Ngân hàng

Lối thoát nào cho Silicon Valley Bank tránh phá sản?

  • Tác giả : Trần Trân
Silicon Valley Bank, ngân hàng chuyên cho vay các startup, bị giới chức California đóng cửa, khiến thị trường toàn cầu rối loạn.

Các chuyên gia lo ngại, khi ngành tài chính thế giới đang trở nên mong manh và dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết sau một thời gian dài tăng lãi suất liên tục của FED, rất có thể thảm cảnh của Silicon Valley Bank (SVB) sẽ còn lặp lại.

Giải cứu Silicon Valley Bank

Chỉ trong vòng một ngày, khách hàng đã rút tổng cộng 42 tỷ USD khỏi Silicon Valley Bank (SVB). Cơ quan quản lý Mỹ ngay lập tức ra lệnh đóng cửa ngân hàng này vào ngày 10/3. Mọi khoản tiết kiệm tổng số tiền dưới 250.000 USD sẽ được bảo hiểm và trả đủ cho người dùng, những khoản tiền lớn hơn cần có thời gian để cơ quan quản lý thanh lý tài sản của SVB, sau đó hoàn trả lại tiền cho người gửi.

Sự sụp đổ của SVB diễn ra khi nền kinh tế Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung đang trong giai đoạn cực kỳ nhạy cảm. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất trong hơn một năm vừa qua đã khiến một loạt các ngân hàng rơi vào tình trạng “đói thanh khoản”, và chắc chắn SVB sẽ không phải là gã khổng lồ đầu tiên gục ngã.

Một kế hoạch giải cứu đã ngay lập tức được chính phủ Mỹ đưa ra để vãn hồi tình hình, tránh để nền kinh tế Mỹ cũng như của cả thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng kéo dài như hồi năm 2008 – sau hiệu ứng sụp đổ dây chuyền của các ngân hàng cho vay dưới chuẩn.

Theo Bloomberg đưa tin hồi đầu tuần, các quan chức cấp cao trong nội các của ông Joe Biden đã có cuộc gặp mặt với nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett – vị tỷ phú được cho là có kinh nghiệm “giải cứu ngân hàng” dày dặn nhất thế giới hiện nay.

BOx: Năm 2011, Buffett đã trực tiếp “bơm” 5 tỷ USD cho Bank of America thông qua việc mua một loạt cổ phiếu với giá ưu đãi. Vào thời điểm này, cổ phiếu của BoA đang “rơi tự do” vì những khoản lỗ liên quan tới nợ thế chấp dưới chuẩn. Khoản tiền 5 tỷ USD được Buffett mang tới cho BoA vào thời điểm này không khác gì “chết đuối vớ được cọc”.

Trước đó vào năm 2008, khi Lehman Brothers sụp đổ tạo ra làn sóng đẩy một loạt các ngân hàng ở Mỹ và trên khắp thế giới rơi vào khủng hoảng, Buffett đã lần đầu tiên đóng vai “người hùng” khi đầu tư 5 tỷ USD vào Goldman Sachs để củng cố vốn và tăng khả năng thanh khoản cho ngân hàng này trong giai đoạn thị trường hoảng loạn.

Warren Buffett là một nhà đầu tư chứ không phải “nhà từ thiện”, các khoản tiền của ông được chi ra đúng lúc, đúng chỗ và tiêu chí lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu. Trong thương vụ “giải cứu” Goldman Sachs, Buffett được cho là đã thu về ít nhất 3,1 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2020 vừa rồi.

Kinh nghiệm của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho cơ quan quản lý Mỹ trong việc đối phó với việc một loạt các ngân hàng đang đứng bên bờ vực phá sản – hoặc thậm chí đã “rơi xuống vực” chỉ trong 48 giờ đồng hồ như SVB.

Theo tờ Financial Times, các khoản đầu tư dài hạn của SVB được đánh giá là cực kỳ an toàn. Ngân hàng này có tổng tài sản lên tới 209 tỷ USD và 50% trong số các khoản tiền đầu tư của SVB nằm ở trái phiếu chính phủ cũng như các giấy tờ đảm bảo bằng tài sản thế chấp với mức lợi suất thấp.

Khoản đầu tư dài hạn này của SVB được cho là có mức độ rủi ro rất thấp, tuy nhiên tính thanh khoản lại không cao. Trong trường hợp của SVB, ngân hàng này rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng do khách hàng rút tiền liên tục, buộc ngân hàng này phải bán TPCP Mỹ nhằm thu tiền về trả cho khách hàng, một lượng lớn TPCP bị đẩy ra thị trường sẽ khiến giá bán của chúng bị buộc phải giảm xuống thì mới có thể tìm được người mua – điều này vô tình đã tạo ra vòng xoáy oan nghiệt “nuốt chửng” SVB chỉ trong hai ngày ngắn ngủi.

Tuy nhiên, về dài hạn các khoản đầu tư của SVB vẫn được cho là có tính sinh lời cao, vậy nên việc giải cứu ngân hàng này có thể coi là điều hoàn toàn khả thi, khi mà các khoản TPCP và tài sản đảm bảo của SVB có thể được thanh lý trong thời gian dài. Thậm chí, khoản “trợ giúp” dành cho SVB hoàn toàn có khả năng sinh lời trong tương lai – giống như cách mà Warren Buffett sinh lời từ việc giải cứu Goldman Sachs trong quá khứ.

Lo ngại “domino” giải cứu trở thành tiền lệ?

Sự sụp đổ của SVB cùng một loạt các ngân hàng ở Mỹ cũng như trên thế giới trong thời gian vừa qua, có thể coi là hồi chuông cảnh báo cho các chính sách mạnh tay từ FED. Việc FED tăng lãi suất liên tục trong một thời gian dài, rõ ràng đã tác động quá tiêu cực lên hệ thống ngân hàng.

Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho rằng, FOMC – cơ quan hoạch định chính sách của FED - sẽ không tăng lãi suất trong tháng 3 này – để tránh gây tổn thương thêm cho các ngân hàng và nền kinh tế thế giới đang tỏ ra quá mong manh trong thời gian gần đây.

Việc tăng lãi suất của FED trong tương lai gần như là điều chắc chắn, tuy nhiên sẽ cần một lộ trình hợp lý hơn, để không chỉ nền kinh tế Mỹ, mà còn tạo cơ hội cho kinh tế thế giới có khả năng “hạ cánh an toàn”. Về dài hạn, Goldman Sachs dự đoán FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên 25 điểm cơ bản vào tháng 5, 6 và 7. Mức lãi suất tối đa mà FED có thể đạt được nhiều khả năng sẽ nằm trong khoảng 5,25 tới 5,5% nhằm đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2%.

Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng trong tình cảnh “bên bờ sụp đổ” sẽ có thêm thời gian để xoay sở, nhưng vẫn rất khó dự đoán được số phận cuối cùng. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc một loạt các ngân hàng quy mô lớn bị đẩy đến bờ vực phá sản và được giải cứu trong thời gian vừa qua, sẽ tạo ra “tiền lệ giải cứu” trong tương lai, khiến nhiều ngân hàng trở nên “mạnh dạn” hơn với những khoản đầu tư có mức độ rủi ro cao vì giờ đây, “kêu cứu” và “được giải cứu” sẽ là một sự lựa chọn không tồi cho các ngân hàng khi rơi vào khủng hoảng.

Hàng trăm ngân hàng Mỹ nguy cơ phá sản

Silicon Valley Bank: Chỉ trong 48 giờ đồng hồ, SVB đã bị buộc đóng cửa do khách hàng rút tiền ồ ạt. Đây cũng là ngân hàng “nổ phát súng” đầu tiên trong tuần lễ kinh hoàng của ngành tài chính Mỹ, khi có tới ba ngân hàng phá sản cách nhau chỉ ít ngày.

Silvergate Capital: Ngân hàng “tiền ảo” lớn nhất ở Mỹ và thuộc vào hàng lớn nhất thế giới, đã đệ đơn phá sản ngày 8/3. Tổng tài sản của SC chỉ vào khoảng 11 tỷ USD, nhưng ngân hàng này đã không thể chống chọi với “cơn bão” giảm giá trong ngành tiền mã hóa suốt năm 2022 vừa rồi.

Signature Bank chính thức bị đóng cửa ngày 12/3. Đây là ngân hàng cho vay trong lĩnh vực tiền ảo lớn nhất thế giới. Ngân hàng này từng hoạt động rất mạnh trong lĩnh vực cho vay bất động sản, nhưng bắt đầu mạnh tay trong các khoản đầu tư vào lĩnh vực tiền điện tử thời gian gần đây. Với biến động quá mạnh của thị trường tiền điện tử, kèm theo đó là các rủi ro ngày càng lớn của thị trường tài chính truyền thống, cái kết của Signature Bank đã được dự báo từ sớm.

Theo Reuters, đang có khoảng 200 ngân hàng khác ở Mỹ đối mặt với nguy cơ phá sản tương tự như những gì SVB đã trải qua. Trái phiếu chính phủ dài hạn luôn là phương án an toàn với gần như mọi ngân hàng ở Mỹ, tuy nhiên động thái tăng lãi suất liên tục trong năm vừa qua của FED, đã khiến khoản đầu tư vào TPCP mất an toàn và không còn sinh ra lợi nhuận trong ngắn hạn.

Trần Trân