GIỚI TÍNH

Hà Nội: Phát động Tháng hành động quốc gia về dân số

  • Tác giả : Thúy Nga
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm 2022, Chi cục Dân số - kế hoạch hoá gia đình Hà Nội (DS-KHHGĐ) đã ban hành kế hoạch số 605/KH-CCDS, tổ chức các hoạt động truyền thông rộng khắp trên địa bàn thành phố.

Ngày 8/12, tại UBND huyện Mỹ Đức, Chi cục Dân số - kế hoạch hoá gia đình Hà Nội (DS-KHHGĐ) đã tổ chức Lễ phát động tháng hành động quốc gia về Dân số, kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26/12/2022.

Hà Nội đạt mức sinh thay thế, kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh

Phát biểu tại lễ phát động, ThS.BS Vũ cao cường, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt với những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của Đất nước.

DS-KHHGĐ đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và tổ chức xã hội. Cùng với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hơn 60 năm qua, công tác DS-KHHGĐ Việt Nam là một chặng đường đầy cam go, thử thách và những nỗ lực phi thường, với những giai đoạn lịch sử đáng ghi nhớ.

ThS.BS Vũ cao cường, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại Lễ Phát động

ThS.BS Vũ cao cường, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại Lễ Phát động

Từ năm 1961 đến nay, dân số Việt Nam tăng gấp hơn ba lần (3,185 lần) từ 30,2 triệu lên 96,2 triệu, thấp hơn nhiều so với các dự báo trước đây. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã từ 6,3 con xuống 2,09 con. Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,5% xuống 1,04%. Tuổi thọ bình quân khá cao, đạt 73,5 tuổi năm 2018. Mức sinh giảm sẽ tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội để dành vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân.

Công tác DS-KHHGĐ đã trực tiếp làm tăng 0,38 lần GDP bình quân đầu người, tăng khoảng 2% mỗi năm. Dân số Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, cải thiện rõ rệt tình trạng sức khoẻ bà mẹ và trẻ em; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Cùng với cả nước, công tác Dân số của Thủ đô đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước. Trong nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn xác định công tác DS-KHHGĐ là bộ phận quan trọng của Chiến lược phát triển Thủ đô, là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và cộng đồng.

Lễ phát động: Tháng hành động quốc gia về dân số tại Mỹ Đức, Hà Nội

Lễ phát động: Tháng hành động quốc gia về dân số tại Mỹ Đức, Hà Nội

Cùng với sự phấn đấu tích cực của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số ; sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ; phối hợp của các bộ, ngành của Trung ương, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân. Công tác dân số của Thành phố đã đạt được những thành tựu đáng kể: Về quy mô dân số, dự kiến năm 2022, dân số trung bình khoảng 8,4 triệu người chiếm khoảng 8.4% dân số cả nước, toàn Thành phố đã đạt mức sinh thay thế (số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ -TFR: 2,1 con).

Về cơ cấu dân số: Thành phố đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh: tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ nam/100 trẻ nữ) dự kiến năm 2022 là 112,5/100. Cơ cấu dân số theo tuổi chuyển dịch theo hướng già hóa dân số. Hiện nay, Hà Nội cùng với cả nước đang trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

Chất lượng dân số Thủ đô từng bước được nâng cao, tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc tăng hàng năm, năm 2022 tỷ lệ sàng lọc trước sinh toàn thành phố ước đạt 82%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 86%.

Ngoài ra, nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai và nhân rộng như: mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình chăm sóc SKSS vị thành niên; mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình can thiệp truyền thông về chăm sóc SKSS/KHHGĐ tới vùng dân cư đặc thù…

Nhiều hoạt động để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác dân số

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác dân số, trong tháng hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm 2022, với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững”, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền về vấn đề này.

Theo đó, tập trung tuyên truyền về chủ đề và các thông điệp chính hoạt động kỷ niệm và hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số, kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26/12. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về dân số và phát triển nhằm huy động các ban, ngành, đoàn thể các tổ chức chính trị xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp tham gia đồng hành cùng công tác dân số và phát triển, tạo ra một sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ, hành vi của các nhóm đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Đặc biệt, thành phố tập trung truyền thông về tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; Truyền thông về tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; Truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Truyền thông về chăm sóc SKSS/KHHGĐ; Truyền thông về cơ cấu dân số vàng…

Tại các quận/huyện/thị xã sẽ tổ chức các sự kiện mít tinh, cổ động diễu hành, hội nghị, toạ đàm, điểm tuyên truyền, văn hoá văn nghệ… về chủ đề Tháng hành động Quốc gia về dân số, ngày Dân số Việt Nam…

Đồng thời, chỉ đạo cấp xã/phường/thị trấn truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; nói chuyện chuyên đề cho các nhóm đối tượng: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, thanh niên trước khi kết hôn, vị thành niên, nam giới, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng...; Kẻ vẽ băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền; Truyền thông trên các kênh truyền thông đại chúng, đưa các thông tin, các thông điệp tuyên truyền về Dân số và phát triển...

Để công tác dân số có kết quả tốt, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch nhằm cụ thể hóa những chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 21-NQ/TW: Thành ủy ban hành Kế hoạch số 74-KH/TU ngày 27 tháng 01 năm 2018 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 20/4/2018 về việc triển khai Kế hoạch số 74-KH/TU ngày 27/01/2018 của Thành ủy; Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 19/04/2018 của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện “Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025” trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025; Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 28/8/2018 về phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030; Quyết định số 3370/QĐ-UBND ngày 16/9/2022 của UBND thành phố về phê duyệt Đề án mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030....

Thúy Nga