Khoa học & Công nghệ

In sinh học mô tim co bóp được

  • Tác giả : Khánh Thủy
Các nhà nghiên cứu đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa, Đại học Manchester và Đại học Công nghệ Delft phát triển một phương pháp in tế bào có thể duy trì tốt hơn chức năng tự nhiên của tế bào sau khi in, có khả năng sản xuất mô tim co bóp được.

In 3D sinh học có nhiều lợi thế và là một trong những phương pháp chính giúp tạo ra các mô trong cơ thể, nhưng vẫn vấp phải khó khăn trong việc sản sinh mạch máu và duy trì chức năng tế bào ở cơ quan phức tạp.

Các nhà nghiên cứu đã khắc phục những hạn chế của hệ thống in sinh học thông thường bằng cách biến đổi một cánh tay robot thành máy in sinh học, cho phép in tế bào dựa trên khung mạch máu hình dáng phức tạp từ mọi hướng.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Bioactive Materials, các nhà khoa học in vài lớp tế bào trên bộ khung, sau đó nuôi cấy trong một thời gian để kích thích hình thành mối nối liên tế bào và ống mao dẫn. Sau đó, họ tiếp tục in một lượt tế bào mới. Quá trình có thể tạo ra mạng lưới mạch tương tự ở các cơ quan nội tạng, giúp mô và cơ quan đã in tồn tại trong thời gian dài.

Nhóm nghiên cứu cũng phát triển một phương pháp in tế bào có thể duy trì tốt hơn chức năng tự nhiên của tế bào sau khi in. Cùng với lò phản ứng sinh học tự thiết kế và phương pháp in - nuôi cấy lặp lại nhiều lần, hệ thống in sinh học mới có khả năng sản xuất mô tim co bóp được. Kết quả nghiên cứu cung cấp giải pháp hứa hẹn cho việc tạo những cơ quan phức tạp trong ống nghiệm.

Khánh Thủy
Từ Khoá