Thời sự

“Giãn cách xã hội” theo 4 cấp độ dịch trong tình hình mới

  • Tác giả : An Quý
Ngày 12/10, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, Chính phủ đã ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Hoạt động ở 4 cấp độ dịch

Theo đó, Chính phủ quy định phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp. Cụ thể cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Tiêu chí đánh giá cấp độ dịch sẽ dựa trên: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ văcxin (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ quyết định chuyển đổi cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch, phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cách ly y tế vùng (phong tỏa ổ dịch) nhanh nhất, ở phạm vi hẹp nhất có thể và triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, tiếp cận dịch vụ y tế để người dân yên tâm tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

dich-vu-an-uong.jpg
Nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống, bán hàng rong, vé số dạo, thể dục, thể thao… cũng sẽ được mở cửa rộng rãi. 

Ở cấp độ 1: các hoạt động, dịch vụ được phép hoạt động gồm: cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối.

Bên cạnh đó, nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống; hoạt động bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp; hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao… cũng được mở cửa rộng rãi. 

nghi-quyet-2.jpg
Các hoạt động xã hội và sinh hoạt theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, Chính phủ đã ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Ở cấp độ 2, các hoạt động ngoài trời; vận tải công cộng cùng hoạt động bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, rạp chiếu phim… sẽ được tổ chức hoặc hoạt động nhưng hạn chế hoặc có điều kiện.

Vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc… sẽ ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế.

Ở cấp độ 3 các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời sẽ không tổ chức hoặc tổ chức hạn chế, có điều kiện; vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa; hoạt động bán hàng rong, vé số… ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế, có điều kiện.

nguoi-ban-ve-so-giua-mua-covid.jpg
Những người bán hàng rong, vé số dạo chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong dịch bệnh Covid-19

Hoạt động giáo dục hoặc đào tạo trực tiếp; cơ quan, công sở; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch, rạp chiếu phim… sẽ hoạt động hạn chế.

Khi dịch ở ấp độ 4, hầu hết hoạt động, dịch vụ sẽ dừng tổ chức/ hoạt động hoặc hoạt động hạn chế. Riêng lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoạt liên tỉnh; cơ sở sản xuất và đơn vị thi công dự án, công trình giao thông, xây dựng được phép hoạt động.

Khi đó từng địa phương sẽ quyết định hoạt động của các cơ sở kinh doanh hay các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp và các cơ sở khác... 

Không gây ách tắc lưu thông và đời sống sinh hoạt

Chính phủ đã quyết định đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới, không để tình trạng cục bộ, cát cứ. Và thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trên mức cần thiết, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

chich-ngua-vacxin.jpg
Cách lý, xét nghiệm là then chốt; văcxin và thuốc điều trị là tiên quyết

Chính phủ yêu cầu mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người... và có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể. Qua đó, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.

Đồng thời đảm bảo sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở. 

cat-toc-1.jpg
Chính phủ vừa yêu cầu đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; y tế là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng quân đội, công an... nhưng phải huy động sự tham gia của tất cả các lực lượng, tầng lớp trong xã hội.

Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn.

Cách ly, xét nghiệm là then chốt; văcxin và thuốc điều trị là tiên quyết

Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vắcxin, theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then chốt, văcxin và thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.

Tuy nhiên, việc bao phủ văcxin ngừa Covid-19, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Do vậy, đã có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh, từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.

nha-tho-duc-ba.jpg
Dù dịch ở cấp độ cao nhất, cấp độ 4, cơ sở sản xuất và đơn vị thi công dự án, công trình giao thông, xây dựng được phép hoạt động. Ảnh: Nhà thờ Đức Bà (Quận 1, TPHCM) ngày 2/10/2021. 

Đối với Việt Nam, một số kinh nghiệm đã bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên; diện bao phủ văcxin ngừa Covid-19, nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng, chống dịch.

Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.”

Tạm thời không áp dụng các quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ và các Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

An Quý