Tài chính số

Gần 2.000 tỷ cổ phiếu ế ẩm và lợi nhuận khủng từ màn dọn nợ thần tốc của KienlongBank

  • Tác giả : Thiên Ân
Trong giải trình biến động lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2021, KienlongBank cho biết, lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả quý tăng 1.051% so với quý 1/2020 do đã xử lý được khối nợ xấu gần 2.000 tỷ đồng nhóm 5.

“Của nợ” cổ phiếu STB tại KienlongBank

Hai năm 2019, 2020 đã diễn ra khá căng thẳng với KienlongBank, khi nợ xấu nhóm 5 (nợ xấu có khả năng mất vốn) liên tục tăng theo cấp số nhân. Từ 341,8 tỷ đồng cuối năm 2019, lên 2.240,1 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 3/2020 (tương đương mức tăng hơn 555%), kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng gấp 6 lần, ở mức 6,62%.

Hết năm 2020, nợ xấu điều chỉnh nhẹ xuống còn 1.781,6 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng gấp hơn 7 lần so với đầu năm.

Giải trình báo cáo tài chính năm 2020, KienlongBank cho biết, trong số dư nợ có khả năng mất vốn tại ngày 31/12/2020, có 1.528, 9 tỷ đồng là các khoản cho vay một nhóm khách hàng, với tài sản bảo đảm là cổ phiếu của một ngân hàng khác.

Ngân hàng đã phân loại nợ các khoản vay này là nợ Nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn.

Được biết, tài sản đảm bảo này là hơn 176 triệu cổ phiếu STB (của ngân hàng Sacombank). KienlongBank đã nhiều lần rao bán lô cổ phiếu này để xử lý nợ, nhưng không thành công.

ngan-hang-kienlongbank.jpg
Chủ tịch HĐQT hiện nay của ngân hàng KienlongBank là bà Trần Thị Thu Hẳng và chỉ mới sinh năm 1985

Từ 20/1 - 15/2/2020, KienlongBank đăng ký bán 176.373.887 cổ phiếu STB (chiếm 9,36% vốn điều lệ của Sacombank) với giá 24.000đ/cổ phiếu. Nhưng không có nhà đầu tư nào mua. Vì giá cổ phiếu STB giai đoạn này trên sàn chứng khoán chỉ dao dộng quanh mức 10.000đ/cổ phiếu.

Sau đó, giá cổ phiếu STB có lúc chỉ còn 9.100đ/cổ phiếu, nhưng KienlongBank vẫn tiếp tục chào bán với giá 21.600đ/cổ phiếu. Đương nhiên sẽ không có nhà đầu tư mặn mà với mức giá chào bán này.

Đến quý 4/2020, KienlongBank mới bán được một phần nhỏ trong số cổ phiếu trên, giúp giảm được 369 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn. Từ đó ghi nhận hoàn nhập dự phòng và thoát lỗ trong quý cuối cùng của năm.

Tuy nhiên, nghi vấn đặt ra, đây có thể chỉ là thương vụ bán “kỹ thuật”, để tránh cho ngân hàng kết cục lỗ cả năm hoạt động.

Dù có tăng hơn năm 2019, nhưng hết năm 2020, KienlongBank cũng chỉ đạt 126 tỷ đồng lợi nhuận, với phần lớn là lãi cơ bản trên cổ phiếu.

Tuy nhiên, sang năm 2021, một loạt động thái đã “giúp” KienlongBank xử lý ngoạn mục số nợ có khả năng mất vốn hàng nghìn tỷ đồng tồn đọng nhiều năm.

Cú áp phe siêu lợi nhuận

Ngày 20/4/2021, KienlongBank có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội giải trình biến động lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2021.

Cụ thể, ngân hàng cho biết, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2021 tăng 479 tỷ đồng, tương đương tăng 1.051,45% so với quý 1/2020. Chủ yếu do tổng thu nhập tăng 613 tỷ đồng, tương đương tăng 159,88%, tổng chi phí giảm 32 tỷ đồng, tương đương giảm 9,8%.

Quý 1/2021, ngân hàng đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm. Và hoàn thành thu hồi nợ gốc, lãi của các khoản cho vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Sacombank theo phương án cơ cấu lại KienlongBank gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt.

Tới thời điểm 31/3/2021, tỷ lệ nợ xấu của KienlongBank là 1,19%, giảm 3,22% so với thời điểm ngày 31/3/2020. Lãi phải thu từ hoạt động tín dụng của KienlongBank là 508 tỷ đồng.

Như vậy, KienlongBank đã xử lý khối nợ xấu nhóm 5 gần 2.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 quý, không phải chật vật như các năm trước đó.

kienlongbank.jpg
Báo cáo tài chính của ngân hàng KienlongBank.

Không những thế, việc xử lý được khối tài sản đảm bảo này còn giúp ngân hàng lãi lớn. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2021 của KienlongBank tăng 1.051,45%.

Trong 2 ngày cuối tháng 3/2021 và ngày mùng 1/4/2021, cổ phiếu STB (Sacombank) gây chú ý đặc biệt, không chỉ ở giá leo lên đỉnh cao nhất kể từ năm 2007, mà còn ở những phiên khớp lệnh và thỏa thuận "khủng".

Trong phiên 30/3, STB tăng trần với gần 100 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, trị giá xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Đây là phiên có khối lượng giao dịch lớn nhất của cổ phiếu này trong suốt 14 năm qua.

Nhấn mạnh, trong phiên 30/3 này, giá cổ phiếu STB cũng vượt ngưỡng 20.000đ.

Sang ngày 31/3, cổ phiếu STB tiếp tục tăng giá, với giao dịch cũng rất lớn, lên tới hơn 56 triệu đơn vị được khớp lệnh. Ngày 1/4, STB của Sacombank tăng lên 21.600đ, với hơn 33 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Tại thời điểm đó, đây là giá cao nhất trong 14 năm của cổ phiếu STB và cũng khá gần vùng giá kỳ vọng mà KienlongBank đặt ra khi xử lý khối nợ xấu nhóm 5 có tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB.

Cổ phiếu STB không chỉ được mua khối lượng lớn trên sàn, mà cũng được giao dịch thỏa thuận với khối lượng rất lớn. Phiên 24/3/2021 có tới hơn 45,2 triệu cổ phiếu STB được trao tay, trị giá hơn 901 tỷ đồng.

Phiên 22/3, 17/3 và 10/3 cũng có hơn chục triệu cổ phiếu mỗi phiên được sang tay, trị giá trên dưới 300 tỷ đồng.

Như vậy, riêng tháng 3, tổng cộng các phiên giao dịch thỏa thuận cổ phiếu STB đạt gần 100 triệu đơn vị.

Những diễn biến bất thường trên của STB không khỏi dẫn tới liên tưởng về việc KienlongBank bán 176 triệu cổ phiếu STB để xử lý tài sản đảm bảo.

Quay lại vào thời điểm tháng 1/2021, tại đại hội cổ đông bất thường, Tổng Giám đốc KienlongBank Trần Tuấn Anh cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu hoàn thành việc bán toàn bộ cổ phiếu STB còn lại và tất toán nợ vay có liên quan chậm nhất là ngày 31/3/2021.

Như vậy, có thể thấy KienlongBank đã lên sẵn kế hoạch cho việc bán và biết trước sẽ bán thành công lô cổ phiếu STB này trong vùng giá định sẵn.

Tuy nhiên, dường như KienlongBank đã hớ nặng trong thương vụ xử lý lô cổ phiếu STB. Nhận xét vậy bởi lẽ, cho đến những ngày cuối năm 2021, cùng với đà tăng của thị trường chúng khoán, giá cổ phiếu STB đã vượt ngưỡng 30.000đ/cổ phiếu. Tức là vượt tới gần 10.000đ/cổ phiếu STB so với mức giá mà KienlongBank đã bán hồi đầu năm.

Do thế, vấn đề sẽ rất giản dị nếu đặt một giả định, rằng những cổ đông mới tại KienlongBank đã lập kế hoạch để ngân hàng bán cổ phiếu này và chính họ mua lại. Qua đó dọn được khối nợ xấu đang cản đà tăng trưởng của ngân hàng.

Lợi ích tăng giá chủ chốt đối với cổ phiếu STB, thì đương nhiên những người mua sẽ hưởng.

Lưu ý là, với hơn 176 triệu cổ phiếu STB đã bán và chênh lệch giá đầu năm – cuối năm đã lên tới hơn 10.000đ/cổ phiếu, lợi nhuận ròng người mua thu được từ lô cổ phiếu này cũng đã vượt 1.760 tỷ đồng. Tức là gần bằng giá trị lô nợ xấu mà KienlongBank đã chóng vánh dọn xong đúng kế hoạch chỉ trong một tháng.

Thế thì ai là người mua “hàng ế” cổ phiếu STB tại KienlongBank, để hưởng lợi ngay trong sự bẽ bàng của các cổ đông ngân hàng này?

Ngày 27/10/1995, Ngân hàng Kiên Long (KienlongBank) chính thức đi vào hoạt động. Ngân hàng có một công ty con là Công ty TNHH Một thành viên Quản lý nợ và Khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Kiên Long.

Mạng lưới hoạt động (tính đến hết ngày 31/10/2021) gồm có: Hội sở và 134 chi nhánh, phòng Giao dịch trên toàn quốc. Tính đến ngày 31/10/2021, vốn điều lệ của KienlongBank là 3.652.818.780.000đ.

Hoạt động chính: Huy động vốn ngắn, trung và dài hạn theo các hình thức tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán, chứng chỉ tiền gửi, Cấp tín dụng dưới hình thức cho vay, bảo lãnh, bao thanh toán, chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá. Cung ứng các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, kinh doanh ngoại hối và dịch vụ ngân hàng khác.

Thiên Ân