Dữ liệu y khoa

Covid-19 ập đến sát Tết Nguyên đán: Quyết thắng "trận chiến" mới

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” đang diễn biến phức tạp, lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố của chúng ta. Tuy nhiên, kinh nghiệm chống dịch ở nước ta được nâng lên so với giai đoạn đầu, do đó, người dân không nên hoang mang, lo lắng quá, cần thực hiện triệt để thông điệp 5K.

Tuyệt đối không để lây nhiễm cho nhân viên y tế

Từ 2 ổ dịch Hải Dương, Quảng Ninh đã phát hiện chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” B.1.1.7 và lây lan ra nhiều tỉnh thành. Để tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Tổ chức giám sát chặt chẽ hằng ngày tình hình sức khỏe đối với tất cả trường hợp tiếp xúc gần và có liên quan với bệnh nhân, nếu phát hiện bất kỳ trường hợp nào có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

Thông điệp 5K.

Thông điệp 5K.

Rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trường học, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, các khu vực thường xuyên có hoạt động tập trung đông người.

Tiến hành ngay việc xử lý, phun khử trùng triệt để môi trường tại nơi bệnh nhân thường trú; các địa điểm bệnh nhân đã từng đến, ở, làm việc; các phương tiện vận chuyển và các khu vực có liên quan khác theo đúng quy định tại hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.

Thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang – khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập – khai báo y tế. Yêu cầu đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và các nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người, giữ khoảng cách nơi công cộng.

Đặc biệt, trong Công điện số 97/QĐ-BYT gửi UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Triển khai quyết liệt các biện pháp để bảo vệ lực lượng tuyến đầu chống dịch là nhân viên y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm. Cung cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế. Rà soát lại máy thở và các trang thiết bị khác, cơ số thuốc, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch. Phối hợp với cơ quan Kiểm soát bệnh dịch các tỉnh (CDC) hoặc các bệnh viện có khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế (xem xét áp dụng phương pháp gộp mẫu).

Các đơn vị y tế thực hiện việc kê đơn, cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các đối tượng (tối đa 3 tháng). 

Khu vực cách ly chống dịch tại Hải Dương.

Khu vực cách ly chống dịch tại Hải Dương.

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và đồng bằng sông Hồng: Tổ chức điều trị, phân luồng người bệnh nặng và không có diễn biến nặng, chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết. Nâng cấp độ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất. Cho lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người bệnh tại các khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực và ngẫu nhiên người bệnh nội trú từ 30% trở lên của các khoa còn lại để phát hiện sớm các nguy cơ dịch bệnh (có thể áp dụng phương pháp gộp mẫu phù hợp với đánh giá nguy cơ).

Bảo vệ người già và người có bệnh nền

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), đến nay kinh nghiệm chống dịch của ta nâng lên so với giai đoạn đầu nên người dân không nên hoang mang, lo lắng quá. Người dân cần hết sức đề phòng, thực hiện triệt để thông điệp 5K. Đây là 5 hành động cốt yếu để phòng bệnh cho người thân và cộng đồng trong giai đoạn này. Nếu đeo khẩu trang sẽ phòng lây bệnh cho người khác và để mình không bị bệnh. Khử khuẩn các bề mặt và rửa tay thường xuyên để phòng bệnh. Vấn đề khoảng cách tối thiểu 1 - 1,5m, nếu 2m thì càng tốt; không tụ tập cũng liên quan đến vấn đề khoảng cách, khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức để hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Khai báo y tế cũng rất quan trọng, khi có bệnh nhân dương tính thì có thể truy vết để tìm người tiếp xúc gần, tiếp xúc F1, F2 tiến hành xét nghiệm, khoang vùng, dập dịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, người cao tuổi thường có nhiều bệnh lý mạn tính, sức đề kháng yếu hơn các nhóm tuổi khác nên giai đoạn này người cao tuổi cần rất chú ý. Các gia đình có người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, tới khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác; tăng cường sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng, luyện tập và sinh hoạt khoa học... khi có vấn đề về sức khỏe phải liên hệ ngay với y tế xã, phường, bác sĩ gia đình; trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh…

Điều quan trọng nhất trong giai đoạn hiện này là phải duy trì đều, ổn định chế độ điều trị hiện tại kết hợp với chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý, tránh căng thẳng... để tăng cường miễn dịch trong đợt dịch. Nguy cơ biến chứng, diễn biến bệnh sẽ tăng vọt nếu do dự không dùng các thuốc hằng ngày theo đơn, nhất là khi toàn trạng yếu mệt khi nhiễm Covid-19. 

Thúy Nga