Vấn đề - Sự kiện

Hàng loạt vụ lũ quét, sạt lở đất: Khi con người tác động thiên nhiên

  • Tác giả : Hải Ninh (thực hiện)
Nguyên nhân nhiều vụ lũ quét, sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản thời gian qua không chỉ do khách quan, mà còn có sự tác động từ con người, gây hậu quả về thiên nhiên.

Từ đầu năm 2023 đến nay, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại nhiều địa phương. Gần nhất là vụ lũ ống, lũ quét tại Lào Cai làm 10 người chết và mất tích. Trước đó, các vụ sạt lở đất ở Đà Lạt, đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) hay sạt lở đất đá ở các địa phương Lai Châu, Yên Bái, Đắk Nông gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, phá hủy đường giao thông, nhà cửa…

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; PGS.TS Cao Đình Triều, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý Ứng dụng; TS Nguyễn Thành Vạn, Tổng hội Địa chất Việt Nam, đều cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan, nhân tố chủ quan là do con người tác động đã gây hậu quả về thiên nhiên.

Con người tác động vào thiên nhiên, gây thảm họa

Các chuyên gia đánh giá thế nào về nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ lũ quét, sạt lở, gây hậu quả nặng nề cho người dân?

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lũ quét, sạt lở đất ở một số địa phương trên cả nước thời gian qua. Trong đó, yếu tố khách quan là thời tiết bất thường, mưa lớn kéo dài làm cho đất đá bị bão hòa nước, dẫn đến sạt trượt.

Nguyên nhân chủ quan là con người. Các hoạt động dân sinh như chuyển đổi đất rừng sang trồng cây lâu năm, phá rừng làm đất ở, xây nhà cửa, công trình, phá núi làm đường, thiết kế độ dốc không hợp lý cũng gây sạt lở đất, đá.

Trong đó, phá rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ là nguyên nhân dẫn đến lũ quét, sạt lở đất. Bởi, rừng có chức năng giữ nước, khi không bị tác động, thảm thực vật sẽ phát triển. Mưa xuống, những thảm thực vật đó có thể giữ được nước trôi chảy, hạn chế xói mòn gây lũ lụt. Thực tế những điểm sạt lở thời gian qua đều không còn rừng nguyên sinh mà đã trơ trọi.

GS.TS Vũ Trọng Hồng

GS.TS Vũ Trọng Hồng

PGS.TS Cao Đình Triều: Hiện nay, nhiều điểm có nguy cơ sạt ở không ít địa phương trên cả nước. Nước ta có 80% diện tích là đồi núi, trượt lở đất thường xuyên xảy ra ở miền núi. Tình trạng này ở nhiều nơi còn trầm trọng hơn vùng Lâm Đồng, như vụ việc ở đèo Bảo Lộc vừa qua hay vùng Tây Bắc; miền Tây Trung Bộ như Quảng Nam, miền tây Quảng Bình, tây Nghệ An… Trong điều kiện khí hậu cực đoan, mưa kéo dài tạo ra những dòng nước chảy bề mặt rất dễ sạt lở.

Một nguyên nhân khác là rừng tự nhiên bị chặt chụi, dễ xảy ra sạt lở đất. Rừng nguyên sinh bị chặt gần hết, có nơi còn chưa kịp trồng mới, có nơi chặt rừng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên không giữ được nước bề mặt, nước trôi chảy nhanh dẫn đến sạt lở.

Mấy năm trước, vụ sạt lở xảy ra trên Tây Bắc hay gần đây ở Quảng Nam, mức độ rất nghiêm trọng. Trượt về địa chất có từ xưa, nhưng khi đó ít trượt lở do có nhiều rừng nguyên sinh. Bây giờ, chúng ta phải luôn chuẩn bị tinh thần trượt lở mạnh, lũ ống, lũ quét để có những giải pháp phòng tránh hậu quả đáng tiếc như đã diễn ra suốt thời gian qua.

PGS.TS Cao Đình Triều

PGS.TS Cao Đình Triều

TS Nguyễn Thành Vạn: Nguyên nhân do mưa lũ diễn biến bất thường, trong những đợt mưa lớn kéo dài, lớp vỏ phong hóa bở rời ra, các tảng đá nặng độ dốc cao lăn xuống.

Ở khu vực hoang vắng không có người, cảm tưởng như việc sạt lở là bình thường, có thiên tai nhưng không thành thảm họa. Tuy nhiên, khi xảy ra tại khu vực dân cư, có người ở hoặc gây tai nạn cho lực lượng chức năng đang thi hành công vụ, sự quan tâm của con người đến sạt lở đất ngày càng nhiều.

Nhìn chung do yếu tố mang tính chất thiên tai, đặc điểm địa chất vỏ phong hóa dày và không đồng đều, nước ngấm độ bở rời khác nhau, các đá tảng còn tồn dư tại vỏ phong hóa sẽ trượt theo mặt dốc. Bên cạnh đó, rõ ràng cũng có sự tác động của con người.

TS Nguyễn Thành Vạn

TS Nguyễn Thành Vạn

Ảnh hưởng từ quy hoạch đến xây dựng

Như các chuyên gia phân tích ở trên, thiên tai, lũ quét, sạt lở do có sự tác động của con người, vậy sự tác động đó như thế nào?

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Sau những vụ lũ quét, sạt lở vừa qua, chúng ta có thể thấy, tại một số vị trí gần đường giao thông xảy ra sạt trượt gây chết người, thiệt hại về tài sản như ở vùng Tây Nguyên.

"Qua những vụ lũ quét, sạt lở lớn, chúng ta nhận thấy có vấn đề về quy hoạch. Quy hoạch bây giờ bị phân tán, không tập trung một bộ, ngành nào nữa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách quy hoạch nhưng không hề lên tiếng sau các vụ sạt lở. Quy hoạch đúng thì làm sao sạt trượt được", GS.TS Vũ Trọng Hồng.

Bên cạnh đó, cả những vùng chưa thấy lũ quét như Sóc Sơn, Hà Nội cũng xảy ra hiện tượng lũ cuốn trôi xe cộ. Hay như lũ quét Lào Cai gây thiệt hại về người ngày 12/9. Những hiện tượng này xuất hiện nhiều hơn thời gian gần đây.

Tôi cho rằng, về mặt chủ quan, không chỉ do người dân tác động… gây ra. Bởi qua những vụ lũ quét, sạt lở lớn, chúng ta nhận thấy có vấn đề về quy hoạch. Quy hoạch bây giờ bị phân tán, không tập trung một bộ, ngành nào nữa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách quy hoạch nhưng không hề lên tiếng sau các vụ sạt lở. Quy hoạch đúng thì làm sao sạt trượt được.

Hiện nay, có sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương về quy hoạch. Chúng ta có thể thấy, những vụ sạt lở tại địa phương thường xảy ra dồn dập như Lâm Đồng, Lào Cai, vừa rồi là Sóc Sơn (Hà Nội). Trong khi đó, những dự án Trung ương làm, không nhiều vụ sạt lở như đường vành đai 4, đường cao tốc. Phải chăng đây là phân công nhiệm vụ để địa phương được phép quy hoạch và thực hiện dự án? Lúc xảy ra vụ việc, địa phương không biết làm thế nào vì họ không có nhiều người giỏi chuyên môn quy hoạch, dù vậy được giao là họ cứ làm.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng hiện nay, cũng không phải Trung ương tập trung như trước, mà phân cho các địa phương làm. Họ làm với kinh phí của tỉnh. Tôi có cảm nhận rằng, các ngành chuyên môn theo dõi về lĩnh vực sạt lở, chống trượt, không thấy họ lên tiếng nhiều. Đây không phải làm chủ quan mà được phân cấp, phân quyền và tạo ra những hiện tượng trên. Việc này rất nguy hiểm khi chuyên gia phân tán, tiền cũng phân tán, quyền cũng phân tán. Nếu như vậy, chúng ta rất khó chấn chỉnh.

Một vấn đề khác, hiện tượng sạt lở hiện nay không xảy ra ở những vị trí ngày trước hay xảy ra lũ quét như Mù Căng Chải hay chân núi Hoàng Liên Sơn, mà lại hay xảy ra tại địa phương khác. Trong khi đó, không nhiều tỉnh có đội ngũ giỏi để giúp đỡ. Nếu phân quyền, phân cấp mà địa phương không có đội ngũ chuyên gia, hiện tượng này sẽ xảy ra mãi.

Tôi hay đặt câu hỏi: Tại sao sạt lở hay xảy ra ở những nơi không phải trọng điểm về lũ? Vụ việc mới đây ở Sóc Sơn cho thấy, các địa phương khi được giao quyền cũng không đủ năng lực để làm. Vì thế, khi họ phân cấp, cho phép tư nhân làm, sạt lở xảy ra, sẽ không có giải pháp khắc phục.

Ở Lâm Đồng, không chỉ sạt trượt, quy hoạch đã làm cho Hồ Xuân Hương không còn vẻ đẹp mà như cái ao. Rừng xung quanh giờ toàn công trình nhà ở. Người ta phá rừng, dù ở đó rừng thông hàng trăm năm. Đây cũng là điều phải xem xét, trả lời câu hỏi: Tại sao lại như vậy?

Tôi không thấy đoàn nào đi kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng, nên sạt lở liên tục xảy ra. Từ đó, tôi cho rằng, không phải do thiên tai lớn mà bởi con người chúng ta.

Cần cân nhắc khi tác động vào diện tích đất rừng

Báo chí cũng đã lên tiếng về việc một số dự án lấy đi diện tích rừng rất lớn, trong đó có cả rừng đặc dụng, việc này sẽ gây ra hậu quả thế nào?

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Mới đây, tôi cũng theo dõi một số dự án lấy đi hàng trăm ha rừng để làm hồ thủy lợi, trong đó có cả rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Khi tôi còn làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, không bao giờ chúng tôi được lấy diện tích rừng.

Điều đáng quan ngại, có dự án khi lấy đi một diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, địa phương nêu quan điểm sẽ trồng lại với diện tích lớn hơn. Nhưng điều quan trọng phải chú ý, thế nào là rừng có thể giữ được nước. Rừng trồng phải nhiều năm mới có thảm thực vật, lúc đó mới giữ được nước.

GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nói rằng, cứ mỗi trận mưa, 1 ha rừng giữ được 4 khối nước, tạo thành nguồn nước ngầm, sau đó dần dần mới chảy ra, nên khó xảy ra hiện tượng lũ.

Trong khi đó, hiện nay, chúng ta có thể thấy, lũ quét thường xuất hiện ở khu vực trơ trụi, không có rừng. Nơi có rừng trồng tốt như Sơn La thì làm gì có lũ quét, mà chỉ các địa phương khác không còn rừng mới hay xảy ra lũ quét.

Một rừng trồng mới, phải sau 50 năm mới tích được nước để thành nước ngầm. Như vậy, phải gần 100 năm mới có nguồn nước dồi dào. Bây giờ chúng ta phá rừng và trồng mới, đợi 50 năm nữa thì gần như sẽ bị sạt trượt hết.

Việt Nam là vùng đất bồi như Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, trừ một số tỉnh Tây Nguyên là những dãy núi đá giữ. Cho nên, giữ rừng còn là sự sinh tồn của đất nước. Khái niệm về rừng lúc này, Nhà nước phải cân nhắc. Việc giữ rừng là điều không thể xem nhẹ, dù quyền của địa phương nhưng Nhà nước phải nắm.

Hạn chế tác động vào thiên nhiên

Để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống, khó có thể không tác động vào thiên nhiên. Tuy nhiên, cần hạn chế thế nào để không xảy ra thảm họa sạt lở đáng tiếc?

PGS.TS Cao Đình Triều: Nếu buộc phải xây dựng công trình, cần giảm độ mái dốc xuống và có biện pháp chống trượt tại những điểm trượt cụ thể. Có nhiều biện pháp chống trượt từ đơn giản đến phức tạp. Đơn giản nhất là giảm độ dốc và trồng cây.

Trồng cây có thể giữ cho đất khỏi trôi trượt, nhưng trồng cây như thế nào để thành biện pháp chống trượt, cần chọn các loại cây bám rễ sâu xuống đất xuyên qua lớp phong hóa mới giữ được. Có những loại cây chỉ có rễ nằm trên bề mặt thì không bảo vệ được.

TS Nguyễn Thành Vạn: Về lâu dài, cần giải pháp khảo sát cẩn thận những khu vực dự kiến ổn định dân cư, tái định cư hay lập trụ sở làm việc. Đồng thời, cần phải có kịch bản cụ thể và giải pháp lâu dài để ứng phó với sạt lở đất đá trên cả nước.

Chính quyền địa phương và người dân cũng phải chủ động hơn trong việc phòng chống sạt lở như kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Xin cảm ơn các chuyên gia.

Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, từ đầu năm 2023 đến tháng 7/2023, cả nước chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai, trong đó xảy ra 1 áp thấp nhiệt đới, 27 trận mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất; 148 trận dông lốc, sét, mưa đá; 211 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất và 2 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển…

Thiên tai làm 49 người chết, mất tích, 36 người bị thương. Về tài sản, 162 nhà sập đổ, 7.888 nhà bị hư hỏng; 41.581 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 20 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng…

Hải Ninh (thực hiện)
Từ Khoá