Dữ liệu y khoa

Mắc COVID-19 không triệu chứng, khỏi bệnh lại bị di chứng nặng nề

  • Tác giả : Thúy Nga
Bệnh viện Hữu Nghị đang tiếp nhận nhiều bệnh nhân không có triệu chứng khi là F0 nhưng lại bị di chứng hậu Covid. Có người bị suy hô hấp, suy tim toàn bộ, viêm phổi, tắc động mạch, suy thận…

Bệnh nhân L.T.Đ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi mắc COVID-19 thì có triệu chứng rất nhẹ, không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nhưng sau khi khỏi bệnh một thời gian bà lại thấy mệt mỏi, mất ngủ, đuối sức và ho nhiều.

Bà đi khám và được chẩn đoán mắc triệu chứng hậu COVID-19. Sau khi được điều trị, sức khỏe bà đã tốt lên, ăn uống, ngủ nghỉ tốt hơn.

TS. BS Lại Văn Hoàn, Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, hiện có khoảng 2% dân số Việt Nam mắc COVID-19. Trong số đó, nhiều người mắc hội chứng hậu COVID-19 với các triệu chứng phổ biến là mệt mỏi, khó thở, giảm tập trung, rối loạn giấc ngủ thậm chí rối loạn nhận thức...

hau-covid-19.jpg
Nhiều F0 khi mắc COVID-19 không triệu chứng nhưng khỏi bệnh lại bị di chứng nặng nề

Những triệu chứng này có thể mới khởi đầu sau khi hồi phục COVID- 19 hoặc dai dẳng kéo dài từ khi mới nhiễm bệnh. Lo ngại hơn là, nhiều người dù lúc mắc bệnh không có triệu chứng, được điều trị tại nhà, nhưng sau khi khỏi bệnh lại gặp phải những di chứng nặng, thậm chí phải nhập viện điều trị.

Tại Bệnh viện Hữu Nghị, từ khi triển khai tiếp nhận khám và điều trị bệnh nhân hậu COVID-19 đã có trên 20 bệnh nhân đến khám và điều trị.

Đặc biệt có bệnh nhân khi vào viện đã trong tình trạng rất nặng; dù lúc nhiễm COVID-19 chỉ ở mức độ nhẹ. Khi vào viện, bệnh nhân đã trong tình trạng suy hô hấp, suy tim toàn bộ, viêm phổi, tắc động mạch, suy thận, rối loạn dinh dưỡng…

“Với trường hợp này, chúng tôi phải điều trị tích cực, toàn diện cho bệnh nhân cả hồi sức tích cực, dinh dưỡng, tâm lý, phục hồi chức năng. Hiện sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân này đã phục hồi hơn 80% sức khỏe và chức năng các tạng từng bị tổn thương”. – TS.BS Hoàn nói.

Qua thực tế điều trị bệnh nhân hậu COVID-19, TS.BS. Lại Văn Hoàn cho hay, Không chỉ người cao tuổi có bệnh lý nền, mà ngay cả những bệnh nhân cao tuổi (trên 60 tuổi) không có bệnh lý nền và bệnh nhân trẻ mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ, hoặc không có triệu chứng, nhưng sau khi nhiễm đều có thể gặp phải biến chứng nặng ở nhiều cơ quan, hệ cơ quan như:

Hô hấp: Khó thở các mức độ từ nhẹ đến nặng có thể xuất hiện và kéo dài; Ho kéo dài; Đau ngực: Giảm chức năng hô hấp (khả năng hít thở, khả năng gắng sức); Có thể tiến triển sang tổn thương xơ phổi...

Tim mạch: Tổn thương cơ tim (viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim; Nhịp nhanh, hồi hộp đánh trống ngực; Khó thở khi gắng sức.

Tâm - Thần kinh: Tai biến mạch não; Suy giảm nhận thức; Trầm cảm, rối loạn lo âu, Stress

Cơ - xương - khớp: Mệt mỏi, đau mỏi cơ, yếu cơ…

Các cơ quan khác: Suy thận, rối loạn đông máu, đái tháo đường, rối loạn tiêu hóa, dinh dưỡng...

Vì vậy, TS.BS Lại Văn Hoàn khuyên, đối với người bệnh sau nhiễm COVID-19, dù khi mắc có hay không có triệu chứng, sau đó vẫn nên đến đi khám, tư vấn, kiểm tra để loại trừ các tổn thương.

hau-covid-19-1.png
Tư vấn cho bệnh nhân hậu COVID-19 tại bệnh viện Hữu Nghị

Bởi có những trường hợp, các di chứng để lại không có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng nhưng tình trạng bệnh sẽ tiến triển dần và nặng lên. Việc kiểm tra sẽ giúp phát hiện sớm các biến chứng để có phương án can thiệp kịp thời.

Tùy vào mức độ tổn thương và hệ cơ quan tổn thương, các bác sĩ sẽ có lộ trình điều trị phù hợp giúp người bệnh cải thiện tối đa tình trạng các biến chứng, di chứng do nhiễm COVID-19 để lại.

Thúy Nga