KINH TẾ

Giá vật liệu xây dựng tăng “sốc”: Nhà thầu “choáng”, chủ đầu tư lao đao

  • Tác giả : Hữu Thông
Thời điểm hiện nay, khi nguyên vật liệu xây dựng đều tăng từ 25 - 50%, các nhà thầu phải thương lượng với chủ đầu tư về tình hình biến động giá, mong điều chỉnh lại hợp đồng.

Nhà thầu “choáng váng”

Những ngày qua, các loại vật liệu xây dựng tăng giá liên tục khiến nhà thầu, đơn vị thi công "choáng".

Tại TPHCM, các sản phẩm như xi măng tăng khoảng 18%, gạch xây dựng tăng khoảng 10%, gạch ốp trang trí tăng 10 - 15%, giá cát tăng 10.000đ/m3 so với đầu năm.

Không chỉ các loại vật tư xây dựng tăng giá mà giá các mặt hàng trang trí nội thất nhà cửa tại TPHCM cũng tăng theo.

Mặt hàng gạch men tăng khoảng 50.000đ so với tháng trước, lên 250.000đ/m2; tấm nhựa giả gỗ lót sàn tăng 45.000đ/m2, lên 185.000đ/m2; sàn gỗ công nghiệp tăng 50.000đ/m2, lên 350.000đ/m2...

Anh Trần Đoàn (chủ một cửa hàng chuyên bán vật liệu xây dựng tại TP.Thủ Đức) báo giá xi măng Xuân Thành PCB4 là 80.000đ/bao 50kg. Giá xi măng Hà Tiên 1 là giá 95.000đ/bao 50kg. Mức giá này đã tăng 5.000đ/bao so với trước đây.

Theo chủ cửa hàng, sở dĩ giá xi măng tăng là vì Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) đã thông báo sẽ tăng giá bán 100.000đ/tấn từ ngày 23/3 đối với các loại xi măng bao (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Tương tự, Công ty xi măng Xuân Thành cũng thông báo điều chỉnh tăng giá bán 100.000đ/tấn đối với sản phẩm xi măng bao và xi măng rời (đã gồm thuế giá trị gia tăng) kể từ ngày 20/3.

Ông Lương Hữu Hải, Giám đốc nhóm Công ty xây dựng Thanh Bình – Amy Maya cho biết, nhiều công trình phải tạm ngừng xây dựng do mỗi lần giá nguyên vật liệu tăng là một lần phải điều chỉnh giá trị công trình. Công ty lúc nào cũng làm việc trên tinh thần giảm lỗ, không có lợi nhuận.

“Vừa qua Tết, giá nhân công, vật tư biến động mạnh, tăng khoảng 10 - 15%. Khi mà có biến động về giá xăng dầu thì biểu đồ tăng giá không còn chập chờn nữa mà lên thẳng 50%. Tổng giá trị công trình đang là 1 tỷ đồng thì sẽ tăng thêm 1,25 tỷ đồng. Từ đó khách hàng sẽ mất thêm 25% tổng giá trị công trình dẫn đến việc khách hàng đắn đo có tiếp tục làm hay không”, anh Hải chia sẻ.

Cũng theo ông Hải, trong một năm qua, công ty của ông thua lỗ 12 tỷ đồng, phải bán tài sản để chi trả. Giá nguyên vật liệu mỗi ngày một tăng mạnh hơn khiến chúng tôi phải từ chối nhận nhiều công trình vì càng nhận nhiều công trình càng lỗ nặng.

anh-1.png
Các loại vật liệu xây dựng tăng giá liên tục khiến nhà thầu, đơn vị thi công "choáng".

Chi phí xây nhà đội giá

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho biết, giá nguyên vật liệu tăng là một vấn đề lớn trên thị trường hiện tại. Đây là một trong 5 loại chi phí tác động đến giá của một sản phẩm bất động sản, trong đó riêng chi phí sắt thép chiếm 15 - 20%, còn lại là chi phí đất, xây dựng, quản lý và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Hiện tại, do giá xăng tăng, thị trường lạm phát giá khiến chi phí nhân công, giá nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng, gộp các yếu tố trên lại thì chi phí xây dựng chắc chắn sẽ phải tăng lên.

"Việc tăng chi phí như vậy buộc chủ đầu tư phải chia sẻ với nhà thầu. Mà chủ đầu tư muốn chia sẻ thì phải bán được sản phẩm với giá cao, có nghĩa là khách hàng cũng chia sẻ với chủ đầu tư. Tức là 3 chủ đầu tư - nhà thầu - khách hàng phải chia sẻ với nhau. Với sự chia sẻ này thì mới đảm bảo được mặt bằng giá tương đối ổn định, còn nếu không bắt buộc giá thành sản phẩm phải tăng lên", ông Phúc cho hay.

Theo ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM, mỗi công trình, dự án, chi phí vật liệu chiếm từ 70 - 80% giá thành. Khi giá tăng lên như vậy thì bắt buộc các nhà thầu phải tăng giá. Tuy nhiên, khi hợp đồng đã ký, mọi thứ sẽ khó khăn khi các chủ đầu tư yêu cầu các doanh nghiệp thi công phải tuân theo giá cũ.

Nếu tăng giá, nhà đầu tư cũng đứng trước nguy cơ lỗ nặng khi biên độ lợi nhuận trong ngành xây dựng hiện nay khá thấp. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ nhà thầu không thể tiếp tục thi công, ảnh hưởng lớn đến tiến độ.

Đối với các tập đoàn lớn như VinGroup, Novaland, Nam Long… thì đều có những chính sách để điều tiết lại với nhà thầu xây dựng. Mặc dù vậy, giải pháp này khá bị động và chỉ mang tính tạm thời.

 “Khi chi phí công trình tăng sẽ khiến doanh nghiệp rất bị động, nhất là đối với các doanh nghiệp xây dựng, các chủ đầu tư kinh doanh của các dự án bất động sản. Hoặc là các công trình xây dựng về cơ sở hạ tầng của nhà nước đều bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng”.

Ông Đinh Hồng Kỳ (Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM)

Hữu Thông