KINH TẾ

Đông Nam Á tăng trưởng thấp hơn dự báo

  • Tác giả : Nhật Nam
(khoahocdoisong.vn) - Dữ liệu gần đây nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, khu cực Đông Nam Á đang tăng trưởng thấp hơn dự báo, dẫn đến sự điều chỉnh giảm nhẹ so với dự báo tăng trưởng ở mức 4,8% (2019), 4,9% (2020) (giảm từ 4,9% (2019) và 5,0% (2020). Lạm phát khu vực năm 2019 cũng dự đoán sẽ giảm xuống 2,4%, so với dự báo trước đó là 2,6%.

ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của Singapore, Thái Lan và Philippines cho năm 2019. Triển vọng của ba nước ASEAN khác - Indonesia (5,2%), Malaysia (4,5%) và Việt Nam (6,8%) - thì được giữ nguyên so với dự báo trước đó. Theo đánh giá của của ADB, ngay cả khi xung đột thương mại vẫn tiếp diễn, khu vực này (ASEAN) vẫn sẽ duy trì sự tăng trưởng nhưng ở mức vừa phải. Ngay cả khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được thỏa thuận, sự bất ổn sẽ tiếp tục đè nặng lên triển vọng khu vực ASEAN.

Sản xuất và thương mại suy giảm ở Singapore đã khiến ADB hạ ​​dự báo tăng trưởng của quốc đảo này từ 2,6% xuống 2,4% năm 2019. Ở Thái Lan, ADB dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ là 3,5%, giảm so với dự báo ban đầu là 3,9%. Với Philippines, ADB đã cắt giảm tăng trưởng dự báo từ 6,4% xuống còn 6,2% do chi tiêu chính phủ bị trì trệ. Giống như ở các nước ASEAN khác, tăng trưởng xuất khẩu của Philippines cũng chậm lại do hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu ảm đạm.

Theo ADB, có nhiều bằng chứng cho thấy việc chuyển hướng trong thương mại và sản xuất đã mang lại lợi ích cho ASEAN. Việt Nam đã tăng xuất khẩu thêm 6,7% trong 5 tháng đầu năm nay, gia tăng 28% trong xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở Đông Nam Á trong năm nay và tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019 ước tính là 6,8% so với cùng kỳ, mặc dù nông nghiệp bị cản trở bởi dịch tả lợn và hạn hán kéo dài. Tăng trưởng trong ngành công nghiệp - đặc biệt trong khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 27% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, xung đột thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm suy yếu đầu tư nghiêm trọng và làm mất ổn định tăng trưởng trong khu vực. Các yếu tố khác như giá dầu tăng, lạm phát và bất ổn xung quanh Brexit cũng là những vấn đề quan trọng xung quanh tăng trưởng kinh tế ở ASEAN. Nhìn chung, việc tăng cường nhu cầu trong nước sẽ bù đắp cho sự chững lại của xuất khẩu. Nếu cầu nội địa tiếp tục cao do thu nhập tăng, lạm phát giảm và kiều hối tăng mạnh - hoạt động kinh tế trong ASEAN vẫn có triển vọng tốt.

Nhật Nam