Khoa học & Công nghệ

Dùng cốt liệu tái chế để làm bê tông

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Xu hướng trong tương lai, ngành bê tông sẽ phải dùng đến 60% cốt liệu tái chế thay thế sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên như hiện nay.

Hạn chế tác động đến môi trường

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2019, Việt Nam sử dụng khoảng 140 triệu tấn m3 bê tông,  sản lượng xi măng đã tăng từ 17 triệu tấn/năm lên 98 triệu tấn/năm. Trong điều kiện Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bê tông (con người, tài nguyên, công nghệ, thị trường), thì yếu tố công nghệ cần phải được chú trọng.

Theo TS Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, để sản xuất 140 triệu m3 bê tông cần tiêu tốn 50 triệu tấn xi măng, 110 triệu tấn cát, khoảng 150 triệu tấn đá dăm, sỏi. Trong khi nguồn nguyên liệu truyền thống (cát tự nhiên) ngày càng cạn kiệt thì phế thải nông nghiệp thải ra hàng năm rất lớn có tiềm năng sử dụng làm vật liệu xây dựng,  nhưng thực tế chưa sử dụng được nhiều. Với loại vật liệu là tro xỉ nhiệt điện thì hàng năm 25 nhà máy nhiệt điện tại 12 tỉnh phát thải 14 triệu tấn tro xỉ, trong khi đó lượng tiêu thụ hàng năm chỉ đạt 50 - 60% lượng phát thải nên lượng tồn sẽ tiếp tục tăng. Lượng tro xỉ nhiệt điện tồn đọng hiện nay là 42 triệu tấn mà chưa được xử lý hay tận dụng.

Trong tương lai, các đơn vị liên quan cần phát triển và áp dụng rộng rãi các loại bê tông cường độ cao, các sản phẩm cấu kiện bê tông tiền chế, lắp ghép theo môđun, bản mỏng, tiết diện nhỏ, bê tông bền với môi trường biển, bê tông chịu nhiệt, bê tông thích ứng với biến đổi khí hậu, bê tông in 3D. Đặc biệt, ngành sản xuất bê tông trong giai đoạn tới phải sử dụng cốt liệu từ nguyên liệu tái chế, phế thải để thay thế đến 60% nguyên liệu thiên nhiên, phát triển các loại phụ gia khoáng và hoá học để đưa vào làm thành phần bắt buộc trong sản xuất bê tông, nâng cao chất lượng; giảm tỷ lệ trộn bê tông thủ công xuống 25% tổng sản lượng bê tông; phát triển nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông tiền chế, lắp ghép theo mô-đun và các trạm trộn bê tông thương phẩm.

Quá nhiều tiêu chuẩn chồng lấn

Trong khi tốc độ phát triển đang tăng chóng mặt, nhu cầu xây dựng lớn, bắt buộc phải tính đến chuyển đổi từ nguyên liệu thiên nhiên sang tận dụng nguyên liệu tái chế. Theo TS Hoàng Minh Đức, Viện Khoa học và Công nghệ Xây dựng, việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, nhiên liệu và năng lượng, sử dụng các loại phế thải công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông và các loại cốt liệu nhân tạo tái chế, các loại xi măng hàm lượng clanke thấp để sản xuất bê tông là cần thiết. Các cơ sở sản xuất bê tông phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường, phải có hệ thống thiết bị quan trắc tự động bụi và nước thải.

Nhu cầu sử dụng lớn, nhưng các tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực bê tông tại Việt Nam lại rất phong phú và đa dạng. Theo TS Hoàng Minh Đức, có thể kể tới như tiêu chuẩn thiết kế; tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu; tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật sản phẩm bê tông; tiêu chuẩn thí nghiệm bê tông trên kết cấu; tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật bê tông; tiêu chuẩn phương pháp thử bê tông; tiêu chuẩn phương pháp thử hỗn hợp bê tông… Dù vậy, điều đáng nói nằm ở chỗ các tiêu chuẩn lĩnh vực bê tông được áp dụng trong ngành xây dựng giao thông và thuỷ lợi đang chồng lấn, đan xen.

Thực tế, các tiêu chuẩn trên được xây dựng dựa vào điều kiện Việt Nam kết hợp với cơ sở tiêu chuẩn của Liên Xô (cũ) và Liên bang Nga, cơ sở tiêu chuẩn Hoa Kỳ (ASTM, ACI…) cơ sở tiêu chuẩn của châu Âu (EN, BS…), cơ sở tiêu chuẩn quốc tế ISO… Do tham khảo nhiều cơ sở tiêu chuẩn nên sự đồng bộ, hài hoà giữa các tiêu chuẩn chưa được đáp ứng. Vẫn còn các tiêu chuẩn ngành chưa chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia, sự đồng bộ và hài hòa giữa các tiêu chuẩn chưa đáp ứng yêu cầu và ít cập nhật. Khi áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn của nước ngoài còn chưa khớp nhau. Vì thế, cần phải rà soát các tiêu chuẩn hiện nay, biên soạn các tiêu chuẩn mới và có biện pháp phù hợp cho giai đoạn chuyển đổi.

Hà Bình