hiệu quả. Hiện nay, mạng lưới thầy thuốc trẻ đồng hành đã được kích hoạt trở lại, điều này có sự khác biệt gì không, thưa ông?

Được sự chỉ đạo của Sở Y tế TPHCM, Hội Thầy thuốc Trẻ TPHCM tiếp tục vận hành mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” TPHCM.

Từ thế thụ động chờ bệnh nhân gọi khi cần, các bác sĩ chủ động khi nhận được danh sách cập nhật F0 trên địa bàn, phối hợp hoạt động cấp cứu người bệnh từ các trung tâm Y tế quận, huyện và TP Thủ Đức, Trung tâm Cấp cứu 115 và các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19…

tiem-thuoc-tai-nha-1-.jpg
Các bác sĩ trẻ của ngành y tế TPHCM đã đến tận nhà tiêm văcxin ngừa Covid-19 cho người dân thành phố.

Hiện nay, F0 đã được trang bị nhiều kiến thức về bệnh tật nên cũng ổn hơn những tháng cao điểm của dịch Covid-19. Do vậy, xu thế tư vấn F0 trên địa bàn thành phố chủ yếu hướng tới người lớn tuổi, tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân mắc các bệnh lý nền.

Một tờ báo của Singapore đã từng dự báo Việt Nam cần hơn 10 năm để bao phủ văcxin ngừa Covid-19 cho 75% dân số. Thực tế, đến tháng 8/2021, Việt Nam nằm trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Đông Nam Á.

Đến nay, Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số mũi văcxin tiêm chủng nhiều nhất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người sợ tiêm văcxin, vậy TPHCM đã làm gì để đẩy nhanh tốc độ tiêm cho nhóm nguy cơ?

Trong chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ trước đại dịch Covid-19, ngành y tế TPHCM đã lập danh sách quản lý được 639.972 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó phát hiện 25.642 người chưa tiêm văcxin ngừa Covid-19 (4,0%).

du-bao-cua-singapore.jpg
Dự báo của tờ báo Straits Times (Singapore) rằng Việt Nam cần hơn 10 năm để bao phủ văcxin ngừa Covid-19 cho 75% dân số.

Hơn một nửa trong số đó đã được nhân viên y tế đến tận nhà, thuyết phục tiêm văcxin ngừa Covid-19. 400 bác sĩ thuộc Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM đã chủ động đến tận nhà, giúp người dân hiểu đúng và chính xác hiệu quả của văcxin với chương trình “Mũi tiêm an toàn - Văcxin hạnh phúc”.

Chúng tôi đã chủ động tiếp cận để giúp người dân hiểu văcxin là một trong những lá chắn an toàn, lá chắn thép trong bảo vệ sức khỏe cho người dân trong tình hình thích ứng linh hoạt khi sống chung với dịch Covid-19.

Theo ông, lý do chính khiến người dân chưa tiêm văcxin là gì?

Trong đối tượng hơn 25.000 người chưa tiêm văcxin đó, nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Bệnh nhân lớn tuổi, bị tai nạn, tai biến nằm một chỗ, sức khỏe không cho phép đi tới các cơ sở y tế để tiêm ngừa.

doi-tiem-luu-dong-cua-bv-le-van-thinh.jpg
Đội tiêm ngừa văcxin ngừa Covid-19 lưu động của Bệnh viện Lê Văn Thịnh... 
bv-le-van-thinh-trien-khai-tiem-vaccine-tai-nha-cho-nguoi-co-nguy-co-cao.jpg
... triển khai đi khám và chich văcxin tại nhà cho những người thuộc nhóm nguy cơ.

Ngoài ra, thông tin từ trung tâm y tế, trạm y tế còn thiếu, người dân không cập nhật được hoặc trạm y tế lưu động chưa tới được với người dân.

Bên cạnh đó, lực lượng thầy thuốc trẻ chúng tôi hướng tới hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể đối với những người vẫn còn có thái độ chủ quan.

Nhiều lần khi tiếp cận người dân, chúng tôi nhận thấy nhiều người muốn tiêm văcxin nhưng bị người thân hay con cái ngăn cản khiến nhiều người hoang mang lo lắng

Chính vì vậy, Sở Y tế TPHCM đã phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM tổ chức tập huấn cho hơn 500 y bác sĩ ở các bệnh viện để có thể tư vấn cho người dân bất kỳ lúc nào giúp họ hiểu đúng và chính xác về an toàn của văcxin và hiểu khi nào nên tiêm mũi 2, khi nào cần tiêm mũi 3…

Mang y tế tới gần dân

Nhiều người cho rằng, người cao tuổi nằm một chỗ, không đi đâu, yếu vì có bệnh nền, tiêm văcxin ngừa Covid-19 không tốt, dễ sốc… nên đã không tiêm văcxin dù đã được phường, xã mời nhiều lần!

Thông thường chúng ta cứ quan niệm, người bệnh không đi đâu, nhưng chúng ta quên mất rằng những người khỏe mạnh trong nhà sẽ đi làm, sẽ ra ngoài đường và có thể mang mầm bệnh về nhà.

bao-ve-nguoi-nhom-nguy-co-1-.jpg
Nhân viên y tế rời khỏi “bàn giấy” bước xuống từng ngôi nhà với phương châm “mỗi ngôi nhà là một giường bệnh, mỗi khu phố là một khoa lâm sàng”.

Bên cạnh đó, bệnh lý nền không liên quan đến văcxin. Chúng tôi triển khai chương trình “Mũi tiêm an toàn - Văcxin hạnh phúc” nhằm đảm bảo cho người dân được tiêm và được kiểm soát một cách tốt nhất và an toàn nhất.

Nét mới nào trong các chương trình vì sức khỏe người dân mà ngành y tế và Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM đã triển khai trong thời gian qua?

Điều quan trọng nhất là ngành y tế phải tiếp cận với mục tiêu “y tế gần dân”. Chương trình hành động của Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM là mang y tế gần dân để người dân được tư vấn, hỗ trợ, điều trị một cách kịp thời, nhanh nhất và chính xác nhất.

Nhiều trường hợp chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa nhân viên y tế với người dân. Vì vậy, qua các chương trình này, chúng tôi mong muốn nhân viên y tế rời khỏi “bàn giấy” bước xuống từng ngôi nhà với phương châm “mỗi ngôi nhà là một giường bệnh, mỗi khu phố là một khoa lâm sàng”.

Nhờ vậy, đội ngũ thầy thuốc có thể chủ động hơn trong giúp bệnh nhân một cách trực tiếp, đặc biệt là những người đang yếu thế, khó khăn.

Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” là cánh tay nối dài để hỗ trợ y tế TPHCM trong công tác tiếp cận bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa.

Xin cảm ơn ông!

Từ ngày 7 - 28/2/2022, tất cả điểm tiêm chủng (cố định, cộng đồng, lưu động) hoạt động trở lại. Ngành y tế TPHCM nỗ lực bao phủ văcxin ngừa Covid-19 trong cộng đồng đến hết tháng 2/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Sở Y tế TPHCM, tính đến nay, TPHCM đã tiêm 19,95 triệu liều văcxin. Trong đó, hơn 8,1 triệu liều mũi 1, hơn 7,28 triệu liều mũi 2, 659.784 liều mũi bổ sung và 3,89 triệu liều mũi nhắc lại.

Giai đoạn 2 của Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ của TPHCM dự kiến sẽ kéo dài cho đến hết năm 2022.

An Quý (thực hiện)