Pháp luật

Huyện Kon Plông (Kon Tum):"Lỗ hổng" nào khiến xây dựng trái phép ngang nhiên tồn tại?

  • Tác giả : Trần Quốc
Ngoài tình trạng “xẻ núi bạt đồi” trái phép tại huyện Kon Plông, nhiều cá nhân còn chiếm đất nông nghiệp, sử dụng đất dự án sai mục đích. Chính quyền ra quyết định xử phạt, yêu cầu tháo dỡ công trình sai phạm, nhiều người vẫn không thực hiện.

Nhà hàng “núp bóng” dự án bảo tồn hoa lan

Theo quyết định số 108/QĐ - UBND ngày 29/01/2018, UBND tỉnh Kon Tum chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án bảo tồn và phát triển các loại phong lan phục vụ du lịch sinh thái tại tiểu khu 488 (thôn Măng Đen, xã Đăk Long, nay là thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), do HTX Lan rừng Măng Đen làm chủ đầu tư, diện tích hơn 1 ha, thời hạn 50 năm.

Hệ thống nhà hàng cơm niêu mọc trên dự án trồng Lan.

Hệ thống nhà hàng cơm niêu mọc trên dự án trồng Lan.

Từ đầu năm 2022, tại thửa đất được UBND tỉnh Kon Tum cho HTX Lan rừng Măng Đen thuê trồng lan xuất hiện hệ thống nhà hàng được xây dựng bằng gỗ.

Ngay sau khi phát hiện sai phạm, UBND huyện Kon Plông giao Phòng Tài nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm lâm huyện và UBND thị trấn Măng Đen kiểm tra, lập biên bản đình chỉ hoạt động để xác định hiện trạng, đồng thời tìm phương án xử lý.

Căn nhà gỗ 2 tầng, 8 phòng nghỉ được ông Trần Văn Lê xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Căn nhà gỗ 2 tầng, 8 phòng nghỉ được ông Trần Văn Lê xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Ngày 11/5/2023, UBND huyện Kon Plông ban hành Quyết định số 448/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và đất đai đối với HTX Lan rừng Măng Đen, do ông Nguyễn Văn Cửu làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc.

Cụ thể, HTX Lan rừng Măng Đen bị phạt 60 triệu đồng về hành vi chiếm 230 m2 đất phi nông nghiệp; phạt 16 triệu đồng do chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất phi nông nghiệp với diện tích 134,5 m2; xử phạt 130 triệu đồng vì tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Tổng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi trên là 206 triệu đồng.

Ngoài ra, UBND huyện Kon Plông yêu cầu HTX Lan rừng Măng Đen phá dỡ công trình xây dựng trái phép, khôi phục hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc trả lại đất đã lấn chiếm. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục là 60 ngày, kể từ khi nhận được quyết định trên.

Tuy nhiên, gần 3 tháng trôi qua, hệ thống Nhà hàng cơm niêu Măng Đen chưa được tháo dỡ. Nó vẫn tồn tại, khiến dư luận bức xúc.

“Khu vực này ông Cửu mua lại của người khác, hiện ông ấy ốm, nằm viện. Chúng tôi đang xin địa phương cho bán 1-2 tháng nữa rồi sẽ đóng cửa…”, ông Lê Hoài Thanh - một thành viên HTX Lan rừng Măng Đen - nói.

Chiếm đất nông nghiệp làm khu du lịch

Một khu đất có view đồi núi đẹp, bằng phẳng, rộng ở thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành) bị ông Trần Văn Lê (trú thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) chiếm dụng, xây dựng công trình kinh doanh cà phê, khu nghỉ dưỡng.

Một căn nhà gỗ khác đang được ông Lê xây dựng ngay ở sườn núi.

Một căn nhà gỗ khác đang được ông Lê xây dựng ngay ở sườn núi.

Theo ghi nhận của phóng viên, công trình xây dựng trái phép có tên “Cafe săn mây and homestay” tọa lạc tại thôn Kon Tù Rằng, xã Măng Cành. Người dân địa phương cho hay, đây là một trong những điểm “check-in” thu hút rất đông du khách tham quan.

Khu vực được cơ quan chức năng xác định xây dựng trái phép này gồm căn nhà gỗ 2 tầng, 8 phòng nghỉ cùng nhiều hạng mục khác. Ngay phía dưới, một quả đồi hàng trăm m2 đã bị đào xới nham nhở, căn nhà gỗ 2 tầng bắt đầu hình thành.

Theo ông Mai Xuân Mậu, Chủ tịch UBND xã Măng Cành, toàn bộ diện tích khu vực được cơ quan chức năng địa phương xác định xây dựng trái phép trên là đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý. Cụ thể, ông Trần Văn Lê đã chiếm 2.820,0m2.

Có “view” đẹp nên khu du lịch “chui” này thu hút được rất đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Có “view” đẹp nên khu du lịch “chui” này thu hút được rất đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Với những sai phạm của ông Trần Văn Lê, ngày 9/1/2023, UBND huyện Kon Plông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 19/QĐ-XPVPHC, với tổng số tiền 51.500.000 đồng. Đồng thời, ông Lê buộc phải tháo dỡ các công trình sai phạm, trả lại hiện trạng đất ban đầu trong 30 ngày.

Tuy nhiên đến nay, chủ nhân khu nhà trên vẫn chưa nộp phạt và chưa có dấu hiệu tháo dỡ những hạng mục xây dựng trái phép. Trả lời về việc này, ông Trần Văn Lê nói, đã nhận được quyết định xử phạt, nhưng do gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên chưa thể nộp số tiền trên…

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông - cho biết: “Đối với trường hợp của ông Trần Văn Lê, tôi đã chỉ đạo xã và các phòng, ban liên quan phải cưỡng chế về mặt hành chính, kinh tế. Anh em đang tiến hành xác minh mã số thuế, tài khoản ngân hàng… để thực hiện cưỡng chế”.

Sau khi Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống đăng bài “Kon Tum: Xẻ núi, bạt đồi làm homestay trái phép”, ông Nguyễn Lê Nguyên Thành (trú tại đường Lê Hồng Phong, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) phản ánh qua đường dây nóng tòa soạn rằng, ông xây dựng khu nhà tái chế để đựng các dụng cụ làm trang trại, chứ không làm homestay. Phóng viên vào đất của ông ghi nhận hiện trường mà không xin phép?

Ông Mai Xuân Mậu, Chủ tịch UBND xã Măng Cành, huyện Kon Plông, khẳng định, toàn bộ diện tích đất trên đang do Nhà nước quản lý, chưa giao cho bất kỳ hộ dân nào sử dụng. Ngày 18/4, UBND huyện Kon Plông ban hành quyết định xử phạt hành chính số 361/QĐ-XPVPHC về việc ông Nguyễn Lê Nguyên Thành chiếm đất và sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, ngoài tòa nhà tiền chế lắp ghép 2 tầng (đã tháo dỡ một phần), phía trên đỉnh đồi, ông Thành còn cho xây dựng một căn nhà cấp 4 lợp tôn, 2 căn nhà sàn gỗ đang làm dở, cùng một số hạng mục khác.

Trần Quốc