Dữ liệu y khoa

Dưỡng thận mùa Đông tăng cường sức khỏe

  • Tác giả : BS Khánh Hoàng
Dưỡng thận vào mùa đông là quan điểm truyền thống của Đông y trong việc dưỡng sinh đảm bảo sức khoẻ và phòng chống một số bệnh phát sinh.

Danh y Trương Cảnh Nhạc đã chỉ ra rằng: “Dĩ đông hàn chi khí dĩ dưỡng thận” có nghĩa là thận thuộc hành thuỷ trong ngũ hành, khi thời tiết chuyển sang lạnh, cơ thể con người thường phát sinh các bệnh về thận.

Theo quan điểm của Đông y, thận có 2 chức năng chính: thúc đẩy sự sinh trưởng, phát dục và sinh sản của cơ thể, hay còn được gọi là “thận chủ tàng tinh” và điều tiết hoạt động trao đổi chất và sinh lý trong cơ thể, chức năng này được thực hiện thông qua thận âm và thận dương. Chức năng chủ yếu của thận dương là thúc đẩy quá trình cung cấp nhiệt, vận động, hưng phấn và hoá khí của cơ thể. Thận âm có tác dụng giữ ẩm và dưỡng ẩm cho cơ thể.

Thực phẩm tốt cho thận

Thực phẩm tốt cho thận

Những thực phẩm tốt cho thận vào mùa đông

Thịt vịt: Sách “Tùy tức cư ẩm thực phổ” viết rằng: thịt vịt có khả năng “tư ngũ tạng chi âm, thanh hư lao chi nhiệt, dưỡng vị sinh tân bổ thận” (bổ phần âm của năm tạng, thanh hư nhiệt, bổ vị và thận, làm tăng tân dịch). Dân gian thường coi thịt vịt trắng là bổ âm tốt nhất.

Thịt lợn: Tính bình, vị ngọt mặn, có công dụng tư âm và nhuận táo. Danh y đời Thanh (Trung Quốc), Vương Mạnh Anh viết: “Trư nhục bổ thận dịch, sung vị chấp, tư can âm, nhuận cơ phu, chỉ tiêu khát” (thịt lơn bổ thận, vị và can âm, làm nhuận da thịt, hết đái đường).

Trứng gà: Tính bình, vị ngọt, không những có công dụng ích khí dưỡng huyết mà bất luận lòng trắng hay lòng đỏ cũng đều có khả năng tư âm nhuận táo. Dân gian Trung quốc thường nấu trứng gà với đậu đen hoặc đậu tương để bổ thận tư âm.

Sữa bò: Tính bình, vị ngọt, rất giàu chất dinh dưỡng, có công dụng tư âm dưỡng dịch, sinh tân nhuận táo. Các y gia đời xưa thường gọi công dụng tư âm của sữa bò với nhiều cách khác nhau như “nhuận cơ chỉ khát”, “nhuận bì phu”, “nhuận đại tràng”, “tư nhuận ngũ tạng”, “tư nhuận bổ dịch”.

Ba ba: Tính bình, vị ngọt, có công dụng tư âm bổ thận, lương huyết, là loại thực phẩm thanh bổ tuyệt vời cho người bị âm hư.

Trai: Chứa rất nhiều đạm và vitamin, có công dụng tư âm bổ thận, thanh nhiệt, làm sáng mắt. Đây là một trong những thực phẩm lý tưởng cho người mắc chứng âm hư.

Mực: Tính bình, vị mặn, có công dụng bổ huyết tư âm, dưỡng thận, rất có lợi cho những người mắc các chứng bệnh thuộc thể can thận âm hư.

Tang thầm: Là quả dâu chín, tính lạnh, vị ngọt, có công dụng tư âm bổ huyết, ích thận. Sách “Bản thảo cầu tân” viết: “Tang thầm ích âm khí, ích âm huyết. Quả dâu chín rất có lợi cho người mắc chứng thận âm hư gây tai ù, tai điếc, tiêu khát (đái đường).

Kỷ tử: Tính bình vị ngọt, có công dụng tư âm bổ thận ích thọ, là thứ quả cực kỳ hữu ích cho những người mắc chứng thận âm hư gây đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, lưng gối đau mỏi..., đặc biệt tốt để trị liệu lao phổi, đái đường, hư lao...

Tổ yến: Tính bình, vị ngọt có công dụng bổ thận dưỡng âm, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp như lao phổi, giãn phế quản, viêm phế quản mạn tính...thuộc thể phế thận âm hư.

Ngân nhĩ: Còn gọi là mộc nhĩ trắng, tính bình, vị đạm ngọt, có công dụng tư âm dưỡng vị, sinh tân nhuận táo. Ngân nhĩ rất giàu chất dinh dưỡng, trong đó có nhiều vitamin và 17 loại acid amin cần thiết cho cơ thể, rất có lợi cho những người thể chất âm hư hoặc mắc các chứng bệnh thuộc thể âm hư.

BS Khánh Hoàng (Hội Đông Y Việt Nam)

BS Khánh Hoàng