Khám phá

Hai chiếc bát sứ cổ quý hiếm bậc nhất Việt Nam

  • Tác giả : Quốc Lê
Khi Tổng thống Pháp Jacques René Chirac và Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi thăm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), hai chiếc bát sứ này đã được đưa ra để các vị khách quý chiêm ngưỡng.

Hoàng thành Thăng Long đang lưu giữ hai chiếc bát sứ cổ được đánh giá đẹp và độc đáo nhất từng được tìm thấy ở Việt Nam. Những hiện vật này được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2021 với tên gọi chính thức “Hai bát sứ ngự dụng Hoàng thành Thăng Long”.

Báu vật hoàng cung Thăng Long

Báu vật hoàng cung Thăng Long

Báu vật hoàng cung Thăng Long

Được các chuyên gia khẳng định là vật dụng dành cho vua ở hoàng cung Thăng Long, hai chiếc bát sứ có kích thước khác nhau (đường kính miệng lần lượt là 14,5 cm và 12,4 cm), cùng lớn hơn so với loại bát thường dùng để ăn cơm phổ biến hiện nay.

Bát có thân cong đều, miệng tròn, mép miệng vê tròn và hơi bẻ ra bên ngoài. Chân đế cao, thành rất mỏng, được ví “như vỏ trứng”, xương trắng đục, men trong, hoa văn in nổi trong lòng trước khi phủ men. Độ trong của xương gốm rất cao, ánh sáng có thể xuyên qua.

Khi được tìm thấy, bát nằm trong lớp trầm tích chứa nhiều hiện vật gồm đồ sành, gốm men thời Lê sơ (thế kỷ 15-16). Hai chiếc đều bị vỡ do sức ép của đất, một chiếc mất một số mảnh. Sau đó các mảnh vỡ đã được ghép lại, phần mảnh bị mất được phục nguyên bằng chất liệu bột đá và keo.

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, mặc dù khác nhau về kích thước, nhưng cấu trúc, đề tài và kỹ thuật trang trí hoa văn trên chiếc bát giống nhau gần như hoàn toàn. Hoa văn được trang trí trong lòng bát với đồ án chính hình rồng. Giữa lòng bát in nổi chữ “Quan”.

Đôi rồng được thể hiện trong tư thế đang bay lượn trên mây tạo thành hình vòng tròn trên thành bát, hướng vận động theo chiều kim đồng hồ, mang nét đặc trưng của tạo hình rồng thời Lê sơ.

Đầu rồng ngẩng cao, miệng nhả ngọc, thân uốn thành nhiều khúc, đuôi duỗi thẳng về phía sau như cái bánh lái, vây dương cao, các chân thể hiện tư thế vận động như đang đạp vào mây.

Chân rồng có 5 ngón với móng vuốt sắc nhọn. Đây là hình tượng rồng tiêu biểu dành riêng cho hoàng đế. Thêm vào đó, lòng bát in hình chữ “Quan”, có nghĩa là sản phẩm của lò quan, lò do quan xưởng thiết lập, chuyên sản xuất vật dụng dành cho triều đình.

Chế tác đỉnh cao

Tại Việt Nam, những chiếc bát sứ trắng có vẽ rồng 5 móng tương tự cũng được tìm thấy ở Cố đô Lam Kinh, nhưng trong tình trạng không còn nguyên vẹn, không đủ mảnh để khôi phục hình dáng như hai chiếc bát sứ tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long.

Theo hồ sơ Bảo vật, hai chiếc bát sứ này là minh chứng cho trình độ phát triển cao của kỹ nghệ sản xuất gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ. Nguyên liệu của bát là cao lanh có độ tinh khiết cao, được nung nhiệt độ cao giúp sản phẩm có xương rất mỏng mà vẫn đảm bảo độ bền và thấu quang.

Thêm vào đó, để có chi tiết hoa văn nhỏ, việc in ấn phải diễn ra khi cốt còn ướt. Trong bối cảnh xương rất mỏng như vậy, in ấn hoa văn khi cốt còn ướt với yêu cầu độ chính xác gần như tuyệt đối cho thấy trình độ tuyệt vời của thợ gốm.

Vào những năm 2000, khi Tổng thống Pháp Jacques René Chirac và Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi thăm khu di tích Hoàng thành Thăng Long, hai chiếc bát sứ men trắng tuổi đời nửa thiên niên kỷ này đã được đưa ra để hai vị khách quý chiêm ngưỡng...

Quốc Lê