KINH TẾ

Giá trị ngành F&B ở Việt Nam sắp đạt tới 700 triệu USD

  • Tác giả : Phạm Huy
Người Việt dành đến 35% chi tiêu hàng tháng cho ăn uống,chuyên gia dự báo quy mô thị trường ngành F&B tại Việt Nam sẽ đạt 678 triệu USD, với tổng số người tiêu dùng đạt 17,1 triệu người năm 2025

F&B là viết tắt của Food and Beverage, được biết đến là loại hình dịch vụ ẩm thực trong nhà hàng, khách sạn, khu du lịch và quầy ăn uống.Sự phát triển của xã hội khiến nhu cầu dịch vụ của khách hàng cũng từ đó mà nâng cao hơn. Ngày nay, việc tổ chức các bữa tiệc sang trọng trong những khách sạn lớn quá quen thuộc với chúng ta. Bởi vì hoạt động này mang lại cho khách sạn nguồn thu nhập rất lớn, nên phát triển dịch vụ F&B đúng hướng trở thành chiến lược kinh doanh quan trọng, giúp gia tăng đáng kể doanh thu.

Ở Việt Nam thị trường F&B phát triển mạnh, người Việt dành đến 35% chi tiêu hàng tháng cho ăn uống.Quy mô thị trường ngành F&B tại Việt Nam sẽ đạt 678 triệu USD, với tổng số người tiêu dùng đạt 17,1 triệu người vào năm 2025.Thị trường bán lẻ sẽ đạt 82,7 tỷ USD trong giai đoạn 2022 – 2026.

Sau đại dịch Covid-19 nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ,dự đoán sẽ tăng trưởng 8,65% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2026 (theo Mordor Intelligence). Chi tiêu cho F&B hiện đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng, ở mức 35%.

Người Việt dành đến 35% chi tiêu hàng tháng cho ăn uống

Người Việt dành đến 35% chi tiêu hàng tháng cho ăn uống

Mặt khác, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể cục diện ngành F&B theo hướng chuyển đổi kỹ thuật số. Kể từ đầu năm 2022, ngành F&B đã phát triển mạnh mẽ, ghi nhận mức tăng trưởng hai con số ngay trong quý đầu tiên.

Các doanh nghiệp F&B đã tìm đến công nghệ như một giải pháp cho mối quan tâm thường trực về tăng trưởng doanh thu và thu hút khách hàng mới trong thời kỳ đại dịch.Theo một khảo sát tại Việt Nam, 75% người được hỏi đã sử dụng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến và 24% là người dùng lần đầu do ảnh hưởng của Covid-19

Một số thương hiệu nổi tiếng như the Coffee House, Yen Sushi, Starbucks... đã thành lập cửa hàng trực tuyến của riêng mình để thích ứng với tình hình dịch Covid-19 và tăng trải nghiệm cho khách hàng. Ngoài ra, các công ty F&B cũng hợp tác với các công ty gọi xe như Baemin, Grab và Shopee Food để duy trì hoạt động.

Đại diện Baemin Việt Nam trong lần chia sẻ gần đây đã đánh giá, nền tảng công nghệ đã hỗ trợ doanh nghiệp ngành F&B dễ dàng tiếp cận khách hàng tiềm năng, giảm chi phí cố định và khai thác nhiều cơ hội chưa được khai thác. Với sự hỗ trợ của công nghệ, thời gian phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp F&B cũng được dự báo khả quan: với 47% doanh nghiệp ước tính sẽ phục hồi trong 6 tháng, 33% doanh nghiệp từ 7-12 tháng và 13% sau hơn 12 tháng.

Phạm Huy