Khoa học & Công nghệ

Lúa ST25 có thể trồng ở nhiều vùng

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Đa phần các giống gạo ngon thì có năng suất thấp, khó canh tác. Nhưng giống lúa ST25 – loại gạo ngon thứ 2 thế giới năm 2020 lại có thể canh tác trong nhiều điều kiện khác nhau với sản lượng cao.

Gạo Việt ngon thứ nhì thế giới

Theo thông tin từ ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo ST25 của anh hùng lao động Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự, thuộc doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đã đạt giải nhì cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới năm 2020" diễn ra tại Mỹ. Giải nhất cuộc thi năm nay thuộc về gạo Thái Lan, giải ba là gạo của Campuchia. KS Hồ Quang Cua cho biết, Việt Nam có 3 loại gạo được gửi mẫu tham dự cuộc thi. Cuộc thi năm nay quy tụ nhiều loại gạo nổi tiếng của các nước nhưng chỉ có 2 loại gạo vào vòng chung kết là ST25 của Việt Nam và gạo của Thái Lan.

Gạo ST25 có hạt gạo dài, trắng trong, không bị bạc bụng hạt, có mùi thơm như mùi lá dứa và mùi cốm. Cơm nấu từ gạo ST25 rất ngon, dẻo và có vị ngọt. Một điểm đặc biệt của gạo ngon nhất thế giới so với các loại gạo thông thường đó chính là gạo hấp thụ nước ít. Khi nấu, các hạt cơm ST25 không bị bung ra mà vẫn giữ được hình dạng dài của hạt gạo trông rất ngon mắt. 

“Trước đây trong các cuộc thi gạo ngon, ban tổ chức thường chọn giống gạo cổ truyền chứ ít chọn giống lúa lai. Lúa cổ truyền tuy thơm ngon nhưng năng suất thấp, mỗi năm chỉ được một vụ. Còn hai giống ST24 và ST25 thì có thể trồng 2 vụ một năm. Trên cùng một đơn vị diện tích, trong một năm, ST25 có thể cung cấp sản lượng gạo ngon gấp 5 lần gạo lúa mùa của các nước xung quanh”, KS Hồ Quang Cua chia sẻ.

Gạo ngon, sản lượng cao, trồng ở nhiều vùng

Trước năm 2019, những giống lúa đạt giải ngon nhất thế giới đều là những giống lúa mùa dài ngày, năng suất thấp, không có nhiều để cung ứng ra thị trường. ST25 của KS Hồ Quang Cua được chọn là giống gạo ngon nhất thế giới cho thấy, lần đầu tiên một giống lúa cải tiến ngắn ngày, năng suất cao, thích nghi với nhiều chân đất, đặc biệt là các vùng đất nhiễm mặn, vùng lúa - tôm được công nhận. Đây là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam có thể mở rộng diện tích canh tác, cung ứng ra thị trường với sản lượng lớn và mang về lợi nhuận cao cho người trồng lúa. Hiện giống lúa ST25 đã được trồng ở khắp các địa phương trong cả nước.

Năm 2019, KS Hồ Quang Cua và các cộng sự - là các cán bộ nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã giúp Việt Nam lần đầu tiên đạt giải thưởng gạo ngon nhất thế giới, với giống lúa ST25. Sau 25 năm, miệt mài nghiên cứu lai tạo dòng lúa thơm ST, cuối cùng, thành quả lao động của ông và nhóm các nhà khoa học đã được công nhận. KS Hồ Quang Cua cho biết, giống ST25, và ST24 được nghiên cứu lai tạo từ dòng lúa thơm ST và không ngừng cải tiến nên bên cạnh phẩm chất gạo ngon, năng suất cao thì khả năng chống chịu hạn mặn và sâu bệnh rất tốt. Đặc biệt, phẩm chất gạo ST25 hạt gạo trắng, thon, dài, thơm và mềm cơm. So với các giống lúa khác thì đây là giống lúa thơm có đặc tính chịu mặn, kháng đạo ôn cấp 2 và bệnh bạc lá, thân cứng chống đổ ngã, phổ thích nghi rộng. Lúa ST24, ST25 cũng đã được sản xuất rộng rãi trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương khác trong cả nước.

KS Hồ Quang Cua phân tích, với giống lúa thơm, hạt gạo càng thơm, càng thể hiện độ an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, phải hạn chế tối đa tác động của hóa chất từ thuốc hóa học bảo vệ thực vật, để ổn định quá trình tổng hợp, kết tinh mùi thơm trong hạt gạo từ lá lúa. ST25 là giống lúa không cảm quang, chu kỳ sinh trưởng 95 - 105 ngày, có thể trồng 2 vụ mỗi năm, năng suất cao, dễ chăm sóc ở  nhiều điều kiện khác nhau.

Hà Bình