Bình luận

Làm báo thời Covid

  • Tác giả : Tô Hội (thực hiện)
(khoahocdoisong.vn) - Dịch Covid-19 lan rộng, số người mắc tăng cao, nhiều địa phương giãn cách, học sinh không đến trường… người làm báo vẫn dấn thân tác nghiệp với những tình huống dở khóc dở cười.
Tác nghiệp báo chí trong đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Tác nghiệp báo chí trong đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Ngồi ngoài cửa dự hội thảo

Kể từ ngày 27/4, thời điểm ghi nhận ca dương tính đầu tiên của đợt bùng phát dịch covid-19 thứ 4 đến nay, nhiều kỷ lục đã được xác lập. Đợt dịch lần này diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhiều thách thức với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng. Lần đầu tiên ghi nhận biến thể có tốc độ lây nhiễm mạnh nhất thế giới, lần đầu tiên ghi nhận con số người mắc lên đến trên 10.000, hàng chục cơ sở y tế phải cách ly, phong tỏa.

Để sàng lọc người nghi nhiễm, một trong những biện pháp được áp dụng ở hầu hết các cơ quan, công sở, siêu thị... là đo thân nhiệt trước cửa. Hôm đó, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức hội thảo công bố một số đề tài nghiên cứu khoa học nổi bật. Cánh phóng viên khoa học nô nức tham dự, bởi thông tin công bố về những kết quả nghiên cứu luôn rất thiếu. Tôi đem theo luôn cả máy tính để làm bài cho nhanh. Đến hội thảo, tôi tá hỏa khi được thông báo không được vào hội trường do thân nhiệt 37,60C. Ngoài tôi, một số đồng nghiệp khác cũng chung cảnh ngộ.

Lý do thân nhiệt cao không phải vì sốt, mà vì đi ngoài trời nắng quá lâu, lại mặc nhiều lớp quần áo chống nắng. Nhưng nguyên tắc phòng dịch, chúng tôi phải tuân thủ. Vậy là đành ngồi ngoài cửa tác nghiệp. Nhờ đồng nghiệp bên trong hội trường chụp ảnh giúp. Phỏng vấn gì thì chờ lúc giải lao!

Phỏng vấn mà không biết mặt nhau!

Chắc hẳn tình huống đó không bao giờ xảy ra nếu không có dịch Covid-19. Để tránh lây lan dịch bệnh, đi đến đâu cũng phải đeo khẩu trang, chằng bịt kín mít để bảo vệ bản thân và cộng đồng, cắt đứt các chuỗi lây lan dịch bệnh. Một lần, tôi đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để phỏng vấn nhân vật là GS.TS.TTND Huỳnh Thị Phương Liên. Lúc đó đang là cao điểm của dịch. Khuôn viên trong Viện, khắp nơi chỉ có tiếng máy chạy ầm ầm cộng với tiếng ve kêu râm ran, rất ít người đi lại. Tôi ấn tượng với tiếng động cơ ầm ầm khắp không gian Viện. Sau đó tìm hiểu thì được biết đây là nơi tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm từ khắp nơi gửi về. Các cán bộ làm việc liên tục, không ngừng nghỉ để đảm bảo cho ra kết quả xét nghiệm nhanh nhất, phục vụ công tác khoanh vùng, dập dịch.

Tôi hẹn gặp nhân vật, nhưng nơi gặp nhau không phải là nơi bình thường nhân vật vẫn tiếp khách. Lý do, đó là khu nghiên cứu và sản xuất văcxin, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có nguy cơ lây nhiễm virus. Do đó, toàn bộ khách mời đến, tiếp ở một phòng họp riêng, bên ngoài khu nghiên cứu. Tôi được một bạn phụ trách truyền thông dẫn đến phòng họp để thực hiện phỏng vấn. Bạn này, tôi chỉ biết tên chứ cũng không biết mặt do nguyên tắc trong Viện phải đeo khẩu trang liên tục trong quá trình tiếp xúc.

Đến khi gặp nhân vật để phỏng vấn, tất cả vẫn đều phải đeo khẩu trang. Cuộc trò chuyện diễn ra thân tình, cởi mở, xúc động, nhưng chẳng ai biết mặt ai. GS.TS.TTND Huỳnh Thị Phương Liên rất chia sẻ điều đó với phóng viên, bà bảo đó là nguyên tắc, chúng ta phải tuân thủ. Mỗi người có ý thức một chút thì cuộc chiến này sẽ bớt cam go đi rất nhiều.

Khó khăn nữa xuất hiện, nếu không bỏ khẩu trang, ảnh nhân vật để trình bày báo sẽ thế nào? Bài về nhân vật, không thể để bạn đọc cũng không thể biết mặt nhân vật. Tôi đành xin phép giáo sư được đứng giãn cách tối thiểu 2m để chụp ảnh, trong khi giáo sư thì cởi bỏ... khẩu trang. Khi bà cởi bỏ khẩu trang, mồ hôi đầm đìa ướt đẫm trên mặt xuống áo. Tôi vội vàng xin phép chụp vài kiểu ảnh trong khoảnh khắc quý giá đó. Vậy là cuối cùng thì tôi nhìn rõ gương mặt nhà khoa học mà tôi vẫn kính trọng. Còn bà, chắc chỉ nhớ đến tôi bởi cái tên.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

“Thôi đừng đến, chú nói qua điện thoại cũng được!”

Chưa bao giờ trong cuộc đời tác nghiệp, tôi được nhân vật phỏng vấn “năn nỉ” đừng đến nhà! Một lần, để có tư liệu làm bài về thiên tai do mưa lũ, phá rừng, tôi liên hệ với một giáo sư là chuyên gia đầu ngành về lâm nghiệp. Qua điện thoại, ông rất chân tình, cởi mở. Tôi chưa gặp ông ngoài đời bao giờ, nhưng lập tức có thiện cảm. Câu chuyện qua điện thoại ông chia sẻ có quá nhiều chi tiết hay mà tôi muốn tìm hiểu sâu. Đó sẽ là những thông tin rất hữu ích cho bạn đọc, thậm chí có giá trị cho những người làm nghiên cứu trẻ. Tôi muốn được gặp ông để chuyện trò cho dễ. Ngặt nỗi, dịch đang diễn biến phức tạp, mà tôi thì đang thuộc diện F3, phải cách ly tại nhà.

Tôi trình bày với nhân vật tình trạng và mong muốn của mình. Lập tức ông giãy nảy lên: “Thôi đừng đến, chú nói qua điện thoại cũng được. Giờ cháu đến, chẳng may xảy ra cơ sự gì thì chú cháu mình khó nói lắm. Vậy cháu chuẩn bị sẵn câu hỏi, đề cương trước, đọc cho chú. Sau khi chú nghiên cứu kỹ câu trả lời, chú sẽ gọi lại cho cháu, như kiểu đọc đáp án cho thí sinh trong phòng thi”.

Trong tình huống đó, không có cách nào khác, tôi đành làm theo kịch bản của nhân vật. Cũng may cuối cùng thì bài viết cũng hoàn thành với nhiều thông tin khoa học hữu ích. Sau khi bài đăng báo, vị giáo sư khả kính cũng khá tâm đắc. Ông hẹn tôi, hết dịch, chú cháu ta đi uống bia! Tôi, tất nhiên không thể chối từ lời mời hấp dẫn ấy.

Tô Hội (thực hiện)