Dữ liệu y khoa

Hạnh nhân tác dụng tốt với bệnh suyễn cấp

  • Tác giả : DS Nguyễn Văn Hào
(khoahocdoisong.vn) - Hạnh nhân là nhân hạt quả hạnh nhân, nên chọn sau khi quả chín, bỏ thịt quả xong, đập vỡ hạch để lấy nhân, khi phơi khô hạt mẩy có nhân nguyên vẹn, chắc, nhiều dầu, màng nhân mỏng, vỏ ngoài màu vàng đất, không mốc mọt là tốt. Ngày dùng 4 - 12g.

Hạnh nhân hay còn gọi là hạnh tử, hạnh nhân tử, ô mai hạch được trồng ở nhiều nơi và các tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc. Hạnh nhân vị ngọt, tính bình, vào hai kinh phế và đại trường có tác dụng chỉ khái bình suyễn, nhuận tràng thông tiện, chủ trị các chứng ho do phong hàn hoặc phong nhiệt, ho suyễn do phế nhiệt, táo bón do đại tràng táo. Hạnh nhân chủ yếu có chứa chất dầu 50 - 60%, amygdalin, albuminoid và các men.

- Trị suyễn cấp: Hạnh nhân bỏ vỏ sao vàng, nấu cao ngày 2 lần, mỗi lần 8g với nước sắc quất bì.

- Trị trẻ nhỏ bị suyễn lâu ngày không khỏi: Bán hạ 4g, chích thảo 4g, hạnh nhân 4g, phúc bì 4g, tang bì 4g, trần bì 4g, xích linh 4g, thêm gừng sắc uống.

- Chữa ngoại cảm, lương táo, đầu đau, sợ lạnh, ho, ít đàm, nghẹt mũi: Hạnh nhân 8g, tô diệp 4g, bán hạ 4g, phục linh 8g, cam thảo 4g, tiền hồ 8g, cát cánh 4g, chỉ xác 4g, sinh khương 3g, quất bì 4g, đại táo 3g sắc uống. Công dụng ôn phong tán hàn, tuyên phế hóa đàm.

- Trị ho đờm: Hạnh nhân 12g, bán hạ 6g, cam thảo 4g, đại táo 2 trái, phục linh 12g, sinh khương 4g, tô diệp 8g, trần bì 6g sắc uống.

- Trị ho do phong hàn, đàm nhiều thủy thũng: Cam thảo 8g, ma hoàng 12g, hạnh nhân 8g, thạch cao 8g sắc uống. Tác dụng ôn kinh, phát hãn.

- Ho do phế bị táo nhiệt: Hạnh nhân 10g, tang diệp 12g, xuyên bối mẫu 12g, sa sâm 12g, cam thảo 4g sắc uống.

Lưu ý: Hạnh nhân có 2 loại. Nhân đắng gọi là khổ hạnh nhân, nhân ngọt gọi điềm hạnh nhân. Khổ hạnh nhân hình tim dẹt, dài chừng 1 - 1,5cm, rộng hơn 1cm, ở đỉnh hạt nhọn dần, ở gốc hạt không đối xứng. Điềm hạnh nhân có hình tim dẹt, tương đối nhỏ hơn khổ hạnh nhân, vỏ ngoài màu nâu đỏ, hơi vàng. Khổ hạnh nhân thiên về trị ho suyễn do thực chứng. Điềm hạnh nhân thiên về tư dưỡng, thường dùng nhiều trong chứng ho lâu ngày. Hạnh nhân không dùng cho ho do âm hư. Thận trọng khi dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi. Dược liệu này hơi độc vì vậy cần tránh quá liều.

DS Nguyễn Văn Hào (128 Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu)

DS Nguyễn Văn Hào