Khám phá

Hồ Phi Tích, Quỳnh Lưu tứ hổ – Kỳ 3: Hai người vợ nổi tiếng

Hai người vợ nổi tiếng của Hồ Phi Tích đã đi vào sử sách là chính thất Đàm Thị Quỳnh và trắc thất Châu Thị Phát, đều là những người phụ nữ giỏi giang, trung hậu, tiết hạnh

Khu mộ Hồ Phi Tích.

Xem chữ kén chồng

Hồ Phi Tích có 5 người vợ: Chính thất là Đàm Thị Quỳnh người Hà Đông, các bà trắc thất Châu Thị Phát, Hồ Thị Tăng, Trần Thị Nhâm, Hồ Thị Quy và hai tiểu thiếp…

Hai người vợ nổi tiếng đất Quỳnh Lưu đã đi vào sử sách là chính thất họ Đàm và trắc thất họ Châu. Bà Đàm Thị Quỳnh người Thanh Oai, Hà Đông, là con gái của giám sinh Đàm Lâm, được cha cho ăn học nên có học thức và tinh nghề đoán dạng chữ. Qua nét chữ viết có thể đoán được tương lai, hậu vận của con người.

Nghe ở kinh kỳ có các thầy đồ xứ Nghệ rất nổi tiếng, cô Quỳnh xin cha ra Kinh đô mở quán bán hàng cơm để giao lưu với tầng lớp nho sĩ, nhất là các thầy đồ Nghệ. Là người xinh đẹp lại văn hay chữ tốt nên các Nho sinh thường qua lại.

Một hôm hai thầy đồ vào quán, cô Quỳnh hỏi chuyện: “Tôi biết hai cậu đây là học trò xứ Nghệ, tiếng đồn chữ tốt văn hay, tôi cũng biết đoán chữ, xem hậu vận. Hai cậu viết vào bàn tay mình một chữ xem đường công danh sau này ra sao?”

Hồ Phi Tích viết chữ Sử, còn Hồ Sĩ Tôn viết chữ Dụng. Cô Quỳnh xem chữ xong nói: “Hai cậu đều văn hay chữ tốt, tiền vận gian nan, hậu vận thanh nhàn, sau này tất làm nên nghiệp lớn”.

Về nhà cô bàn với cha mời Hồ Phi Tích làm gia sư kèm cho em trai học, đồng thời tạo điều kiện giúp Hồ Phi Tích ổn định chỗ ở để theo học Trường Quốc Tử Giám.

Cô Quỳnh biết người viết chữ Sử hậu vận sáng sủa hơn, người viết chữ Dụng tuy tài nhưng khoa danh lận đận. Vài năm sau cô kết hôn với Hồ Phi Tích, hành trang về nhà chồng có thêm khung dệt.

Quỳnh Đôi là một vùng thuần nông, quanh năm chỉ trông vào mấy sào ruộng nên cuộc sống vô cùng vất vả, để giúp dân vùng này, Quỳnh phu nhân đã đưa nghề dệt lụa Hà Đông truyền dạy cho dân làng. Bên cạnh đó bà còn cho những người nghèo không có tiền mua khung cửi được mượn khung cửi của gia đình bà về dệt.

Nghề dệt lụa Quỳnh Đôi được hình thành và phát triển từ đây. Lụa Quỳnh Đôi nổi tiếng cả vùng nhưng nổi tiếng hơn là từ nghề phụ mà các chị, các mẹ đã nuôi chồng, nuôi con ăn học thành tài, dân Quỳnh Đôi lưu truyền câu: “Làng Quỳnh tơ lụa thủ khoa ba đời” hay câu “Ông cử, ông tú cũng từ khung cửi mà ra”. Nhờ khung cửi mà các chị, các mẹ nuôi chồng, nuôi con ăn học, thấp thì Tú tài, cao thì Hoàng giáp, Tiến sĩ.

Sau khi bà mất, nhớ công ơn người đem nghề dệt về cho làng, dân Quỳnh Đôi đã rước bà vào tế tại đình làng như một vị Tổ sư nghề dệt lụa làng Quỳnh. Năm 1732, bà được ban tặng sắc phong là Quận phu nhân…

Người vợ tiết hạnh

Bà trắc thất Châu Thị Phát là con gái út của ngài Kiệt Tiết tướng quân Quế Lộc hầu ở làng Đông Liệt, huyện Đông Thành (nay là Yên Thành).

Châu Thị Phát nức tiếng xinh đẹp, tính tình hiền hậu đoan trang. Quận Quỳnh hỏi làm vợ, sinh được hai trai. Ông Quận mất, bà còn trẻ tuổi đã thủ tiết thờ chồng.

Chuyện kể rằng, trong thời gian Nguyễn Hữu Cầu (Quận He) đóng quân ở Nghệ An, khi đi qua vùng Quỳnh Đôi thấy Châu Thị Phát nhan sắc còn đậm đà muốn lấy bà làm vợ. Không thể khước từ, trước lúc bị bắt đi, bà xin phép được đến nhà thờ để thắp hương vái lạy chồng.

Nguyễn Hữu Cầu cho thủ hạ đưa bà đến nhà thờ. Bà đã khéo giấu kín con dao ở trong người, sau khi lạy khóc chồng liền rút dao tự vẫn.

Đời Vua Tự Đức bà được sắc phong “Tiết phụ khả phong” và được rước vào tế ở đình làng Quỳnh Đôi, là người phụ nữ tiết hạnh thờ chồng.

TS Nguyễn Thành Hữu