Giáo dục

Đừng chỉ vì vài ca F0 mà cửa trường lại đóng

  • Tác giả : Mai Loan
Nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh chia sẻ, hãy để cho các con đến trường trong cuộc sống "bình thường mới". Đừng chỉ vì vài ca F0 mà cửa trường lại đóng.

“Được đến trường thật tuyệt biết bao, như chẳng có chuyện gì xảy qua xung quanh, chỉ thấy thật vui, thật hạnh phúc và tốt lành”, cô Đỗ Phương Nam, Trường THCS Ngô Gia Tự, Hà Nội xúc động chia sẻ.

tro-lai-truong-do-phuong-nam.jpg
"Được đến trường thật tuyệt biết bao, như chẳng có chuyện gì xảy qua xung quanh, chỉ thấy thật vui, thật hạnh phúc và tốt lành".

Niềm vui không diễn tả hết bằng lời

Sáng sớm ngày 8/2, là một ngày “lịch sử” với nhiều học sinh Hà Nội khi có thêm gần 600.000 học sinh cấp THCS và THPT, từ lớp 7 - 12 ở Hà Nội được trở lại trường sau gần 10 tháng học trực tuyến ở nhà.

Em Nguyễn Khôi Nguyên, học sinh lớp 8, Trường THCS Nam Trung Yên vừa nhìn thấy các bạn đã rối rít vẫy tay chào từ xa. Khi biết tin được đến trường, em đã hồi hộp, mong chờ, đếm từng ngày.

“Một bạn cùng lớp của em nhớ trường quá, còn đeo cặp xách, đi xe đạp từ nhà đến cổng trường rồi lại quay về, để có cảm giác như được đi học. Chúng em chỉ mong được đến trường, gặp thầy cô, bạn bè, học online chán quá rồi”, em Khôi Nguyên chia sẻ.

Không chỉ học sinh, mà các thầy cô giáo cũng hồi hộp mong chờ ngày được trở lại trường. Nhiều giáo viên chia sẻ, họ vui đến mức không ngủ được. Suốt gần 1 năm qua, chỉ nhìn học sinh qua màn hình online, các thầy cô nhớ không khí lớp học, thèm những giờ được lên lớp như bình thường.

co-do-phuong-nam-okjpg.jpg
Cô giáo Phương Nam và lớp học có camera "truyền hình trực tiếp" tới các học sinh là F học trực tuyến tại nhà.

Cô giáo Đỗ Phương Nam cho hay, việc được trở lại trường thật tuyệt vời đối với cô và các học trò. “Như chẳng có chuyện gì xảy ra xung quanh, chỉ thấy thật vui, thật hạnh phúc và tốt lành”, cô Nam xúc động.

Với cô giáo Ngô Thủy, Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội, ngày được trở lại trường với cô là một ngày rất đặc biệt, cô được “làm quen” với những học trò lớp cô chủ nhiệm, nhưng cô mới chỉ biết các em qua màn hình, do các em là học sinh lớp 10 mới vào trường, và do dịch bệnh chưa được đến trường trong gần 1 năm qua.

den-truong.jpg
Học sinh lớp cô giáo Ngô Thủy vui trong ngày đầu được trở lại trường.

“Xúc động, hồi hộp và vui lắm. Ngôi trường có học trò như bừng lên một sức sống mới”, cô Thủy chia sẻ.

Để các con đến trường và tuân thủ 5K

Đi cùng với niềm vui được trở lại trường là nỗi âu lo về dịch bệnh. Một số phụ huynh chia sẻ, họ cũng phân vân, nửa muốn cho con đi học, nửa muốn con tiếp tục học online khi số ca nhiễm mới ở Hà Nội mỗi ngày hầu như không giảm.

Tuy nhiên, theo các giáo viên, qua khảo sát, đa số phụ huynh đồng thuận với việc cho các con được trở lại trường.

“Học sinh đã tiêm 2 mũi văcxin. Người lớn sau khi tiêm được đi làm, đi chơi, vậy tại sao lại ngăn cấm các con đến trường? Việc học trực tuyến kéo dài đã kéo theo quá nhiều hệ lụy. Các con bị ảnh hưởng cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Hãy để cho các con đến trường và tuân thủ theo đúng hướng dẫn phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế”, chị Nguyễn Trà My, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

Chị Nguyễn Vân Anh, phụ huynh của một học sinh lớp 7 cho biết, sau Tết Nguyên đán, chị đã đón con gái học ở nơi cư trú là Thái Bình lên Hà Nội để đi học. Mặc dù con đi học chị cũng không khỏi lo lắng về việc lây nhiễm dịch bệnh, tuy nhiên, theo chị, việc cho các con đi học là cần thiết.

Con gái chị đã học trực tuyến 4 tháng ở Hà Nội. Sau đó, nhận thấy con có những dấu hiệu bất ổn về mặt tinh thần, chị đã phải cho con về Thái Bình học trực tiếp. Điều chị sợ nhất là khi con chị quay trở lại Hà Nội, học được vài buổi, cửa trường lại đóng, con lại phải học trực tuyến. Lúc đó, muốn về quê cũng khó mà ở lại học trực tuyến chị lại sợ con có nhiều bất ổn.

“Tôi cho rằng, khi đã xác định sống chung với Covid-19 thì hãy để cho các con đến trường. Đừng chỉ vì vài ca F0 mà cửa trường lại đóng”, chị Vân Anh nói.

Cô giáo Đỗ Phương Nam cho biết, khi đến trường dạy học trực tiếp mới thấy, việc các con trở lại trường thực sự cần thiết và hợp lý. Dịch bệnh chưa biết bao giờ mới kết thúc, cuộc sống đã trở lại ở trạng thái “bình thường mới”, đối với giáo dục cũng vậy.

Với những học sinh F0, F1, cô Nam vẫn dùng điện thoại “truyền hình trực tiếp” bài giảng trên lớp tới các em. Cùng một lúc, lớp học trực tiếp cũng đồng thời là trực tuyến. Việc theo dõi, giám sát các em thực hiện đúng quy chế phòng chống dịch bệnh cũng khiến các thầy cô “thêm việc” và vất vả hơn.

“Nhưng đó là sự thích ứng với điều kiện mới, để các em được trở lại trường. Trường học phải có học sinh mới thực sự là trường học, tôi ủng hộ việc cho học sinh trở lại trường”, cô Nam nói.

lop-co-dang-lieu.jpg
Chiếc camera gắn liền với những giờ học trực tiếp tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội để truyền bài giảng đến các bạn học trực tuyến tại nhà.

Cô Đặng Liễu, giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều chia sẻ, cô rất ủng hộ việc cho học sinh tới trường. Và không nên chỉ vì vài trường hợp F0 mà lại hốt hoảng đóng toàn bộ cửa trường. Nên nghe theo ý kiến của các chuyên gia, thích ứng linh hoạt cho cuộc sống “bình thường mới”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều giáo viên, phụ huynh bày tỏ sự lo ngại khi có các ca nhiễm F0 trong trường học. Nếu cùng một lúc mở cửa trường tất cả các cấp học phổ thông, và cả đại học thì sẽ rất khó kiểm soát được dịch bệnh. "Nên mở cửa trường, nhưng cần có lộ trình", một giáo viên cho hay.

Ngày 14/2, khi kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp tại Trường Đại học Hồng Đức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhắc lại quan điểm chung của ngành Giáo dục phối hợp với ngành Y tế là nhất quán, cương quyết, kịp thời trong việc mở cửa trường học từ mầm non cho tới đại học.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Người lớn đã đi làm, các khu công nghiệp đã mở cửa, đường phố đi lại bình thường… Tất cả đã bình thường trong tình hình mới, không có lí do gì để trường học không bình thường. Học sinh dù đã tiêm vắc xin hay chưa tiêm vắc xin, tất cả đều phải cần đến trường.

Mai Loan