Giải pháp

Lãng phí tài nguyên do không phân loại rác

  • Tác giả : Hồng Nhung
(khoahocdoisong.vn) - Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đưa ra quy định khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn thành 5 loại là chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.

Rác khó tận dụng vì không được phân loại

Hiện nay, trên cả nước chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh khoảng hơn 61.000 tấn/ngày. Trong đó tại các đô thị khoảng hơn 37.000 tấn/ngày, nông thôn 24.000 tấn/ngày.

Toàn quốc hiện có khoảng 1.230 cơ sở xử lý CTR, trong đó 860 bãi chôn lấp CTR tập trung (kể các bãi chôn lấp nhỏ rải rác ở các xã), 330 cơ sở đốt CTR  kể cả lò đốt nhỏ quy mô cấp xã), 37 cơ sở ủ phân hữu cơ, còn lại là kết hợp. Khối lượng chất thải được tái chế, tái sử dụng rất thấp, không được phân loại tại nguồn, độ ẩm cao, nhiệt trị thấp.

Hiện nay, tại Việt Nam đang có 7 phương pháp xử lý chất thải hiện hành, gồm giảm thiểu - tái chế - tái sử dụng một sô loại CTR;  Xử lý CTR bằng phương pháp chôn, xử lý bằng phương pháp chế biến CTR hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh ( Composting); Xử lý CTR hữu cơ bằng phương pháp sinh học phân hủy kỵ khí tạo thành khí gas sử dụng để phát điện; Xử lý bằng phương pháp nhiệt nhằm giảm khối lượng chất thải rắn, thu hồi năng lượng dùng cho các mục đích tái tạo năng lượng phục vụ đời sống, phương pháp thiêu đốt còn là giai đoạn xử lý cuối cùng cho một số loại chất thải không thể xử lý bằng các phương pháp khác; Đổ thải ra đại dương; Và cuối cùng, xử lý bằng một số phương pháp thân thiện môi trường theo đặc thù của từng loại CTR.

Trong đó công nghệ xử lý CTR thu hồi năng lượng, hay thông dụng hơn là đốt rác phát điện, đang là xu thế chung của thế giới và đang được triển khai tại Việt Nam.

Phương án điện rác sẽ xử lý triệt để các chất ô nhiễm trong chất thải rắn, đặc biệt hiệu quả với chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại. Giảm đáng kể thể tích và trọng lượng chất thải phải xử lý: Tro xỉ thu được sau khi đốt, tùy thuộc vào công nghệ, giảm trung bình 80% trọng lượng và hơn 90% thể tích so với lượng chất thải ban đầu sẽ làm giảm diện tích đất sử dụng cho chôn lấp.

Tuy nhiên, phương án này rất khó triển khai tại Việt Nam. Nguyên nhân là các lò đốt này vận hành cần có nhiệt độ trong lò cao, từ 850 - 1.100 độ C, do đó,  rác thải dùng để đốt phải có nhiệt trị từ 1.200Kcal/kg, cao hơn nhiều so với nhiệt trị rác thải trung bình tại Việt Nam hiện nay (Hà Nội là 910 - 920Kcal /kg)

Song song với đó, lò đốt có công suất khoảng 100 tấn CTR/ngày sẽ chạy tuabin 1-2MW nên lượng rác thải đốt để phát điện đạt hiệu quả yêu cầu từ > 500 tấn CTR/ngày với nhiệt trị CTR > 1.200Kcal/kg, thu điện 5 - 6MW.

Những yêu cầu trên dẫn tới việc phân loại rác phải tốt, phải tách riêng được các chất dễ cháy, có nhiệt trị cao với những chất khó cháy, không cháy như mảnh sành sứ, mảnh kim loại…

Cần quy trình phân loại rác đồng bộ

Việc khối lượng CTRSH phát sinh ngày một nhiều nhưng chưa tận dụng được các thành phần có ích trong chất thải một phần là thiếu cơ chế chính sách thúc đẩy các hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn.

Hiện nay, khoản 1 Điều 79 Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang hướng tới khuyến khích phân loại CTRSH tại nguồn thành 5 loại là chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.

Dự thảo Luật cũng quy định nguyên tắc về việc thu kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý đối với từng loại chất thải sau khi đã được phân loại. Điều này một mặt để làm căn cứ cho việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh, những tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại sẽ phải trả chi phí cao hơn so với những tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân loại theo quy định.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, việc phân loại rác tại nguồn chỉ có hiệu quả khi có hệ thống hạ tầng từ thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng được đầu tư đồng bộ.

Ví dụ như rác thải rắn, rác thải hữu cơ phải có chỗ để riêng biệt. Sau đó xe thu gom rác cũng là xe chuyên dụng và khu tập kết rác không được để lẫn vào nhau. Từ khu tập kết rác sẽ phân chia rác theo những phương án xử lý rác khác nhau.

Quy trình này nếu muốn xây dựng hoàn chỉnh sẽ cần lộ trình thực hiện, từ đầu tư kết cấu hạ tầng của các khu chung cư mới, các khu đô thị mới để đáp ứng yêu cầu về phân loại, thu gom rác thải được phân loại tại nguồn….

Cùng với đó, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) còn đưa ra quy định Nhà nước ưu đãi về thuế, phí, vay vốn đối với các hoạt động xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Việc này sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động xã hội hóa trong công tác quản lý CTRSH hiện nay, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư tham gia công tác thu gom, xử lý CTRSH với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Về công nghệ xử lý rác, năm nay, Bộ TN&MT sẽ đưa ra danh sách khuyến cáo các công nghệ xử lý rác để các địa phương có thể áp dụng.

Hồng Nhung