Dữ liệu y khoa

Dinh dưỡng cho bệnh nhân Parkinson

  • Tác giả : An Quý
Triệu chứng của Parkinson sẽ được cải thiện khi người bệnh duy trì uống thuốc và kết hợp các biện pháp tập thể dục hoặc tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn.

Bệnh Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh thường gặp nhất, tác động đến tình trạng vận động, trí nhớ và kiểm soát hành vi nên gây ra rất nhiều bất tiện cho người bệnh.

dinh-duong-cho-bn-parkinson.jpg
Ngoài việc phục hồi chức năng và điều trị, dinh dưỡng cũng là một vấn đề cần được quan tâm đối với bệnh Parkinson. Ảnh minh họa

Dựa vào các kinh nghiệm và thống kê về những ca điều trị có thể thấy được người trên 60 tuổi có nguy cơ mắc bệnh Parkinson với tỷ lệ 1%, tiền căn gia đình bị Parkinson cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên đến 2-5%.

Ngoài ra, các yếu tố ngoại cảnh như môi trường sống (tiếp xúc lâu dài với thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ), chủng tộc, chấn thương ở đầu trong quá khứ cũng có thể dẫn đến khởi phát bệnh trong tương lai.

ThS.BS Đặng Thị Huyền Thương, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, ngoài việc phục hồi chức năng và điều trị, dinh dưỡng cũng là một vấn đề cần được quan tâm đối với bệnh Parkinson.

Một chế độ ăn cân bằng với nhiều trái cây và rau củ chứa nhiều chất chống oxy hóa sẽ giúp loại bỏ các gốc tự do có hại ra khỏi cơ thể.

Đối với người bệnh có triệu chứng khó nuốt, thức ăn nên được làm sệt, nấu mềm để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa.

Song song với việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện với cường độ hợp lý (3 ngày/tuần, mỗi ngày 30 - 40 phút) là một phương pháp được khuyến cáo cho người bệnh Parkinson. 

Các bài tập luyện sẽ giúp cải thiện triệu chứng vận động, trí nhớ, giảm mệt mỏi, giảm lo âu trầm cảm, cải thiện giấc ngủ.

Trong tình huống Covid-19 còn diễn biến phức tạp, người bệnh có thể thực hiện các bài tập ngay tại nhà như các động tác duỗi cơ, đạp xe đạp cố định hoặc đi bộ với thảm, yoga, Thái cực quyền,…

An Quý