Giáo dục

Đề thi tốt nghiệp THPT là bí mật Nhà nước, nếu để lộ là sự việc rất nghiêm trọng

  • Tác giả : Mai Nguyễn
Theo ĐB Quốc hội khóa XIV Phạm Thị Minh Hiền, đề thi tốt nghiệp THPT thuộc bí mật Nhà nước, nếu để lộ đề thi Sinh là sự việc rất nghiêm trọng, cần làm rõ và xử lý theo pháp luật.

Cần xem xét trách nhiệm của Bộ GD&ĐT

Vụ việc đề  ôn tập môn Sinh học của thầy Phan Khắc Nghệ (Hà Tĩnh) được chỉ ra giống đề thi Sinh tốt nghiệp THPT 2021 đến trên 90% đang tiếp tục nhận được chú ý từ dư luận.

Cùng với những nghi vấn về việc có hay không chuyện lộ đề thi Sinh, điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm là vì sao sự việc đã xảy ra nhiều tháng, mà đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ Bộ GD&ĐT, nếu có sai phạm thì cần xử lý, còn nếu không, cũng là "giải oan" cho người bị nghi ngờ.?

pham-minh-hien.jpg
Đại biểu Quốc hội khóa XIV Phạm Thị Minh Hiền.

Trao đổi với Khoa học và Đời sống, bà Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết, việc giữa đề thi Sinh và đề ôn tập trùng hợp lên trên 90% như báo chí phản ánh, thậm chí giống từ kênh chữ đến kênh hình thì không thể coi là bình thường được, mà có thể xem xét, xác minh, đặt vấn đề ở mức tương đương với lộ lọt đề thi. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là tại sao đến thời điểm này, nhiều tháng kể từ khi vụ việc xảy ra, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có câu trả lời?

“Lẽ ra, khi có sự việc bất thường xảy ra trong lĩnh vực mình quản lý, Bộ phải có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin, trước hết cho giáo viên trong ngành. Đằng này, giáo viên bày tỏ băn khoăn, bức xúc và nhiều lần gửi kiến nghị nhưng Bộ GD&ĐT vẫn im lặng. Thậm chí, khi sự việc đã lên truyền thông thì Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục im lặng.

Trong khi đó, đề thi tốt nghiệp THPT là bí mật Nhà nước, độ Tối mật, theo quy định pháp luật. Nếu để lộ, lọt sẽ là sự việc nghiêm trọng. Vậy, Bộ GD&ĐT nói chung và Bộ trưởng nói riêng liệu có xem nhẹ việc này hay không, hay vì lý do nào khác? Trách nhiệm quản lý của Bộ GD&ĐT đến đâu? Đó cũng là những vấn đề cần được làm rõ, xem xét”, bà Hiền nói

Muốn học thật, thi thật thì không thể dung túng cho gian dối

Bà Phạm Minh Hiền cho rằng, sau vụ gian lận thi cử gây rúng động ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vừa qua, chúng ta đã có rất nhiều giải pháp đưa ra để có được kỳ thi nghiêm túc, an toàn, và mỗi năm, trước kỳ thi, truyền thông đều đưa tin về những giải pháp rốt ráo, chặt chẽ của Bộ GD&ĐT, lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Việc chậm trễ trả lời của Bộ GD&ĐT trong vụ việc này, theo cá nhân bà đã bắt đầu gây ra hậu quả, làm lung lay niềm tin đó, chưa nói tới vụ việc có được giải quyết thấu đáo hay không.

Cho đến thời điểm này, sự việc đã "nóng" dư luận, nếu tiếp tục không được giải quyết rõ ràng thì sẽ gây nghi ngờ, mất niềm tin trở lại, đặc biệt trong đội ngũ giáo viên. Mà một khi để chính lực lượng này mất đi niềm tin với công việc, nghề nghiệp của mình, thì đó thật sự là một bi kịch, là một thất bại trong quản lý giáo dục.

Nhiều thầy cô giáo và học sinh đang mong muốn và và cố gắng thoát khỏi hệ thống giáo dục quan liêu, thành tích để dạy và học cho tốt. Nhưng điều ấy, họ không thể làm được nếu vẫn còn sự tồn tại của những cú "nhúng tay" gian dối trong thi cử và sự quản lý lỏng lẻo trong hệ thống giáo dục.

Ngoài ra, muốn giáo dục phát triển, thì những ý kiến, kiến nghị của giáo viên đóng góp cho ngành cần phải được ghi nhận và tôn trọng. Việc Bộ GD&ĐT im lặng quá lâu như vậy, mà lại im lặng với chính lực lượng giáo viên trong ngành cũng cần đặt câu hỏi về việc Bộ GD&ĐT có phải đã xem nhẹ tinh thần góp ý, xây dựng trong đội ngũ giáo viên - mà lẽ ra Bộ cần xem đó là thế mạnh của ngành hay không?

Những bài học xương máu trong công tác quản lý giáo dục ở giai đoạn trước lẽ ra phải được rút kinh nghiệm sâu sắc trong nhiệm kỳ này và nhiều người đã rất hy vọng vào sự thay đổi tích cực.

"Chưa nói tới những chấn hưng, đổi mới khác, nếu Bộ trưởng để cao việc học thật và thi thật, thì trước hết Bộ trưởng cần trả lời thẳng và trả lời thật, rằng, việc đề thi Sinh giống bất thường đề ôn tập có liên quan đến hành vi cấu kết làm lộ lọt đề thi hay không?

Tôi rất tiếc và có hơi ngạc nhiên tại sao kỳ họp Quốc hội vừa rồi không có ai chất vấn nội dung này. Với nhận thức của mình, tôi cho đây là một sự việc rất nghiêm trọng cần được điều tra làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, nếu có sai phạm”, bà Hiền nói.

 Qua sự việc lần này, bà Phạm Thị Minh Hiền cũng mong Chính phủ cần có sự quan tâm kịp thời chỉ đạo sâu sát, cụ thể và yêu cầu Bộ GĐ&ĐT có báo cáo giải trình cụ thể về chuyên môn như: Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, việc quản lý ngân hàng đề thi như thế nào? Quy trình ra đề thi có tính đến yếu tố con người hay không (bởi dù có chặt chẽ đến đâu nhưng một khi ai đó có ý đồ đen tối thì nguy cơ phá vỡ nguyên tắc ra đề). Có xây dựng quy chế bảo mật khi xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm hay không?....

Mai Nguyễn