Giáo dục

Không đợi xã hội có ý kiến mới rà soát sách giáo khoa

  • Tác giả : Nguyên Khôi
(khoahocdoisong.vn) - Việc rà soát sách giáo khoa, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ phải rà soát phải thường xuyên, liên tục, thực hiện một cách nghiêm túc và không đợi xã hội có ý kiến mới rà soát.

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức họp trực tuyến với 63 sở GD&ĐT về việc triển khai chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới.

Đối với việc góp ý sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ góp ý thành 3 vòng. Trong đó, vòng 1 là Sở GD&ĐT cử 10 giáo viên có kinh nghiệm góp ý qua mạng đối với từng môn học ở từng bộ SGK. Ở vòng 2, Bộ chọn một số giáo viên có kinh nghiệm, nhiệt tình tập trung góp ý trực tiếp. Vòng 3 là lấy ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý trong quá trình lựa chọn/tập huấn sử dụng SGK, kết hợp đăng tải lên mạng cho đông đảo nhân dân góp ý.

"Không ai sát sao, hiểu rõ về SGK hơn các chuyên gia về nội dung này và các thầy cô đang đứng lớp. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, cá nhân tôi đánh giá cao khâu lấy ý kiến rộng rãi, trong đó ý kiến các thầy cô trực tiếp đứng lớp vô cùng quan trọng. Đây đồng thời cũng là dịp để thầy cô tiếp cận sớm với SGK mới”, ông Nhạ nói.

Người đứng đầu Bộ GD&ĐT đề nghị các lãnh đạo sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tham gia vào việc này và nhấn mạnh đây là trách nhiệm, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản đương nhiên cũng phải tham gia vào các khâu để bảo đảm có được các bộ SGK tốt, giá thành tiết kiệm, phân phối hợp lý.

Bộ GD&ĐT sẽ sát sao từ khâu đầu đến khâu cuối. Đồng thời sẽ chỉ đạo, cùng các Sở GD&ĐT để các trường tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực nghiệm SGK.

Liên quan tới bộ sách Cánh Diều, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã chỉ đạo các tác giả, nhà xuất bản xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính và hiện đang xin ý kiến để hoàn thiện ngữ liệu thay thế.

Bộ trưởng Nhạ cũng đã yêu cầu phải rà soát các SGK, trên cơ sở ý kiến của giáo viên trong quá trình dạy học và từ các nhà xuất bản. Việc rà soát phải thường xuyên, liên tục, thực hiện một cách nghiêm túc, không đợi xã hội có ý kiến mới rà soát.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã làm việc với các thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia, các nhà xuất bản và các tác giả viết sách giáo khoa. Theo đó, chất lượng các khâu biên soạn sách giáo khoa mới phải đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình, đảm bảo giảm tải, phù hợp tâm lý lứa tuổi học sinh. Các nhà xuất bản cần tổ chức tập huấn sách giáo khoa kỹ lưỡng hơn nữa, tăng cường khâu thực nghiệm sách giáo khoa.

Nguyên Khôi