Bình luận

Kẻ trộm hài cốt đòi tiền chuộc ở Thái Bình đối diện án nào?

  • Tác giả : Gia Đạt
Vụ việc đào mộ, trộm hài cốt để đòi tiền chuộc 300 triệu đồng đang gây phẫn nộ dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi, đối tượng này sẽ bị xử lý thế nào?
Ngày 25/10, Công an tỉnh Thái Bình cho biết cơ quan điều tra đã bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Công Nho (50 tuổi, trú tại xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) để điều tra về hành vi đào trộm hài cốt. Nho khai nhận do nợ nần không có tiền trả và biết gia đình nạn nhân có điều kiện kinh tế khá giả nên đã đào hài cốt người thân của gia đình này nhằm gây sức ép tống tiền 300 triệu đồng.
Ke trom hai cot doi tien chuoc o Thai Binh doi dien an nao?
Công an tỉnh Thái Bình khám nghiệm nơi Nho giấu hài cốt của người quá cố.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của đối tượng Nguyễn Công Nho là nguy hiểm cho xã hội, liền một lúc xâm hại đến nhiều khách thể là hài cốt của người đã mất và quyền sở hữu tài sản của công dân. Pháp luật Việt Nam không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mọi công dân mà còn bảo vệ sự toàn vẹn của thi thể và bảo vệ hài cốt khi công dân đã qua đời.
Luật sư Cường cho biết thêm, việc an táng người đã chết theo hình thức hỏa táng, địa táng hoặc các hình thức khác là theo phong tục địa phương, pháp luật ghi nhận và bảo vệ các hình thức an táng theo phong tục địa phương. Hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện một trong các hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự với hình phạt có thể tới 07 năm tù.
Ke trom hai cot doi tien chuoc o Thai Binh doi dien an nao?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Hành vi của đối tượng trong vụ án này sẽ được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và còn có thể được xác định là động cơ đê hèn nên sẽ phải chịu khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 2-7 năm. Ngoài hành vi xâm phạm mồ mả, hài cốt, đối tượng này còn có hành vi cưỡng đoạt tài sản: đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản nên sẽ bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự.
TS Cường phân tích, với mục đích chiếm đoạt số tiền 300 triệu đồng, đối tượng này sẽ phải chịu khung hình phạt là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Trong vụ án này, đối tượng đã dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản nên đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội cưỡng đoạt tài sản. Thực tế, đối tượng chưa chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân nên sẽ được áp dụng tình tiết là phạm tội chưa đạt, mức hình phạt sẽ là ¾ mức quy định trong khung hình phạt.
Bởi vậy, trong vụ việc này, đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về hai tội danh là tội xâm phạm mồ mả hài cốt và tội cưỡng đoạt tài sản. Với hành vi vi phạm pháp luật ở hai tội danh nêu trên, nếu áp dụng tình tiết phạm tội chưa đạt thì tổng mức hình phạt cao nhất của hai tội danh có thể tới 18 năm tù, mức thấp nhất của hai tội danh này cũng tới 7 năm tù.
Vụ việc này sẽ là bài học cho những đối tượng lười lao động, coi thường pháp luật, vì lòng tham và sự ích kỷ và sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.
>>> Xem thêm video: Vụ bí thư xã giết người, đốt xe: Nghi phạm từng đi trộm mộ mượn xác

Nguồn: ĐTHĐT.

Gia Đạt