Vấn đề - Sự kiện

Dấu mốc Khoa học và Đời sống

  • Tác giả : Minh Anh
Xuất bản số báo đầu tiên ngày 30/9/1959, Báo Khoa học và Đời sống, nay là ấn phẩm thuộc Báo Tri thức và Cuộc sống, bước sang tuổi 65. 

Trong hành trình xây dựng và phát triển, tờ báo luôn tự hào có đội ngũ cộng tác viên là những nhà khoa học đầu ngành trên mọi lĩnh vực và bạn đọc luôn đồng hành, ủng hộ.

Từ Khoa học Thường thức tới Khoa học và Đời sống

Năm 1958, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 3 về đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học, kỹ thuật, Ủy ban Khoa học Nhà nước được thành lập, đồng chí Trường Chinh là chủ nhiệm. Ngày 10/5/1959, Ban Vận động Trung ương Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ra đời, ông Nguyễn Xiển làm Trưởng ban. Các ông Đặng Minh Trứ, Vũ Đình Tụng, Tạ Quang Bửu là Phó trưởng ban.

Một trong những công tác đầu tiên cấp bách của Hội là xuất bản một tờ báo để phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật và tuyên truyền, xây dựng Hội. Ngày 30/9/1959, Báo Khoa học Thường thức ra mắt số đầu tiên. Chủ nhiệm báo là ông Nguyễn Xiển, Tổng biên tập là ông Đặng Minh Trứ. Báo in ở Nhà in Minh Sang, từ số 14 được in ở Nhà in Báo Nhân dân.

Báo được bạn đọc hoan nghênh và nhanh chóng trở thành một trong những tờ báo được phát hành nhiều nhất ở miền Bắc. Những bài báo đầu tiên là của các ông Nguyễn Xiển, Đặng Minh Trứ, Tạ Quang Bửu, Lê Khắc, Tôn Thất Tùng, Dương Hồng Hiên, Trần Văn Hà…

Ngày 30/6/1971, Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam giải thể, Báo Khoa học Thường thức do Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước quản lý. Chủ nhiệm báo là ông Lê Khắc, Tổng biên tập báo là ông Hoàng Linh. Tuy gặp nhiều khó khăn do Mỹ ném bom miền Bắc, Báo Khoa học Thường thức vẫn ra đều, bảo đảm chất lượng, có lúc phát hành tới 12, 13 vạn bản mà vẫn không đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 7/9/1976, Báo lập Cơ quan thường trú tại TP HCM. Từ tháng 1/1977, Báo Khoa học Thường thức đổi tên thành Báo Khoa học và Đời sống, do Viện Khoa học Việt Nam quản lý, GS.VS Trần Đại Nghĩa - Viện trưởng làm chủ nhiệm, ông Hoàng Linh làm Tổng biên tập.

Ảnh bìa 1 và bìa 4 Báo Khoa học Thường thức số 315 ra ngày 15/11/1969.

Ảnh bìa 1 và bìa 4 Báo Khoa học Thường thức số 315 ra ngày 15/11/1969.

Chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường

Trước năm 1983, các báo hầu như được bao cấp. Từ năm 1984 xóa bỏ dần bao cấp, nhiều báo bắt đầu phải tự lo về kinh tế. Để tờ báo tồn tại và phát triển, Tòa soạn quyết định: Mở cửa hàng văn hóa phẩm bán báo, sách, truyện... huy động mọi người tham gia.

Báo cũng xuất bản phụ san nhất thời với chất lượng hay, bìa đẹp 4 màu khuôn khổ tạp chí, mở đầu là Hỏi đáp khoa học tập 1, bán theo giá thị trường cao hơn báo chính. Cuốn phụ san đầu tiên in 10 vạn bản mà không đủ nhu cầu của các đại lý nên Tòa soạn quyết định tái bản thêm 10 vạn nữa. Sau đó, Tòa soạn còn ra tiếp các số phụ san khác.

Cửa hàng cũng thành công không ngờ vì lúc này sách truyện trên thị trường khan hiếm. Như vậy, Báo Khoa học và Đời sống đã hoạt động kinh tế khá sớm so với các báo khác.

Năm 1989, kỷ niệm 30 năm thành lập Báo, Tòa soạn đưa ra vấn đề tăng gấp đôi số trang của một tờ báo cuối quý III và một tờ báo cuối quý IV. Cho tới lúc này, Báo vẫn xuất bản một tháng 2 kỳ và mỗi kỳ 8 trang. Như vậy, số cuối quý là 16 trang, giá bán gấp đôi, trang bìa được in nhiều màu.

Sang năm 1990, từ một tháng 2 kỳ, Báo được xuất bản hàng tuần. Đây là bước nhảy vọt của tờ báo. Năm 1992, số tăng trang hàng tháng là 12 trang cho vừa túi tiền bạn đọc. Năm 1993, mỗi tháng có 2 số tăng trang và đến năm 1994 tăng trang cả 4 kỳ, nghĩa là số nào cũng 12 trang và thêm phụ san Khoa học và Đời sống khổ nhỏ do Ban Thường trú phụ trách chính. Có thể nói, năm 1983 - 1994 là giai đoạn bản lề chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường.

Nguyên Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Khoa học và Đời sống giới thiệu về số phụ san Hỏi đáp khoa học tập 1.

Nguyên Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Khoa học và Đời sống giới thiệu về số phụ san Hỏi đáp khoa học tập 1.

Cuộc thi tuyển phóng viên đầu tiên

Báo Khoa học Thường thức, sau này là Khoa học và Đời sống, Tòa soạn thường ít người, khoảng hơn chục cán bộ, phóng viên nhưng có chỗ dựa vững chắc là lực lượng cộng tác viên đông đảo, tài năng - những nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thời kỳ đầu, GS Đặng Minh Trứ làm Tổng biên tập, bác sĩ Vũ Đình Tụng, kỹ sư Đặng Trần Cảnh, kỹ sư Đinh Văn Hớn... là những trí thức bậc thầy, làm việc chủ yếu ở Trung ương Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhận lương của Hội hoặc Bộ Y tế, cũng tham gia Ban Biên tập.

Đến năm 1995, để đào tạo lực lượng kế cận, Tòa soạn tổ chức thi tuyển phóng viên. Cuộc thi có hai vòng, vòng một đưa người dự thi đi cơ sở rồi về viết tin bài phản ánh và trả lời các câu hỏi về nghiệp vụ. Vòng hai, thí sinh trả lời phỏng vấn. Ban Giám khảo cuộc thi, ngoài cán bộ, Tòa soạn còn mời thêm nhà báo có kinh nghiệm ở Thông Tấn xã Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tham gia.

Đây là đợt thi tuyển phóng viên đầu tiên của Tòa soạn, cách làm công khai, minh bạch. Lứa phóng viên khi đó có Quý Hoài, Xuân Hòa, Thanh Hà, Tú Anh, Nhật Minh, Mạnh Quân.

Trưng cầu ý kiến bạn đọc

Năm 2002, Báo mở cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc dưới dạng vui là “thỉnh quân sư”. Đông đảo bạn đọc hưởng ứng hàng nghìn ý kiến hữu ích. Sau cuộc thi, Báo có nhiều cải tiến về nội dung trang mục: Ngoài mảng đề tài truyền thống là phổ biến khoa học kỹ thuật và y tế, sức khỏe, Báo mở rộng sang lĩnh vực khoa học xã hội với trang Tìm hiểu lịch sử, trong đó có mục nhà sử học Lê Văn Lan trả lời, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.

Để đáp ứng vai trò phản biện xã hội của trí thức, Báo mở các mục Trí ngôn (bài viết ngắn gọn của trí thức), thấy mà ngẫm, chuyện nhặt dọc đường có sự cộng tác của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà báo Trường Phước… Ngoài ra, Báo còn đăng những truyện trinh thám, khoa học viễn tưởng, cà phê cuối tuần do nhà báo Nguyễn Như Mai (bút danh Nguyễn Tại Hạ) phụ trách với cách viết sâu sắc, dí dỏm, được nhiều bạn đọc yêu thích.

Có thể nói, thời gian này, Báo có nhiều đổi mới, đặc biệt là thêm nhiều trang, mục mang hơi thở cuộc sống, có sự tham gia, đóng góp bài vở của các nhà khoa học và bạn đọc trong cả nước.

Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và tập thể cán bộ, phóng viên Báo Khoa học và Đời sống tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Báo.

Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và tập thể cán bộ, phóng viên Báo Khoa học và Đời sống tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Báo.

Tập thể cán bộ, phóng viên Báo Khoa học và Đời sống tại tòa soạn

Tập thể cán bộ, phóng viên Báo Khoa học và Đời sống tại tòa soạn

Ra bộ mới với 3 ấn phẩm

Từ 1/5/2006, Khoa học và Đời sống ra bộ mới với 3 ấn phẩm: Báo Khoa học và Đời sống, phụ san Khoa học và Đời sống và chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi.

Không chỉ thay đổi về măng séc, Báo có nhiều thay đổi về nội dung theo hướng đưa khoa học gần gũi với đời sống hơn. Trang 2-3 lấy tên Chuyển động với những đề tài thời sự nóng hổi. Công tác phóng viên cũng có nhiều thay đổi, thay vì đặt bài và biên tập, phóng viên trực tiếp tác nghiệp phản ánh những vấn đề thời sự và lấy ý kiến chuyên gia. Do đó, các bài báo mang hơi thở cuộc sống nhiều hơn, nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác và khoa học.

Tập thể Báo Khoa học và Đời sống với các phóng viên trẻ.

Tập thể Báo Khoa học và Đời sống với các phóng viên trẻ.

Sáp nhập 4 báo thành Tri thức và Cuộc sống

Thực hiện quy hoạch báo chí, từ ngày 1/1/2021, Báo Tri thức và Cuộc sống được thành lập, là sự sáp nhập của 4 báo: Khoa học và Đời sống, Báo điện tử Kiến thức, Báo điện tử Tầm Nhìn và Báo Đất Việt. Tôn chỉ mục đích của Báo Tri thức và Cuộc sống là phổ biến kiến thức, tư vấn, phản biện, giám định xã hội của đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Tri thức và Cuộc sống hướng đến hội tụ đa phương tiện, được xây dựng dựa trên nền tảng các báo sáp nhập được quy hoạch thành chuyên trang, ấn phẩm.

Lễ ra mắt Báo Tri thức và Cuộc sống.

Lễ ra mắt Báo Tri thức và Cuộc sống.

Việc sáp nhập 4 cơ quan báo chí đã tạo ra cho Báo Tri thức và Cuộc sống một lực lượng nhân sự dồi dào, được đào tạo bài bản, hoạt động năng nổ, có kinh nghiệm. Trong hơn 2 năm qua, Ban Biên tập quy hoạch, sắp xếp nhân sự vào đúng vị trí công tác phù hợp năng lực và trình độ. Việc đó đã khiến cho Báo Tri thức và Cuộc sống được đánh giá là một trong những tờ báo thực hiện tốt việc quy hoạch báo chí, ngày càng ổn định, phát triển.

Minh Anh