Dữ liệu y khoa

Giáo sư mách cách cứu người bỗng nhiên "ngất xỉu"

  • Tác giả : PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội đã chia sẻ cách cứu bệnh nhân bỗng nhiên  "ngất xỉu" do cường phế vị: tim đập chậm lại, vã mồ hôi, huyết áp tụt, chân tay lạnh ngắt…

Cường phế vị hay phản xạ thần kinh phế vị là một hội chứng lâm sàng hay gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tiếng Anh gọi là Vasovagal. Đây là phản ứng giãn mạch quá mức gây tim đập chậm lại, vã mồ hôi, huyết áp tụt, chân tay lạnh ngắt. Các dấu hiệu khác đi kèm có thể là đau bụng, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt.

Nếu xử lý đúng cách, cơ thể sẽ phục hồi rất nhanh trở lại trạng thái bình thường nhưng nếu không biết cách, để muộn và không có người trợ giúp có thể trở nên nguy hiểm. Huyết áp tụt thấp kéo dài sẽ giảm ý thức, nhịp tim chậm quá có thể gây xoắn đỉnh, rung thất, ngừng tuần hoàn.

Nguyên nhân của cường phế vị có nhiều nhưng hay gặp nhất là đau kèm theo sợ, đặc biệt trong bệnh viện khi bắt đầu làm thủ thuật, nhìn thấy máu…, hay bị đập mạnh vào vùng bụng trong sinh hoạt hàng ngày. Thay đổi tư thế, nhiệt độ đột ngột, đói bụng hay quá no cũng là những yếu tố thuận lợi dẫn đến cường phế vị. Cơ địa hay lo lắng, xúc động, hay “khóc nhè” là những đối tượng dễ bị cường phế vị….

Kê chân cao cho người bị cường phế vị

Kê chân cao cho người bị cường phế vị

Các nhân viên y tế với phương tiện đầy đủ, việc cấp cứu cường phế vị tương đối đơn giản. Atropin là thuốc “đầu tay” khi xử trí và cũng là thuốc có thể dùng trước các thủ thuật để phòng cường phế vị. Truyền dịch tốc độ nhanh đảm bảo khối lượng tuần hoàn trong 2-3 phút cơn cường phế vị sẽ mất đi. Rất hãn hữu mới cần các thuốc vận mạch catecholamine (Dobutamin, Dopamin, Noadrenalin…)….

Khó nhất đó là cấp cứu cường phế vị trong cộng đồng khi không có phương tiện trong tay. Chắc do số, tôi gặp khá nhiều trường hợp như vậy trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là 3 lần cấp cứu trên máy bay dân dụng khi được phi hành đoàn gọi loa đề nghị trợ giúp y tế.

Việc đầu tiên phải bắt mạch, nếu mạch còn cần hỏi ý thức bệnh nhân, đau ngực hay không, các dấu hiệu thuận lợi bị cường phế vị như đã liệt kê, đặc biệt trong máy bay là ngồi lâu đứng dậy đột ngột, đói quá, đau bụng đi ngoài…

2 triệu chứng gợi ý nôn và vã mồ hôi rất hay gặp nhưng cần lưu ý có thể cũng là triệu chứng của nhồi máu cơ tim. Tuy vậy kể cả nhồi máu cơ tim hay đột quỵ trong tay chưa có thuốc chuyên dụng chúng ta cần làm động tác khá đơn giản nhưng rất hiệu quả để cấp cứu cường phế vị, nhịp chậm tụt áp đó là để đầu người bệnh thấp xuống, nâng chân thật cao. Theo dõi sát mạch nếu mạch nhanh lên và nẩy mạnh hơn là các bạn đã thành công.

Y học cổ truyền lúc này phát huy giá trị bằng cách bấm các huyệt thông thường như hợp cốc và nhân trung, khoảng 2-3 phút mọi chuyện sẽ ổn thoả nếu đúng là cường phế vị. Cho bệnh nhân uống nhiều nước ấm, không nên dùng cà phê, chè đặc, rượu .. có thể pha nước gừng nóng có đường theo dân gian …

Dù không phải nhân viên y tế, theo tôi ai cũng nên học cách bắt mạch và nâng chân khi có người ngất xỉu nghi do cường phế vị.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu