Những kỷ niệm khó quên gắn với 70 Trần Hưng Đạo
Báo Khoa học Thường thức sau đổi tên thành Khoa học và Đời sống là bến đỗ suốt cuộc đời làm báo của tôi, từ năm 1970 đến 1996. Vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1963, tôi về công tác ở Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Hội cũng mới đại hội thành lập ngày 18/5/1963. Hội là cơ quan chủ quản của Báo Khoa học Thường thức.
Năm 1970, khi hội chuẩn bị giải thể, tôi chuyển qua Báo Khoa học Thường thức. Như vậy, cả cuộc đời của tôi gắn bó với một lĩnh vực phổ biến khoa học kỹ thuật, vì vậy tôi chứng kiến mọi sự thăng trầm của tờ báo từ ngày hình thành tới nay. Những kỷ niệm thời làm báo với tôi thật sâu sắc, khó quên.
Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có trụ sở ở 30A Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Trong ngôi nhà ba tầng này, Báo Khoa học Thường thức ở một số phòng tầng 2. Khi hội giải thể năm 1971, Báo tiếp quản cả ngôi nhà ba tầng đó.
Khoảng đến năm 1974, Nhà nước lấy lại ngôi nhà 30A Lý Thường Kiệt, chuyển Báo Khoa học Thường thức về 70 Trần Hưng Đạo. Đây là biệt thự trong khuôn viên rộng rãi. Lúc này, Báo trực thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước nên văn phòng ủy ban quản lý ngôi nhà này đã bố trí Báo Khoa học Thường thức ở tầng 1, xếp thêm Cục Kiểm tra Chất lượng Đo lường và Tiêu chuẩn cùng Nhà xuất bản Khoa học về đây.
Do có đất vườn rộng nên hai đơn vị này đã xây dựng thêm nhà làm việc. Báo Khoa học Thường thức cũng tận dụng mảnh vườn còn lại giữa tòa soạn và hè đường để xây thêm một phòng rộng làm nơi họp bạn đọc và cộng tác viên. Năm 1984, Tòa soạn đón Đại kiện tướng cờ vua Liên Xô tới thăm, có Giáo sư Trần Đại Nghĩa dự, đã chụp ảnh kỷ niệm trước cửa Tòa soạn, lúc này tường còn đang xây xong chưa trát. Năm 1989, Tòa soạn đón phóng viên Tạp chí Khoa học và Đời sống Liên xô sang dự kỷ niệm 30 năm thành lập Báo Khoa học và Đời sống Việt Nam, cũng như năm 1994 đón phóng viên Thụy Điển đến thăm, đều chụp ảnh kỉ niệm trước cửa trụ sở của Báo tại 70 Trần Hưng Đạo, lúc này đã khang trang đẹp đẽ.
Chính tại ngôi nhà 70 Trần Hưng Đạo này đã có những kỷ niệm khó quên, có chuyện thật mà nhiều bạn thời nay tưởng như đùa. Những năm 70 thời kỳ còn chiến tranh và bao cấp, mọi thứ rất thiếu thốn, đều phải phân phối theo tem phiếu. Mỗi tháng, một người được mua 100g đến 300g thịt. Một năm, mỗi người được mua 4m đến 5m vải, nhà có con nhỏ thì người lớn phải nhường cho trẻ con, nhưng vẫn không đủ. Vì thế, công đoàn của Báo cùng chính quyền tìm mọi cách cải thiện đời sống cho anh chị em.
![]() |
Chụp ảnh kỷ niệm tại 30A Lý Thường Kiệt sau hội nghị Bàn giao Báo Khoa học Thường thức từ Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sang Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Trong ảnh hàng đầu, từ trái sang người thứ ba: GS Lê Khắc - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, người thứ 6: GS. Đặng Minh Trứ - Tổng biên tập Báo Khoa học Thường thức. |
Tòa soạn lại không có ô tô, chỉ có một xe mô tô MZ của Đức do mấy phóng viên nam thay nhau lái đi công tác hoặc mua hàng cho mọi người. Chúng tôi đã tận dụng và khai thác mối quan hệ với các cộng tác viên của Báo ở nông trường, hợp tác xã, nhà máy, đơn vị quân đội… Lo cho anh chị em thêm con gà, quả trứng, miếng thịt, nhất là vào những ngày lễ Tết thật khó quên.
“Chính tại ngôi nhà 70 Trần Hưng Đạo này đã có những kỷ niệm khó quên. Những kỷ niệm về thời đó thật đẹp, nhớ lại vẫn thấy vui, tự hào”.
Còn nhớ những buổi chờ công đoàn mua lợn tận tỉnh xa về, 8-9h tối mới đến tòa soạn, mọi người lao vào mổ lợn rồi chia phần, để công bằng còn bỏ phiếu bắt thăm. Buồn cười nhất là một quả tim lợn mà đã chia được thành mấy chục phần để mỗi người đều có phần! Trước khi ra về, mọi người xì xụp bát cháo lòng. Bây giờ nghĩ lại thấy khổ, chứ lúc đó không thấy khổ vì mọi người đồng cam cộng khổ. Các gia đình cán bộ trong tòa soạn trở nên thân quen, gần gũi nhau, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Những kỷ niệm về thời đó thật đẹp, nhớ lại vẫn thấy vui, tự hào.
![]() |
Báo Khoa học và Đời sống đón Đại kiện tướng cờ vua Liên xô; hàng đầu từ trái sang người thứ 5: GS Trần Đại Nghĩa; người thứ 6: Đại kiện tướng cờ vua Liên xô. |
![]() |
Đón phóng viên Tạp chí Khoa học và Đời sống Liên xô (hàng đầu từ trái sang người thứ 2 và thứ 5) dự kỷ niệm 30 năm thành lập Báo Khoa học và Đời sống. |
Đợt thi tuyển phóng viên đầu tiên của tòa soạn
Sang thời kinh tế thị trường, Báo không được trợ cấp giá giấy, lại thêm nhiều báo ra đời nên số lượng phát hành bị sụt giảm. Muốn tồn tại, Báo phải nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Thực hiện điều đó, trước tiên phải nâng cao tay nghề của phóng viên. Hầu hết cán bộ biên tập của Báo đều học các ngành khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, y học... mà không qua trường báo chí. Để làm báo, chúng tôi phải tự học, sinh hoạt nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau đi thực tế.
Tôi từng làm Thư ký Chi hội nhà báo nhiều năm, sau đó là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam hai khóa. Tôi đã phối hợp Chi hội nhà báo của Báo Đại Đoàn kết tổ chức lớp học nghiệp vụ có cấp chứng chỉ cho hội viên, mời báo Tuổi trẻ TP HCM, Lao Động, Nhân Dân đến báo cáo kinh nghiệm và trao đổi nghiệp vụ. Sau đó, tôi may mắn được Hội Nhà báo Việt Nam cử đi học nghiệp vụ ở trường của Hội Nhà báo quốc tế OIJ tại Tiệp Khắc và được đi trao đổi nghiệp vụ với Hội Nhà báo Liên xô, Hội Nhà báo Thái Lan.
![]() |
Phóng viên Thụy Điển đến thăm Báo. |
![]() |
Phụ trách Báo cùng Ban Thư ký Tòa soạn chọn ảnh đăng báo. |
![]() |
Ban giám khảo cuộc thi ảnh đang lựa chọn ảnh dự thi. |
Để đào tạo lực lượng kế cận, Tòa soạn tổ chức thi tuyển phóng viên. Cuộc thi có hai vòng, vòng 1 đưa người dự thi đi cơ sở rồi về viết tin bài phản ánh và trả lời các câu hỏi về nghiệp vụ. Vòng 2 các thí sinh trả lời phỏng vấn. Ban Giám khảo cuộc thi, ngoài cán bộ, Tòa soạn còn mời thêm nhà báo có kinh nghiệm ở Thông Tấn xã và Hội Nhà báo Việt Nam tham gia.
Đây là đợt thi tuyển phóng viên đầu tiên của Tòa soạn. Cách làm công khai, minh bạch, vì chất lượng tờ báo được mọi người đồng tình nên không có ai yêu cầu ưu tiên chọn con em vào. Lứa phóng viên khi đó có Quý Hoài, Xuân Hòa, Thanh Hà, Tú Anh, Nhật Minh, Mạnh Quân.
![]() |
Khai mạc khóa học bồi dưỡng ở trường của Hội Nhà báo quốc tế OIJ tại Tiệp khắc. |
![]() |
Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam thăm và làm việc tại báo Bangkok Post, Thái Lan. Trong ảnh từ phải sang người thứ 2: Phó Tổng biên tập báo Bangkok Post và là Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Lan; người thứ 3: Nhà báo Phan Quang - Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; người thứ 5: Nhà báo Lan Anh. |
Những cuộc thi dành cho bạn đọc
Quá trình làm báo cho chúng tôi thấy, không phải điều gì mình cho là hay và mới đều được bạn đọc yêu thích, vì vậy phải tìm hiểu nhu cầu của bạn đọc. Năm 1989, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Báo, chúng tôi đã tổ chức “Thi vui xây dựng Báo Khoa học và Đời sống”.
Tổng kết cuộc thi cho thấy bạn đọc ở 39/40 tỉnh thành có bài dự thi. Các bạn đọc đã nêu ra những mục, bài mình yêu thích và góp ý về nội dung các số báo. Qua đó, chúng tôi nắm bắt được bạn đọc quan tâm vấn đề gì, cách viết thế nào, cộng tác viên nào được nhiều người yêu thích, mục nào nên thêm, mục nào nên bớt.
Thời đó, công nghệ thông tin chưa phát triển, báo in còn phải trình bày thủ công do họa sĩ viết tay tít và vẽ hình ảnh minh họa. Cả Tòa soạn có một máy ảnh giao cho phóng viên phụ trách nên không đủ ảnh minh họa cho mọi tin, bài. Để giúp Báo có nhiều ảnh đẹp minh họa và thêm tính giải trí, nhân kỷ niệm 35 năm thành lập, Báo Khoa học và Đời sống đã tổ chức hai cuộc thi: Thi ảnh khoa học kỹ thuật và ảnh thiên nhiên đẹp; Thi viết về nụ cười. Hai cuộc thi được tổng kết và trao giải vào dịp lễ kỷ niệm thành lập Báo. Thế là Báo có được kho ảnh và kho truyện cười để đăng dần, tăng thêm tính hấp dẫn.
Môi trường làm báo đã giúp chúng tôi được đào tạo lại, vì làm biên tập nên phải đọc rất nhiều, biết nhiều lĩnh vực, cập nhật những tiến bộ khoa học mới trong lĩnh vực mình theo dõi. Khi định viết về vấn đề gì lại tìm đọc rất nhiều tư liệu liên quan, nhờ vậy khi tiếp xúc với chuyên gia, với lãnh đạo, mình có đủ hiểu biết để tiếp chuyện. Cùng nhau vượt qua gian nan của thời chiến tranh, thời bao cấp, chúng tôi được rèn luyện một cách toàn diện và trưởng thành: Biết sống có lý tưởng, biết thương yêu đùm bọc nhau, biết ứng xử… và biết làm báo. Chúng tôi rất yêu nghề báo, nếu được chọn lựa lại, tôi vẫn chọn làm báo.
Giờ đây, mỗi dịp trở lại địa chỉ 70 Trần Hưng Đạo, nhìn Tòa soạn khang trang, hiện đại, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên trẻ trung, năng động, chúng tôi không khỏi tự hào về truyền thống của Báo Khoa học và Đời sống vẫn được gìn giữ, phát triển.