KINH TẾ

Gỡ nút thắt phát triển điện mặt trời mái nhà, giảm điện than

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Cơ chế giá khuyến khích đã giúp Việt Nam đạt được tổng công suất 1.000MW điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) chỉ trong vòng 2 năm qua. Phát triển ĐMTMN tại Việt Nam vẫn còn tiềm năng rất lớn, nhưng vẫn cần nhiều cơ chế tháo gỡ, khuyến khích để có thể bứt phá.
Điện áp mái đang thu hút sự quan tâm của nhiều hộ dân.

Điện áp mái đang thu hút sự quan tâm của nhiều hộ dân. 

Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và các đối tác vừa tổ chức Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2020 tại Hà Nội. Trong khuôn khổ sự kiện, tọa đàm "Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ" đã thu hút sự chú ý của giới khoa học và người dân. Tọa đàm đã đề cập đến những vướng mắc trong phát triển ĐMTMN, đặc biệt khi nhiều hộ gia đình đang  quan tâm vì  phí tiền điện ngày lớn.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến ngày 23/8, toàn quốc có tổng 45.299 dự án điện mặt trời áp mái đã đi vào vận hành, công suất 1.029MWp, sản lượng đạt khoảng 500.692MWh, giảm phát thải khoảng 457.132 tấn khí CO2 (tương đương 77.257 TOE).

Mặc dù EVN đã mua lại ĐMTMN theo quy định, song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khiến loại hình phát điện này chưa thể phát triển. Theo ông Nguyên, việc tuyên truyền, quảng bá về phát triển ĐMTMN còn hạn chế. Khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, lắp đặt, vận hành, bảo hành thiết bị.

Chi phí thiết bị và lắp đặt ĐMTMN vẫn còn cao, chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thiết bị. Hiện cũng chưa có quy định về việc xin giấy phép xây dựng, về tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt. Nhà đầu tư phát triển dự án chỉ tập trung tại một khu vực, dẫn tới khả năng đấu nối và giải tỏa công suất hệ thống bị hạn chế.

Theo thống kê của EVN, từ tháng 6/2020, cả nước đã đạt được trên 700MWp công suất ĐMTMN và trong tháng 8 đã vượt đích 1.000MWp công suất ĐMTMN đã lắp đặt. Trong đó, có hơn 42.000 dự án là hộ gia đình lắp đặt ĐMTMN. Riêng hộ gia đình đã chiếm tới 93% trong tổng số 45.000 dự án ĐMTMN đã được EVN, các đơn vị điện lực thanh toán tiền điện.

Tuy nhiên, theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), người dân và nhà đầu tư chưa thực sự vào cuộc đầu tư ĐMTMN bởi chính sách hỗ trợ quá ngắn, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm, chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn, cần tháo gỡ chính sách, tài chính...

Về chi phí, giá thiết bị ĐMTMN trong 2 năm gần đây đã giảm đáng kể. Dù vậy, với vật tư thiết bị chất lượng cao, 1kWp công suất của hệ thống ĐMTMN có thể phải đầu tư từ 15 - 20 triệu đồng. Vẫn còn cao so với thu nhập bình quân của người Việt Nam, đặc biệt là với hộ gia đình đang có thu nhập thấp đến trung bình. Như vậy cũng đòi hỏi giải pháp thu xếp tài chính, hỗ trợ cho hộ gia đình có thu nhập thấp và muốn sử dụng năng lượng xanh để được đầu tư.

Bên cạnh đó, quy định thế nào là "áp mái" lại chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều nhà đầu tư dùng các hình thức "núp bóng" điện mặt trời mái nhà gây nhiều vướng mắc. Đã có nhiều tranh chấp, kiến nghị về quy chế hòa lưới, thủ tục giấy tờ, quy trình hoàn thiện hồ sơ hòa lưới ĐMTMN...

Theo bà Ngụy Thị Khanh, cơ chế giá khuyến khích đã giúp Việt Nam đạt được 1.000MW cho ĐMTMN chỉ trong vòng 2 năm qua. Hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối… Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được khoảng 5.000 - 6.000MW ĐMTMN theo quy mô hộ gia đình nếu có chính sách, cơ chế khuyến khích, phù hợp.

Gỡ thế nào?

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, mỗi kWp (kilowatt-peak) công suất của ĐMTMN có thể tạo ra 1.200 - 1.500kWh/năm. Với giá khuyến khích Chính phủ ban hành thì có thể tạo ra khoảng 15 triệu đồng/kWp. Chỉ riêng ở Đà Nẵng và TPHCM, tiềm năng công suất để lắp đặt phát triển ĐMTMN có thể lên tới 7.000MW công suất.

EVN ước tính, chỉ cần khoảng 2 triệu nóc nhà ở Việt Nam lắp ĐMTMN, với công suất 10KW mỗi mái nhà sẽ giúp giảm tương ứng 16 triệu tấn than mỗi năm do dùng nhiệt điện than. Chưa kể lợi ích kinh tế trực tiếp cho người lắp. Tiềm năng phát triển ĐMTMN rất tốt, nhưng khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, lắp đặt, vận hành, bảo hành thiết bị.

Ông Nguyễn Anh Dũng, cán bộ dự án của Dự án Năng lượng tái tạo và Tiết kiệm năng lượng tại GIZ Việt Nam cho rằng, cần phải nâng cao tỉ lệ nội địa hóa để đưa ra sản phẩm dịch vụ, công nghệ của Việt Nam với giá hấp dẫn hơn. Hiện nay chúng ta đang dùng cơ chế giá ưu đãi FIT để thúc đẩy phát triển ĐMTMN, nhưng cũng nên có cơ chế giá FIT ưu đãi hơn cho sản phẩm sản xuất từ Việt Nam để tăng nội địa hóa.

ThS Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh tại buổi tọa đàm: "Cơ hội chính sách và đầu tư cho ĐMTMN ở Việt Nam là rất lớn, đây chính là cơ hội cho thị trường bán lẻ và thị trường bán buôn điện ở Việt Nam... Do đó, cần phải sử dụng chính sách giá, chính sách thuế và chính sách tín dụng một cách linh hoạt để phát triển ĐMTMN bền vững".

Theo ông Hòe, với việc ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, ĐMTMN được hưởng mức giá FIT cao nhất trong 3 loại hình đầu tư điện mặt trời là 1.943đ/kWh (tương đương 8,38 Uscents/kWh). Chắc chắn đầu tư ĐMTMN sẽ bùng nổ trong giai đoạn tới cuối năm 2020.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần quan tâm nhiều hơn đến cơ chế đấu thầu các dự án điện năng lượng tái tạo nối lưới; cơ chế xã hội hoá đầu tư lưới điện truyền tải; các vấn đề liên quan đến quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật lắp đặt, an toàn của sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời mái nhà… Chỉ khi có một hệ thống đồng bộ hoàn chỉnh về quy trình, từ cơ chế, chính sách đến hệ thống truyền tải, nối lưới, dịch vụ... ĐMTMN mới có thể thu hút người dân đầu tư mạnh mẽ.

Tuyết Vân