Dữ liệu y khoa

Hà Nội: Truyền thông phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh trong trường học

  • Tác giả : Thúy Nga
Chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân tan máu bẩm sinh thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Đặc biệt bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới nòi giống và khó chữa nhưng có thể phòng chống được.

7% dân số toàn cầu mang gen bệnh

Trước tình trạng học sinh Hà Nội nghi ngờ mang gen bệnh tan máu bẩm sinh ở mức báo động: Xét nghiệm hơn 30.000 học sinh cho kết quả nghi ngờ mang gen bệnh khá cao (10,9); 18,5% học sinh tự nguyện có bất thường thiếu máu hoặc mang gen bệnh, các trường học tại các quận huyện tại Hà Nội: Chương Mỹ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Sơn Tây, Chương Mỹ, Cầu giấy... đã tích cực truyền thông sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho giáo viên, học sinh trường cấp 2, 3.

Hiện nay, ở nước ta có khoảng trên 12 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Người bị bệnh và mang gen có ở tất cả các tỉnh/thành phố, các dân tộc trên toàn quốc.

Tại buổi truyền thông thầy cô giáo và các em học sinh đã được cung cấp những thông tin, kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) để có hiểu biết đầy đủ về bệnh Thalassemia, nguyên nhân, hệ lụy ảnh hưởng của bệnh đến chất lượng giống nòi, ngoài ra thầy cô và các em học sinh còn được cung cấp những nội dung cơ bản của bệnh tan máu bẩm sinh, các biểu hiện điển hình của bệnh, cách phòng tránh và điều trị, chăm sóc cho người bệnh.

Bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) là bệnh lý di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Ước tính, 7% dân số toàn cầu mang gene và bị ảnh hưởng bệnh lý này. Bệnh đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng dân số và giống nòi, gây ra nhiều gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Thalasemia còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh (TMBS) là do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động, tuổi thọ thấp...

Truyền thông phòng chống Thalassemia cho giáo viên và học sinh

Truyền thông phòng chống Thalassemia cho giáo viên và học sinh

Kinh nghiệm của Thế giới cho thấy, có thể hạn chế được 90-95% số mắc mới Thalassemia nếu được tiến hành các biện pháp dự phòng thông qua hạn chế việc kết hôn giữa người mang gen bệnh (dự phòng cấp 1) bằng các biện pháp như tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc phát hiện sớm cho thai nhi để xác định xem cá nhân có mang gen bệnh hay không từ đó giúp cho họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh đẻ nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh. Đây là biện pháp hiệu quả và chi phí thấp.

Đồng thời tiến hành tầm soát, chẩn đoán trước sinh (dự phòng cấp 2) sẽ góp phần phát hiện thêm các trường hợp mắc bệnh ở thai nhi để tư vấn chỉ định đình chỉ thai nghén với các trường hợp mắc bệnh thể nặng. Tuy nhiên, việc tầm soát, chẩn đoán trước sinh rất tốn kém và khó khăn hơn nhiều so với dự phòng cấp 1 vì phải đầu tư cho các cơ sở y tế các loại trang thiết bị, máy móc chuyên dụng, đắt tiền; hơn nữa cần phải có sự phối hợp giữa các chuyên gia thuộc lĩnh vực sản phụ khoa và lĩnh vực y học phân tử.

Việc sàng lọc, chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sơ sinh (dự phòng cấp 3) dường như ít có giá trị thực tiễn, bởi nếu đứa trẻ có được phát hiện mắc bệnh thì cũng chỉ là để biết sớm và chuẩn bị cho việc điều trị sau này. Nếu cả vợ và chồng đều mang gen bệnh thì có 25% nguy cơ mắc bệnh ở thể nặng, trường hợp này cần được thực hiện chẩn đoán trước sinh bằng phương pháp chọc ối tìm đột biết gen.

Đối với bệnh nhân mức độ nặng và trung bình cần: truyền máu định kỳ và dùng thuốc thải sắt suốt đời; đến khám và điều trị đúng hẹn; khám lại ngay khi có dấu hiệu bất thường như: mệt nhiều, đau tim, khó thở, sốt cao, phù…; ghép tế bào gốc để điều trị bệnh, biện pháp này cần phải đáp ứng điều kiện ngặt nghèo hơn như phải tìm được nguồn tế bào gốc, điều kiện sức khỏe đảm bảo, chi phí cao…

Hà Nội lấy máu sàng lọc bệnh Thalassemia cho học sinh

Hà Nội lấy máu sàng lọc bệnh Thalassemia cho học sinh

Bệnh khó chữa nhưng có thể phòng tránh

ThS.BS Vũ Thanh Bình, Khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học, bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, thalassemia là một nhóm bệnh huyết sắc tố gây thiếu máu, tan máu di truyền. Mỗi thể bệnh là do bất thường tổng hợp một loại chuỗi globin; Có hai thể bệnh chính là alpha thalassemia và beta thalassemia; ngoài ra có các thể phối hợp khác như thalassemia và bệnh huyết sắc tố.

Bệnh tan máu bẩm sinh do mất cân bằng trong quá trình tổng hợp chuỗi globin nên dẫn đến việc sinh hồng cầu không đáp ứng được nhu cầu của cơ thể và gây ra các hậu quả: thiếu máu, thay đổi cấu trúc xương, lách to, rối loạn chuyển hoá sắt, rối loạn đông cầm máu.

Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Người bệnh mức độ nặng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các triệu chứng nặng như: Biến dạng xương mặt (trán dô, mũi tẹt), xương giòn, nhiễm trùng, suy tuyến nội tiết, chậm phát triển, dậy thì muộn hoặc không dậy thì, suy gan, xơ gan, suy tim, thậm chí có nguy cơ tử vong…

Ảnh hưởng của gen di truyền tới sinh con bị bệnh

Ảnh hưởng của gen di truyền tới sinh con bị bệnh

BS Thanh Bình cũng cho biết bệnh tan máu bẩm sinh là bệnh có thể phòng ngừa, tiến tới chấm dứt tình trạng trẻ sinh ra bị bệnh và giảm dần tỷ lệ di truyền gen bệnh trong cộng đồng. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là tầm soát tiền hôn nhân và tiền thai sản dựa trên xét nghiệm máu. Trước khi kết hôn, các cặp đôi cần khám sức khỏe và xét nghiệm tầm soát để xác định xem cá nhân có mang gen bệnh hay không, từ đó giúp họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh tan máu bẩm sinh.

Chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Một người bệnh mức độ nặng từ khi sinh ra đến 21 tuổi cần truyền khoảng 470 đơn vị máu để duy trì đời sống. Mỗi năm, cả nước cần có trên 2.000 tỷ đồng để cho tất cả bệnh nhân có thể được điều trị tối thiểu và cần có khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn (theo số liệu Viện Huyết học truyền máu trung ương).

Thúy Nga