Trong nước

ĐBQH lo quy định Luật “đẩy trách nhiệm” cho chính người tiêu dùng

  • Tác giả : Mai Loan
Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa lo ngại, quy định về nghĩa vụ người tiêu dùng không khác gì đẩy trách nhiệm cho chính người tiêu dùng trong bảo vệ quyền lợi của họ.
Đề nghị xem xét bỏ quy định về nghĩa vụ người tiêu dùng
Góp ý tại phiên thảo luận về Dự án Luật Người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Cầm Thị Mẫn cho biết, khoản 1, Điều 5 dự thảo luật quy định kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của pháp luật; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vấn đề này Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải thích và cho rằng việc kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận là không bắt buộc đối với mọi trường hợp. Tuy nhiên, nội dung này cần được phân tích làm rõ để đảm bảo tính khả thi khi luật được ban hành kịp thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thực tế.
DBQH lo quy dinh Luat “day trach nhiem” cho chinh nguoi tieu dung
Đại biểu Cầm Thị Mẫn phát biểu tại hội trường. Ảnh: QH.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn cho biết, đối với hàng hóa, sản phẩm có thể kiểm tra được nhưng đối với dịch vụ chỉ khi sử dụng mới biết được chất lượng nên không thể quy định là kiểm tra trước khi nhận đối với các dịch vụ nói chung. Đối với hàng hóa, sản phẩm có thể lựa chọn nguồn gốc xuất xứ theo nhãn mác giấy chứng nhận, nhưng đối với dịch vụ không thể không xác định theo tiêu chí nguồn gốc xuất xứ. Việc kiểm tra và lựa chọn trước khi nhận hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ như dự thảo đang quy định, nghĩa là nghĩa vụ người tiêu dùng.
Trên thực tế, việc kiểm tra, lựa chọn và quyết định mua sản phẩm, hàng hóa và quyết định sử dụng dịch vụ được người tiêu dùng luôn thực hiện một cách tự nhiên nhất để đáp ứng với nhu cầu, mong muốn của họ. Trong khi đó, chúng ta đều biết các quy định được xây dựng trong dự thảo luật này là nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trước sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khiếm khuyết không đảm bảo chất lượng. Vậy, trách nhiệm trước tiên là của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ra xã hội phải bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện nhất định.
Việc quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng trong trường hợp này không khác gì đẩy trách nhiệm cho chính những người tiêu dùng trong bảo vệ quyền lợi của họ, vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bỏ quy định tại Khoản 1, Điều 5.
Cũng liên quan đến nội dung khoản 5, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) đề nghị Ban soạn thảo cần thống nhất cách hiểu nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là gì, giải thích thêm quy định này để rõ nghĩa vụ cần tuân thủ của người tiêu dùng.
Quy định cụ thể hơn về phương thức giải quyết tranh chấp
Góp ý về nội dung giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho biết, theo Báo cáo của Bộ Công Thương, phương thức trọng tài và tòa án không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết vụ việc lâu, chi phí cao trong khi giá trị các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thấp.
Phương thức giải quyết tranh chấp trong luật hiện hành còn chung chung, chưa cụ thể, chỉ mới nêu các phương thức giải quyết tranh chấp mà chưa quy định rõ về cơ chế giải quyết của các bên tranh chấp xảy ra.
Tuy nhiên, khoản 1, Điều 54 dự thảo luật cũng chưa khắc phục được bất cập này. Đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi Khoản 1, Điều 54 cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng hơn.
Cụ thể, khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể tự giải quyết thông qua các phương thức thương lượng và hòa giải. Trong trường hợp không tự giải quyết được bằng phương thức thương lượng, hòa giải hoặc không muốn tự chọn giải quyết bằng thương lượng và hòa giải thì lựa chọn một trong hai phương thức giải quyết trọng tài hoặc tòa án.
Đại biểu Trần Nhật Minh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về quyền lựa chọn trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng trong dự thảo luật. Ngoài ra, bổ sung quy định trong thời hạn 60 ngày nếu một bên không thực hiện, kết quả thương lượng và hòa giải bất thành, thì bên kia có quyền yêu cầu trọng tài hoặc tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật…
Liên quan đến nội dung này, Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) đề nghị trong quá trình thương lượng, hòa giải, giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh cần phải có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng, đóng vai trò là bên trung gian để quá trình được khách quan, minh bạch hơn.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan