Chuyển động

Hà Nội cần 21.000 tỷ đồng để thay gần 1.100 xe buýt xăng bằng xe điện

  • Tác giả : phạm hoa (t/h)
Theo tính toán của GTVT Hà Nội, TP cần đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng để chuyển đổi gần 1.100 xe buýt động cơ xăng, dầu sang xe điện.

Là đơn vị được giao tham mưu, xây dựng kế hoạch sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh trên địa bàn, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, hiện đơn vị đang vận hành 83 tuyến buýt đấu thầu và 1 tuyến buýt BRT đặt hàng với tổng số phương tiện gần 1.100 xe.

Transerco Hà Nội dự toán cần 21.000 tỷ đồng để chuyển đổi toàn bộ số xe buýt chạy xăng, dầu đơn vị đang quản lý sang xe buýt điện.

Transerco dự kiến tổng số phương tiện đủ điều kiện đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện từ năm 2025 là 225 xe, chiếm 21,3% số phương tiện hiện có.

Với 55 tuyến xe buýt (gần 650 xe) còn lại, theo Transerco, ngành GTVT cần xem xét kỹ công suất xe điện có phù hợp cho quãng đường di chuyển hay không. Bởi mỗi xe buýt trên các tuyến này thường chạy từ 260-400 km/ngày. Còn xe buýt điện hiện nay thường chạy từ 250 - 300 km mỗi lần sạc.

Riêng 3 tuyến sử dụng xe buýt nhỏ (23, 84, 99), Transerco đề xuất chưa đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện do thị trường hiện nay chưa có xe buýt điện loại nhỏ.

Về tuyến BRT, Transerco cho biết, xe chạy trên tuyến thuộc tài sản của dự án và thị trường cũng chưa có loại xe buýt nhanh BRT sử dụng điện, nên chưa đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện.

Transerco đề nghị Sở GTVT báo cáo đề xuất UBND TP Hà Nội xem xét cơ chế chuyển xe buýt động cơ xăng, dầu sang tất cả xe chạy bằng điện.

Trước đó, vào tháng 11/2021, UBND TP Hà Nội có văn bản trả lời cử tri quận Cầu Giấy và Hà Đông về kiến nghị xem xét đánh giá hiệu quả của các dự án tuyến buýt nhanh BRT.

Hà Nội cần 21.000 tỷ đồng để thay gần 1.100 xe buýt xăng bằng xe điện ảnh 1Chưa có loại xe buýt nhanh BRT sử dụng điện.

Liên quan đến việc tiếp tục duy trì hay dừng hoạt động của tuyến BRT Yên Nghĩa – Kim Mã, UBND TP Hà Nội cho biết, theo kế hoạch "thành phố tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả làn đường ưu tiên cho xe buýt nhanh BRT, phát huy lợi thế tuyến buýt nhanh làm cơ sở đánh giá, nghiên cứu, đề xuất tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt: Các tuyến đường có nhiều làn xe có số lượng tuyến và lưu lượng xe buýt lớn nghiên cứu bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt, làn đường ưu tiên phải đáp ứng yêu cầu, phù hợp với công tác tổ chức giao thông".

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, Hà Nội nghiên cứu tổ chức 9 làn đường ưu tiên cho xe buýt, gồm: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông); Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt; Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự; Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm; Hoàng Quốc Việt; Trần Duy Hưng; Xã Đàn; Võ Chí Công và tuyến đường Võ Văn Kiệt.

Giai đoạn 2026 đến 2030, Hà Nội sẽ có thêm 5 tuyến đường được nghiên cứu, tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt, gồm: Nhổn - Hồ Tùng Mậu; Ngọc Hồi - Bến xe Thường Tín; Trần Duy Hưng - Hòa Lạc; Mỹ Đình - sân bay Nội Bài; Thường Tín - Phú Xuyên dọc theo quốc lộ 1 cũ.

Về giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông và môi trường của dự án xe buýt nhanh BRT, UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng duy trì và tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm trên hành lang BRT, hạn chế tình trạng phương tiện ô tô, xe cá nhân đi vào làn đường dành riêng cho BRT.

Đồng thời, xây dựng phương án tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy phục vụ hành khách gửi xe trung chuyển sang sử dụng BRT… khắc phục những sự cố liên quan đến nhà chờ, phương tiện BRT để đảm bảo ổn định dịch vụ của tuyến.

Quyết định số 876 của Thủ tướng phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành GTVT, trong lĩnh vực giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45% - 50%.

phạm hoa (t/h)