Dữ liệu y khoa

Lưỡng lự khi tiêm văcxin là 1 trong 10 nguy cơ về y tế công cộng

  • Tác giả : TS.BS Huỳnh Tấn Tiến, Khoa Y, ĐH Quốc tế Hồng Bàng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lưỡng lự hoặc từ chối tiêm phòng mặc dù có sẵn văcxin, làm đảo ngược tiến độ phòng chống các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được bằng văcxin.

WHO ước tính, tiêm chủng đã cứu sống gần 3 triệu người mỗi năm. Các loại văcxin như: Lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, viêm gan B và Hib đang ngăn ngừa được 2,5 triệu ca tử vong hằng năm ở trẻ em.

chich-ngua.jpg
Hiện nay, vắcxin Covid-19 đang sử dụng trên toàn thế giới để phòng chống dịch cho cả người lớn và trẻ em. Ảnh minh họa

Văcxin là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh. Các mũi tiêm nhắc lại thường sẽ kích thích trí nhớ miễn dịch, tạo ra kháng thể ở mức cao hơn.

Đáp ứng miễn dịch phụ thuộc nhiều yếu tố: Cơ địa, hệ thống miễn dịch, tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch giữa các mũi tiêm, đúng vị trí tiêm chủng, đúng liều lượng, chất lượng bảo quản văcxin.

Nhiều văcxin ngừa bệnh đang được sử dụng rộng rãi hiện nay. Văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em gồm BCG (phòng lao), Viêm gan B, Bại liệt, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Sởi, Viêm não Nhật Bản…

Chúng ta còn có văcxin phòng bệnh dại. Văcxin phòng cúm rất cần thiết với trẻ em và quan trọng với người lớn

Văcxin rubella được tiêm phụ nữ giúp giảm thiểu các nguy cơ mắc các khuyết tật về tim, bị điếc bẩm sinh, đục thủy tinh thể hoặc chậm phát triển về trí tuệ cho thai nhi.

Văcxin phòng HPV giúp phòng bệnh ung thư cổ tử cung.

Đặc biệt, hiện văcxin Covid-19 hiện đang sử dụng trên toàn thế giới để phòng chống dịch cho cả người lớn và trẻ em.

Về nguyên tắc, văcxin phải đảm bảo đủ độ an toàn. Song trên thực tế không thể đạt được mức độ an toàn tuyệt đối. Tất cả các văcxin đều có thể gây ra phản ứng bất lợi ở một số người.

Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm từ văcxin nhỏ hơn rất nhiều so với mức độ nguy hiểm do các bệnh tương ứng gây ra.

Việc tiêm chủng là rất cần và lợi ích vô cùng lớn nên mọi người tùy vào các chỉ định mà phải tiêm ngừa phòng bệnh.

Trẻ em phải tiêm đủ loại văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và đúng lịch. Tiêm phòng các loại văcxin theo tuổi, tình hình phòng bệnh ở mỗi người như văcxin dại khi bị chó cắn, tiêm phòng cúm ở người cao tuổi hàng năm.

Để đảm bảo tính sinh miễn dịch cao khi chủng ngừa cần ăn nhiều chất đạm như thịt, cá, trứng, uống sữa. Các loại thực vật nhiều chất đạm như đậu nành, đậu phộng, đậu hũ nhằm tăng cường sức khỏe chống lại các bệnh truyền nhiễm.

TS.BS Huỳnh Tấn Tiến, Khoa Y, ĐH Quốc tế Hồng Bàng