Dữ liệu y khoa

Hết bệnh nhân là “bó hoa đẹp nhất” tặng bác sĩ điều trị Covid-19

  • Tác giả : Thúy Nga
Làm việc 24/24 giờ, cả tháng không có ngày giờ nghỉ, không có thứ 7, Chủ nhật, không có lễ, Tết nên với các y bác sĩ đang làm việc tại Đơn vị Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch thì mỗi bệnh nhân khỏi bệnh và tinh thần quyết liệt chống dịch của người dân chính là "bó hoa đẹp nhất" dành cho họ trong ngày lễ 27/2 năm nay.

Vất vả, khổ cực nhưng cứu được bệnh nhân là niềm vui

Cuộc trò chuyện của chúng tôi phải kết nối đi kết nối lại rất nhiều lần vì liên tục có những ca cấp cứu. Toàn bệnh nhân nặng, nguy kịch, nhiều người đã ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, nhưng sự tận tâm, tận lực, sự hy sinh không quản ngày đêm của các y bác sĩ đã đưa họ trở lại cuộc sống.

hoa-binh-4(1).jpg
Liêm tục cấp cứu các ca bệnh nhân nguy kịch.

TS.BS Hoàng Công Tình, Phụ trách Đơn vị Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tỉnh Hòa Bình đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, sau nhiều giờ cùng với đồng nghiệp cấp cứu các bệnh nhân, quên hết cả mệt mỏi, trở lại với niềm vui chiến thắng “bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch”.

Anh cho biết: “Bó hoa đẹp nhất, món quà ý nghĩa nhất của các y bác sĩ chúng tôi chính là tinh thần chống dịch quyết liệt của người dân để không ai còn phải đến đây nữa. Đặc biệt, không có quà tặng và niềm hạnh phúc nào to lớn hơn với đội ngũ y bác sĩ bằng sự hồi phục và ra viện của bệnh nhân”.

Đó là cụ ông 91 tuổi, nhiều bệnh lý nền, chưa tiêm phòng văcxin Covid-19, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Trải qua nhiều ngày thở máy, thở oxy dòng cao (HFNC), với sự chăm sóc tận tình của thầy thuốc và người thân, cụ khoẻ lại và được xuất viện.

Bệnh nhân 25 tuổi, đang mang thai 7 tháng, chưa tiêm phòng văcxin, nhập viện trong tình trạng nguy kịch phải ngay lập tức thở máy. Đã nhiều lần các thầy thuốc thuộc nhiều chuyên khoa trong bệnh viện, các chuyên gia tuyến trung ương phải đấu trí giữa việc đình chỉ thai nghén để cứu mẹ hay cố gắng tối đa để cứu cả mẹ và bé.

Những cuộc điện thoại hội chẩn liên tục ngày này qua ngày khác. Rồi một ngày bệnh nhân bỏ được máy thở, bỏ được oxy, ăn hết suất cơm rồi được xuất viện cùng con trong niềm vui của tất cả cán bộ, nhân viên của bệnh viện.

hoa-binh-5.jpg
Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại đơn vị.

Sản phụ 38 tuổi, đang nuôi con nhỏ 2 tháng tuổi, chưa tiêm phòng văcxin mắc Covid-19, nhập viện phải lắp máy thở ngay. Những ngày đầu, các chỉ số rất xấu, tiên lượng tử vong. Cứ mỗi lần cấp cứu, các y bác sĩ lại nghĩ đến 2 đứa con của chị, đứa bé mới 2 tháng tuổi cháu lớn 4 - 5 tuổi và nhắc nhau phải cố gắng hết sức. Rồi một ngày, chị cũng bỏ được máy thở và được ra viện.

Và có những bệnh nhân 70, 80, thậm chí trên 90 tuổi mắc các bệnh lý nền, chưa tiêm văcxin được chữa khỏi và ra viện...

Làm việc vượt công suất 200 - 300% và sự nhiệt huyết không gì đo đếm được

TS.BS Hoàng Công Tình cho hay, đơn vị được thành lập gần 3 tháng, tiếp nhận và điều trị cho hơn 140 trường hợp nặng và nguy kịch, trong đó đa số bệnh nhân phải thở máy, thở HFNC, lọc máu, thậm chí phải sử dụng tim phổi nhân tạo (ECMO). Khi mới thành lập chỉ có 10 y bác sĩ trong khu điều trị, tới nay đã tăng lên 18 người. Cứ khoảng 3 tuần sẽ thay kíp làm việc mới, vì vậy, họ không có ngày nghỉ, thậm chí cả Tết, nhiều người xung phong ở lại chống dịch không về nhà.

hoa-binh-2.jpg
Hết bệnh nhân là “bó hoa đẹp nhất” tặng bác sĩ điều trị Covid-19.

Các nhân viên y tế đều phải làm việc tới 200 – 300% công suất, với tinh thần và nhiệt huyết không gì có thể đo đếm được. Bởi bệnh nhân hồi sức đều suy hô hấp nặng, ranh giới sống chết rất mong manh không thể lơ là dù chỉ một giây, một phút. Một ngày, vài ba ca bệnh nặng là y bác sĩ bỏ luôn thay ca, bỏ luôn ăn uống hay ngủ là chuyện bình thường.

TS.BS Hoàng Công Tình chia sẻ, sự phục hồi nhanh chóng của các bệnh nhân nguy kịch như người cao tuổi, có các bệnh mạn tính trước đó (đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, suy thận mạn, ung thư...) không chỉ nhờ vào thở máy, HFNC, lọc máu và ECMO... và sự tận tụy của các bác sĩ, mà còn là sự chăm sóc và tận tâm của gia đình người bệnh. Họ chính là người động viên tinh thần và nâng đỡ thể trạng giúp bệnh nhân ăn uống được tốt hơn.

hoa-binh-1.jpg
Điều dưỡng Trình Đức Phương và bố mẹ hôm bệnh nhân được xuất viện.

Chia tay trước khi vào ca cấp cứu mới, TS.BS Hoàng Công Tình tâm sự: “Mỗi bệnh nhân được ra viện giống như người thân của chúng tôi đã được cứu sống. Còn niềm vui nào hơn tại đây khi chính Điều dưỡng Trịnh Đức Phương và đồng đội đã cấp cứu để cứu sống cả bố mẹ nhập viện trong tình trạng rất nặng phải thở máy, thở HFNC, có bệnh nền tăng huyết áp, tiểu đường, đặc biệt người mẹ bị ung thư phổi đã cắt 1 thùy phổi... Chúng tôi chỉ mong dù vất vả nhưng tất cả bệnh nhân đều được cứu sống và mong sao không còn bệnh nhân nào phải đến đây nữa”.

Thúy Nga