Khám phá

Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo – kỳ 2: Đối đáp với sứ nhà Thanh

i đáp với sứ nhà Thanh, tài năng và văn chương sắc bén của Nguyễn Đăng Cảo đã làm cho sứ nhà Thanh nhiều phen phải kinh ngạc, nể phục.

Hình minh họa.

Gần xa biết tài
Bị bãi chức, không được trọng dụng do tính cương trực thẳng thắn, nhưng biết ông rất thông minh, có tài ứng đối mau lẹ nên mỗi khi có sứ nhà Thanh sang hạch sách, vua Lê đều vời ông ra tiếp đãi, ứng đối.

Tài năng đối đáp, văn chương sắc bén của ông đã làm cho sứ nhà Thanh phải kinh ngạc, nể phục. Dân gian truyền tụng câu ca: “Làng Bịu có đấng Thám hoa. Tiếng bay thượng quốc gần xa biết tài”.

Một lần Đăng Cảo nhận mệnh nhà vua mang lễ vật lên biên giới gặp sứ nhà Thanh để tìm cách sao cho quân Thanh không kéo vào Thăng Long. Đến Lạng Sơn, sứ thần nhà Thanh ra câu đối rằng:

“Điểu nhập phong, thực tận trùng nhi hoá phượng”? Nghĩa là, chim vào gió ăn sâu mà hoá phượng – chữ “phượng” do chữ “điểu” viết trong lòng chữ “phong” mà thành.

Đăng Cảo liền đối rằng: “Nhân cư nham, đả thi thạch chĩ thành tiên”. Nghĩa là, người ở cạnh núi, đẽo đá để thành tiên. Chữ “nhân” đứng bên cạnh chữ “nham”, bỏ chữ “thạch” thành chữ “tiên”.

Đến cửa ải, sau một tuần mưa dầm, bỗng nhiên trời hửng nắng, sứ nhà Thanh mang sách ra phơi; Đăng Cảo cũng kê gối trải chiếu rồi nằm phơi bụng mình ra.

Sứ Thanh ngạc nhiên lắm, hỏi sao ông làm như vậy? Ông trả lời: Sứ thần Thượng quốc phơi sách, tôi phơi bụng (ý nói có sách ở trong bụng).

Sứ Thanh thán phục, nhưng vẫn thử tài thêm mà nói rằng: Sách “Đại học” bản chính bị đốt mất rồi, phiền ngài viết lại cho thì tốt quá? Đăng Cảo nhận lời và ngồi viết ngay lại từ chính vận đến chú giải lớn, nhỏ y như bản gốc. Sứ Thanh kinh ngạc nói rằng; Năm trước quan Thái tử tâu vua sao Vân Khúc giáp ở An Nam, nay quả đúng như vậy.

Tiếng đồn đến, vua Thanh cho vời ông tới bảo làm bài phú giải thích cho chư hầu về việc róc tóc. Đăng Cảo làm xong sớm liền trình lên.

Xem xong vua Thanh phê rằng, lời gọn, ý tận và sâu sắc, phong thêm cho Đăng Cảo làm khôi nguyên Bắc triều… rồi ra lệnh bãi binh.

Ếch con ngắn cổ…

Lần khác sứ Thanh sang sách phong, đến trạm Xương Giang thì dừng lại và đưa cho Thế tử một vuông gấm, trên có ba vạch ngang và nói – nếu Đại Việt không giảng được thì sứ đoàn sẽ không vào Thăng Long.

Triều đình ta không hiểu ra làm sao, bèn cho triệu Đăng Cảo vào kinh để giảng. Đăng Cảo nghe xong nói: Cái trò đánh đố chữ nhỏ mọn ấy bõ gì mà triều đình phải bận tâm, ông lấy bút quét một nét sổ trên giấy cho sứ triều mang về tâu vua, dặn cứ thế đưa cho sứ Thanh. Quả nhiên, sứ nhà Thanh rất phục và đi tiếp vào Thăng Long.

Vua vẫn còn chưa hiểu ra sao, lại cho quân về hỏi Đăng Cảo. Đăng Cảo nói trong Kinh dịch quẻ “càn” là ba nét ngang, thêm một nét sổ thì thành chữ “vương”. Họ muốn sang phong vương cho vua ta đó thôi. Cả triều đình nghe ra, vô cùng nể phục Đăng Cảo.

Lại nói, có lần vua nhà Thanh tiếp Nguyễn Đăng Cảo, trên cương vị sứ thần Đại Việt đã ra vế đối: “Lão khuyển lạc mao, do hướng đình tiền thệ nguyệt”. Nghĩa là, “chó già rụng lông còn ngó ra sân sửa lên bóng trăng”.

Biết đó là ý miệt thị của vua Thanh, Đăng Cảo đối ngay “Tiểu oa đoản cảnh, mạn cư tỉnh để khuy tiên”. Nghĩa là, “ếch con ngắn cổ, cũng dám ngồi đáy giếng ngó lên trời”.

Thấy vế đối nội dung ngang tàng, lại có ý mỉa mai, coi nhà Thanh kiến thức hẹp hòi “như ếch ngồi đáy giếng”, vua Thanh không dám coi thường sứ nước Nam nữa, rồi sai quan tiễn sứ đoàn ra về rất trịnh trọng.

Vì có nhiều đóng góp to lớn cho dân cho nước, sau khi Nguyễn Đăng Cảo mất, dân làng Hoài Bão đã lập đền thờ ông và đền thờ cháu ông, Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo gần đình làng.

Nguyễn Thành Hữu