Đời sống

Lạng Sơn tăng tốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm phát triển các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

  • Tác giả : Thùy Linh
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Lạng Sơn đã có những bước triển khai đồng bộ để đưa Nghị quyết trở thành chương trình hành động mang lại hiệu quả rõ nét.
anh-lang-son-2.jpg

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công, tích cực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm đang triển khai gồm: Dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn; Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Kết quả, trong tháng 9/2021, giá trị khối lượng thực hiện các nguồn vốn đầu tư công khoảng 1.997 tỷ đồng, tương đương 68,6% kế hoạch. Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2021 của Lạng Sơn là 2.911,8 tỷ đồng, trong đó 2.681,8 tỷ đồng đã đủ điều kiện phân bổ.

Trong quý IV năm 2021 và năm 2022, Lạng Sơn sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công, nhất là dự án lớn, quan trọng, khởi công mới và dự án hoàn thành trong năm 2021 gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn Km3+700-Km18); Kè chống sạt lở bờ sông Kỳ Cùng thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng; các dự án sử dụng vốn ODA... Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án: Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Lạng Sơn; các hạng mục thuộc Hợp phần bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án Hồ chứa nước Bản Lải giai đoạn 1... Tiếp tục phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Tận dụng nguồn vốn từ đầu tư công để giảm bớt khoảng cách phát triển đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

lang-son.png

Bên cạnh các dự án trọng điểm đang triển khai nói trên, Lạng Sơn cũng tích cực đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG dân tộc và miền núi) nhằm thúc đẩy phát triển đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp đối tượng, địa bàn thụ hưởng, dự kiến nhu cầu vốn, dự thảo kế hoạch chi tiết dự kiến giải ngân vốn đầu tư công thuộc Chương trình MTQG dân tộc và miền núi của tỉnh trong quý IV năm 2021 và năm 2022.

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện chuẩn bị hồ sơ dự án thuộc Chương trình MTQG dân tộc và miền núi để đảm bảo đủ điều kiện triển khai ngay khi được phân bổ vốn ngân sách trung ương. Kết quả, trên cơ sở các dự án do địa phương đề xuất, Lạng Sơn đã lập dự toán tổng mức vốn đầu tư công để thực hiện chương trình năm 2021 và năm 2022 là trên 1.100 tỷ đồng, trong đó năm 2021 khoảng 223 tỷ đồng, năm 2022 là 893 tỷ đồng.

Danh mục công trình xây dựng kết cấu, hạ tầng dự kiến thực hiện trong năm 2021 và năm 2022 trên địa bàn các huyện tập trung vào 3 dự án chính gồm: Dự án 1, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, với nhu cầu vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2022 là 62 tỷ đồng. Dự án 2, quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, với nhu cầu vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2022 là 358 tỷ đồng. Dự án 3, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc với nhu cầu vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2022 là 485 tỷ đồng. Do nguồn vốn của Chương trình MTQG dân tộc và miền núi chưa được Trung ương giao cho tỉnh nên UBND tỉnh Lạng Sơn dự kiến quý IV năm 2021 phấn đấu giải ngân 5% tổng kế hoạch vốn cả giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Dự án 1 dự kiến giải ngân 12 tỷ đồng, Dự án 2 giải ngân 71 tỷ đồng, Dự án 3 giải ngân 97 tỷ đồng. Đến hết năm 2022 dự kiến giải ngân đạt tỷ lệ 96% - 100% kế hoạch vốn được giao và bằng 25% tổng nhu cầu vốn đầu tư công cả giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu cao đòi hỏi quyết tâm lớn và giải pháp phù hợp

Dù Lãnh đạo UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhưng quá trình giải ngân vốn đầu tư công vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn như công tác giải phóng mặt bằng chậm; một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt, thiếu sáng tạo, có biểu hiện trông chờ cấp trên; năng lực tổ chức, điều hành ở một số cấp, ngành, một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; chưa lường hết được những khó khăn, yếu tố phát sinh…

Để hoàn thành mục tiêu về giải ngân vốn đầu tư công, Lạng Sơn xác định tập thể lãnh đạo từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã, phường cần quyết tâm, đồng thuận cao. Đồng thời, tỉnh cũng đưa ra các giải pháp chỉ đạo sát, đúng và phù hợp với thực tiễn tình hình gồm:   Tiếp tục chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 63/NQ-CP.

Chủ động rà soát các nguồn vốn, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân, không để tồn vốn vào cuối năm, không để xảy ra tình trạng phải hủy dự toán, phải trả lại ngân sách Trung ương. Kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án đang có nhu cầu vốn để bảo đảm tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh đạt mức cao nhất; kiên quyết xử lý, kiểm điểm trách nhiệm các chủ đầu tư không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, phải hủy dự toán.

Các sở, ban, ngành chủ động, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, tranh thủ xin ý kiến chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đang thực hiện để đảm bảo tiến độ đề ra.

Bà Hứa Thị Hằng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu các Chủ đầu tư thực hiện nghiêm Kế hoạch số 165/KH-UBND và Văn bản số 1014/UBND-KT của UBND tỉnh khẩn trương hoàn thành kế hoạch giải ngân, cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 chi tiết dự án theo từng tháng gửi về Văn phòng UBND tỉnh, Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc tỉnh để theo dõi, tổng hợp, có phương án đề xuất điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp, đảm bảo hoàn thành mục tiêu chung theo kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành.

Thùy Linh