Gia đình mới

Không tẩy giun nhiều năm, người đàn ông bị thâm nhiễm phổi

  • Tác giả : Thúy Nga
Bệnh nhân ho và tức ngực nhiều năm đi khám được chẩn đoán giun sán di chuyển qua phổi gây phản ứng dị ứng làm thâm nhiễm phổi. Đây được gọi là hội chứng hội chứng Loeffler gây tổn thương da và phổi...

Bệnh nhân nam T.S viêm gan B mạn, không tẩy giun sán nhiều năm, đi khám với triệu chứng sốt thất thường, ho khạc đờm, tức ngực 1 tuần trước vào viện.

Bệnh nhân ở nhà đã uống kháng sinh, hạ sốt, long đờm nhưng tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân được khám và xét nghiệm cho thấy bạch cầu máu tăng cao trong đó tăng chủ yếu thành phần bạch cầu ưa acid và kèm theo tổn thương phổi là những đám mờ rải rác 2 bên trường phổi.

Bệnh nhân được nghi ngờ nhiễm hội chứng Loeffler, được xét nghiệm về giun sán thấy (+) với giun đũa (Ascaris) và giun lươn (Strongyloides).

Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc tẩy giun đặc hiệu. Sau 2 tuần bệnh nhân hết hoàn toàn triệu chứng, bạch cầu ưa acid trong máu giảm nhiều, tổn thương trên phim chụp gần như biến mất.

Không tẩy giun nhiều năm, người đàn ông bị thâm nhiễm phổi ảnh 1 Không tẩy giun nhiều năm, người đàn ông bị thâm nhiễm phổi ảnh 2

Xét nghiệm EO % của bệnh nhân nhiễm hội chứng Loeffler trước khi điều trị Xét nghiệm EO % của bệnh nhân trước và sau khi điều trị( giảm từ 36.8% xuống 17.6%)

BS.CKI Đặng Thị Thu Phương, Phó Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, hội chứng Loeffler (LS) là một bệnh hô hấp thường xảy ra sau khi nhiễm ký sinh trùng.

Hội chứng Loeffler (LS), được đặc trưng bởi thâm nhiễm phổi di chuyển và tăng bạch cầu ái toan ngoại biên. Có thể gặp các tổn thương trên da giống như sợi chỉ có màu da đến ban đỏ với nhiều kích cỡ khác nhau.

Triệu chứng tại phổi hay gặp như ho, khò khè, khó thở. Biểu hiện tại phổi có thể nhẹ thoáng qua, có trường hợp lại xuất hiện các triệu chứng nặng rầm rộ như khò khè, khó thở. Bệnh nhân có thể sốt hoặc không sốt.

Căn nguyên của hội chứng Loeffler chủ yếu được cho là do phản ứng dị ứng đối với sự di chuyển qua phổi của ấu trùng giun sán, cụ thể là giun đũa (A. lumbricoides), giun móc và giun lươn…

Ở thể nhẹ thoáng qua bệnh nhân thường không cần điều trị và tự khỏi. Các trường hợp khác có thể được điều trị bằng các thuốc tẩy giun sán và cho hiệu quả tốt.

Cách phòng tránh bệnh là vệ sinh cá nhân và vệ sinh ăn uống sạch sẽ, tẩy giun sán định kỳ.

Thúy Nga