Dinh dưỡng học đường

Kẽm tốt cho hệ tiêu hóa

  • Tác giả : Hương Lan
(khoahocdoisong.vn) - Kẽm đóng vai trò sinh học rất quan trọng đối với sức khỏe con người mặc dù kẽm chỉ chiếm khoảng vài phần triệu trọng lượng khô của cơ thể. Các nhà khoa học đã phát hiện được nhiều căn bệnh nghiêm trọng liên quan tới sự thiếu hoặc thừa chất kẽm trong cơ thể, nhất là trẻ em.

Theo ThS.BS Trần Khánh Vân, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, kẽm là vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với nhiều chức năng sinh học và cần thiết cho hoạt động của enzym trong cơ thể. Khi cơ thể thiếu kẽm sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý. Thiếu kẽm là nguyên nhân gây ra bệnh tự miễn, gây rụng tóc... Kẽm là khoáng chất thiết yếu cho sự nhân lên của tế bào và hấp thu protein, qua đó giúp cho tóc dày và bóng mượt.

Thiếu kẽm có liên quan chặt chẽ với bệnh tiêu chảy. Kẽm giúp cơ quan tiêu hóa phát triển, góp phần lập lại quá trình hấp thu bình thường của ruột vốn bị rối loạn trong thời gian tiêu chảy. Kẽm làm tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ suy dinh dưỡng, trẻ biếng ăn. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, khi bệnh nhân bị tiêu chảy mà được bổ sung kẽm sẽ làm giảm thời gian tiêu chảy, giảm số lượng nước trong phân, số lần đi ngoài, giảm mức độ nặng và giảm thời gian mắc bệnh so với những trẻ bị tiêu chảy mà không được dùng kẽm.

Về vai trò của kẽm đối với mắt, theo các chuyên gia, kẽm giúp vận chuyển vitamin A từ gan đến võng mạc để tạo ra các sắc tố bảo vệ mắt, thiếu kẽm dễ mắc bệnh thoái hóa võng mạc. Đối với tai, kẽm hoạt động như một chất chống oxy hóa và viêm thuần hóa trong tai. Những người có nồng độ kẽm thấp luôn có những biểu hiện ù tai. Kẽm cũng là một chất khoáng thiết yếu cho sự phát triển và hình thành xương bên cạnh canxi. Kẽm có chức năng vô cùng quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển của tế bào cũng như thay mới collagen cần thiết để làm cho xương khỏe mạnh.

Trẻ thiếu kẽm thường có biểu hiện ăn không ngon, rụng tóc, tiêu chảy kéo dài, thương tổn ở da và mắt, chậm lớn, cơ quan sinh dục chậm trưởng thành. Lượng kẽm cần cho cơ thể đối với  trẻ từ 1 tuổi - 10 tuổi là 10 - 15mg/ngày để phát triển chiều cao và thể chất. Đối với thanh niên và người trưởng thành cần bổ sung lượng kẽm là 15mg/ngày đối với nam, 12mg/ngày đối với nữ. Một số thực phẩm giàu kẽm nên bổ sung vào chế độ ăn uống là hàu, củ cải, đậu, yến mạch, đậu phộng, sò, hạt bí ngô, thịt đỏ, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, gừng. Thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn và thịt cừu nằm trong số những nguồn tốt nhất vì kẽm trong những thực phẩm này có sinh khả dụng cao – nghĩa là cơ thể chúng ta có thể hấp thu dễ dàng hơn so với các nguồn khác.

Hương Lan