Dữ liệu y khoa

Dị ứng sữa bò ở trẻ sơ sinh đang bị chẩn đoán quá mức?

  • Tác giả : ThS.BS Nguyễn Phương Thảo
Chẩn đoán dị ứng sữa bò không qua trung gian IgE ngày càng tăng kèm theo gia tăng chỉ định sử dụng các loại sữa công thức, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Trong khi tần suất lưu hành thật sự của bệnh chỉ khoảng 1%.

Các nhà nghiên cứu thực hiện phân tích thứ cấp các dữ liệu từ nghiên cứu khảo sát khả năng dung nạp (EAT).

tre-uong-sua.jpg
Chẩn đoán dị ứng sữa bò không qua trung gian IgE ngày càng tăng kèm theo gia tăng chỉ định sử dụng các loại sữa công thức, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Trong khi tần suất lưu hành thật sự của bệnh chỉ khoảng 1%. Ảnh minh họa

Đây là một nghiên cứu nhằm khảo sát việc sớm đưa các thức ăn có khả năng gây dị ứng vào chế độ ăn của trẻ có làm giảm nguy cơ dị ứng của trẻ với loại thực phẩm đó không.

Có 1.303 trẻ sơ sinh khỏe mạnh tham gia nghiên cứu được cho bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 3 tháng đầu đời. Các trẻ này được phân nhóm ngẫu nhiên thành 2 nhóm: nhóm cho ăn tiêu chuẩn (SIG) và nhóm cho ăn sớm (EIG).

Những trẻ sơ sinh trong nhóm EIG được cho ăn 6 loại thực phẩm gây dị ứng, gồm cả sữa bò, song song với việc bú mẹ. Các trẻ trong nhóm còn lại được cho bú mẹ hoàn toàn ít nhất là đến 6 tháng.

Tất cả các trẻ được đưa đến trung tâm khám sức khỏe vào thời điểm 3 tháng và 6 tháng.

Đồng thời, hằng tháng cha mẹ của trẻ đều trả lời bảng câu hỏi về tình trạng sức khỏe tổng quát của trẻ cũng như lượng thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng mà trẻ tiêu thụ cho đến khi trẻ được 12 tháng tuổi.

Các hướng dẫn quốc tế về dị ứng sữa trong chăm sóc sức khỏe ban đầu (iMAP) xác định các triệu chứng khóc dạ đề, trào ngược, từ chối hoặc chán ghét thức ăn, tiêu chảy, táo bón, ngứa, phát ban da, viêm da cơ địa là những triệu chứng từ nhẹ đến trung bình của tình trạng dị ứng sữa không qua trung gian IgE.

Các triệu chứng tiêu chảy, nôn ói, đau bụng, đi tiêu phân nhầy hoặc có máu trong phân và viêm da cơ địa nặng là các triệu chứng dị ứng nặng.

Nghiên cứu cũng nhận thấy các tỷ lệ này đạt đỉnh vào thời điểm 3 tháng (38% có triệu chứng nhẹ - trung bình; 4,2% có triệu chứng nặng). Đây là thời điểm mà trẻ chưa bú sữa bò.

Đến thời điểm 12 tháng tuổi, 73,6% trẻ đã có các triệu chứng ở mức độ nhẹ - trung bình; 9,3% trẻ có các triệu chứng ở mức độ nặng, ít nhất vào một tháng nào đó trong thời gian nghiên cứu.

Ở giai đoạn từ 3 - 12 tháng tuổi, tỷ lệ trung bình các triệu chứng liên quan đến sữa là 2,2%; tỷ lệ trung bình có máu trong phân và nôn ói lần lượt là 0,2% và 45,8% trong mỗi tháng; tỷ lệ nôn ói cao nhất vào tháng thứ 3 với 78,1%.

Các triệu chứng khóc dạ đề, nôn ói, khó chịu ở bụng thường gặp nhất tại thời điểm 3 tháng và giảm dần theo tuổi.

Trái lại, triệu chứng từ chối hoặc chán ghét thức ăn tăng dần trong 12 tháng đầu. Tiêu chảy và táo bón cũng tăng trong giai đoạn sơ sinh, còn các triệu chứng về da lại ổn định hơn.

Cuối cùng chỉ có 0,6% trẻ tham gia trong nghiên cứu EAT (7 trẻ trong tổng số 1.166 trẻ, do có 137 trẻ không tham gia đủ thời gian nghiên cứu) được chẩn đoán là dị ứng sữa bò không qua trung gian IgE trước lúc 3 tuổi.

Bao gồm 0,7% (4 trong 597 trẻ) ở nhóm SIG và 0,5% (3 trong 569 trẻ) ở nhóm EIG.

Như vậy, những kết quả trên gợi ý rằng đại đa số trẻ tuy có triệu chứng nhưng lại không bị dị ứng sữa bò.

Kết quả nghiên cứu có thể hỗ trợ các hướng dẫn nhằm hạn chế những tác hại gây ra do tình trạng chẩn đoán quá mức dị ứng sữa bò.

Những tác hại này đôi khi còn nghiêm trọng hơn cả việc bỏ sót và chẩn đoán muộn mà các hướng dẫn đang cố gắng ngăn chặn.

Điều quan trọng là không nên nghi ngờ trẻ có dị ứng sữa bò cho đến khi có đủ căn cứ.

ThS.BS Nguyễn Phương Thảo (Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM)

ThS.BS Nguyễn Phương Thảo