Khoa học & Công nghệ

Đối phó với sự khó chịu của mùa thu

  • Tác giả : Sơn Hà
(khoahocdoisong.vn) - Mùa thu tưởng là rất đẹp nhưng cũng mang lại không ít rắc rối, ví dụ, mùa thu, nhất là cuối thu, chất lượng không khí rất kém, bụi phát tán mạnh; thời tiết hanh khô khiến chúng ta rất dễ mất nước, da dẻ kém sắc… Bạn làm thế nào để đối phó với những “khó chịu” mà mùa thu gây ra.

Cẩn thận với bụi

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết một trong những điểm lưu ý nhất trong giai đoạn này cho đến cuối thu, nhất là giai đoạn cuối thu là chất lượng không khí rất kém. Lý do là vào thời điểm này, mưa ít (mưa có tác dụng trong việc gột rửa môi trường), cộng với thời tiết hanh, khô tạo điều kiện cho bụi trong không khí lan truyền.

Chính vì thế, theo chu kỳ có tính chất lặp đi lặp lại hàng năm, đây chính là gia đoạn chất lượng không khí thấp nhất và người dân cần có biện pháp để ứng phó với chất lượng không khí.

Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cho biết, chất lượng không khí gồm chất lượng không khí ngoài trời và trong nhà. Với ngoài trời, bạn nên kiểm tra chỉ số chất lượng không khí  ngoài trời trước khi ra ngoài. Hiện nay đã có một số website cho phép bạn kiểm tra chất lượng không khí để biết trước khi ra đường.

Ngoài ra, nhớ đeo khẩu trang khi đi ra đường. Có nhiều người cho biết, ngày nào ra đường họ cũng đeo khẩu trang nhưng vẫn bị dính bụi. Nguyên nhân là do bạn chọn khẩu trang chưa đúng. Các loại khẩu trang thông thường không có khả năng lọc được các hạt bụi siêu nhỏ.

Do vậy, bạn cần chú ý chọn khẩu trang chuẩn. Các loại khẩu trang có thể ngăn cản được các hạt bụi siêu nhỏ và các chất ô nhiễm phải có lớp lọc tiêu chuẩn N95 hoặc cao hơn như N99, N100.

Với trong nhà, nếu nhà bị ô nhiễm bạn có thể sử dụng máy lọc không khí. Tuy nhiên, không phải ai cũng có máy lọc không khí và trong nhiều trường hợp máy lọc không khí cũng không lọc hết bụi.

Vì vậy, biện pháp đơn giản nhất là hãy lau nhà bằng khăn ướt để tránh phát tán bụi hoặc hút bụi bằng máy hút bụi có bộ lọc HEPA hàng ngày; trồng cây xanh (cây lan ý, cây nhện, cây hoa đồng tiền…) trong nhà và quanh nhà để lọc bụi… Nếu nhà bị ô nhiễm, bạn cần tránh các hoạt động mạnh như chạy, nhảy, thay vào đó là các hoạt động nhẹ như xem tivi, ngồi nghe nhạc, đọc sách để tránh hít phải bụi.

Đừng để “Nắng tháng tám nám má hồng”

Khi nói về mùa thu, ông cha ta thường có câu “Nắng tháng tám rám trái bưởi” để chỉ về cái nắng hanh của mùa thu hay “Nắng tháng tám nám má hồng” để chỉ về tác hại của thời tiết mùa thu đối với làn da. Lý do là vì, nắng tháng tám cực tím rất nhiều, hơn thế, thời tiết hanh khô khiến da dễ mất nước, cộng với đó là lượng bụi trong không khí cao.

Với tất cả những tác nhân này da rất dễ bị tổn thương, đàn kém đàn hồi, khô, thiếu ẩm. Điều đáng nói, để chăm sóc da nhiều người lại quá tích cực trong việc bôi thật nhiều kem dưỡng khiến các lỗ chân lông bị bít kín, không đẩy được bã nhờn ra ngoài, dẫn đến mụn, thậm chí là dị ứng, mẩn ngứa.

Chuyên gia Nguyễn Minh Hương, Thẩm mỹ viện Trúc Lâm (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, quan trọng là bạn phải biết cách. Vào buổi tối và sáng bạn hãy làm sạch da với các bước tẩy trang, rửa mặt và nước hoa hồng để giúp da sạch và lỗ chân lông được thông thoáng; sau đó thêm một chút kem dưỡng ẩm.

Công đoạn này rất đơn giản và không mất nhiều thời gian. Một lưu ý nữa là bạn cần bạn cần dùng kem chống nắng khi đi ra ngoài bởi mùa thu tia cực kím nhiều có hại cho làn da. Tuy nhiên, cần nhớ tẩy trang hàng ngày sau khi dùng kem chống nắng để làm sạch da, trước khi tiến hành các bước chăm sóc, dưỡng da.

Đừng quên nước

Lơ là việc uống nước là sai lầm phổ biến và nghiêm trọng nhất của rất nhiều người vào mùa thu. Mùa hè, mồ hôi ra nhiều thúc đẩy cảm giác khát khiến chúng ta chú ý đến việc bổ sung nước, mùa thu tiết trời dịu hơn một chút khiến chúng ta ít có cảm giác khát hơn, nên lơ là việc uống đủ nước.

Tuy nhiên, cái nắng hanh khô, tuy hơi nhạt so với mùa hè nhưng cũng rất dễ khiến cơ thể bị tiết mồ hôi, dẫn đến mất nước. Các chuyên gia cho biết, các dấu hiệu mất nước của mùa thu bao gồm lượng nước tiểu giảm, hay màu sắc nước tiểu thay đổi (khi bị mất nước, nước tiểu sẽ có màu vàng đậm hơn hoặc màu hổ phách và nặng mùi).

Mất nước kéo dài có thể có các dấu hiệu như khô da, khô niêm mạc miệng, mệt mỏi. Điều đáng nói, bạn đừng để đến khi thấy khát hay thấy nước tiểu đổi màu mới nhớ đến bổ sung nước. Hãy duy trì việc uống đủ 1,5 -2 lít nước/ngày bao gồm nước lọc, canh hay các loại nước trà, nước trái cây…

Sơn Hà