Khoa học & Công nghệ

Công nghệ thực tế ảo: Đọc báo theo cách kể chuyện mới lạ

  • Tác giả : Tuyết Vân
Công nghệ thực tế ảo sẽ mang đến cảm xúc, trải nghiệm như thật cho độc giả đọc báo dù đang ngồi trong phòng khách. Mỗi tin tức về trận đá bóng, show diễn thời trang, thám hiểm du lịch… đều trở nên sống động, đa chiều, hấp dẫn với công nghệ thực tế ảo.
cam-xuc-vr-thuc-te-ao.jpg
Công nghệ thực tế ảo tăng cường đã mang đến một lối kể chuyện mới cho báo in với các nội dung đa phương tiện.

Tăng sức hấp dẫn

Theo TS Lê Minh Đức, Trưởng khoa Công nghệ Thông tin của Đại học Công nghệ Swinburne Việt Nam, thực tế ảo tăng cường AR (Augmented Reality) cho phép trải nghiệm những yếu tố ảo của công nghệ VR (Virtual Reality) trong không gian thật. Điểm vượt trội trong công nghệ AR là sự chân thực của hình ảnh, dữ liệu giúp người đọc, người xem dễ hình dung. Trong công nghệ này, con người trở thành một phần của hệ thống, tương tác với hệ thống, sử dụng các thiết bị ngoại vi gồm: Kính cảm ứng, màn hình cảm ứng, quần áo cảm ứng… tương tác với thế giới ảo, làm thay đổi trạng thái của môi trường ảo thông qua lời nói, cử chỉ, hành động thậm chí là cả ánh mắt. Điều này làm cho con người cảm thấy mình như là một phần của thế giới ảo, đắm chìm trong thế giới ảo.

Hiện công nghệ AR được ưa chuộng trong nhiêu lĩnh vực như bất động sản, trò chơi điện tử, bán lẻ, truyền hình… Đặc biệt, trên thế giới, lĩnh vực báo chí truyền thông đa phương tiện hiện nay đã bắt đầu ứng dụng công nghệ này. Có thể nói, sự phát triển của công nghệ thực tế ảo đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến phương thức vận hành của nền báo chí truyền thông hiện đại.

Công nghệ thực tế ảo tăng cường đã mang đến một lối kể chuyện mới cho báo in với các nội dung đa phương tiện. Việc ứng dụng công nghệ AR có thể giúp các nhà sản xuất báo in bổ sung đa dạng nội dung số vào ngữ cảnh của tin tức, bên cạnh nội dung truyền thống (văn bản và hình ảnh tĩnh).

Thông qua chiếc điện thoại thông minh, máy tính hay tablet, nội dung tin tức có thể hiển thị luồng video của một cuộc phỏng vấn, trailer của một bộ phim, một sự kiện hay bất kỳ một sự việc liên quan nào. Nhờ việc tích hợp như vậy, thông tin trở nên sống động, hấp dẫn hơn.

Ở các nước phát triển, công nghệ này đang được ứng dụng vào nghiên cứu khoa học, kiến trúc, quân sự, giải trí hay du lịch. Công nghệ thực tại ảo đang được quân đội nhiều nước sử dụng để đào tạo và huấn luyện binh sĩ, đặc biệt là mô phỏng môi trường nguy hiểm, phức tạp hoặc cực kỳ tốn kém nếu làm theo cách khác. Chẳng hạn như tình huống giả định là người tham gia sẽ lái một chiếc tàu cao tốc và thực hiện nhiệm vụ giải cứu đồng đội. Người dùng chỉ cần dùng kính thực tại ảo và tai nghe là có thể trải nghiệm toàn bộ tình huống đó.

Ngày nay, phương tiện truyền thông kỹ thuật số chủ yếu vẫn là phiên bản trực tuyến của các bài báo in truyền thống đi kèm với sự xuất hiện của video và âm thanh. Tuy nhiên, theo Tập đoàn Viễn thông Ericsson dự đoán, các hệ thống tiên tiến sẽ còn cho phép chúng ta tiến xa hơn nữa. Ứng dụng thực tại ảo để đọc báo, độc giả có thể nhìn ngắm và tương tác với những con vật, những phong cảnh ở bất kỳ nơi nào trên thế giới hay xem những trận đấu bóng đá tại nhà nhưng không gian như đang ở trên sân vận động... mang đến những cảm xúc thú vị cho người xem. Công nghệ này sẽ giúp công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả ba hình thức đọc, nghe và nhìn trên báo mạng điện tử, trong khi đó, công chúng chỉ có thể đọc và nhìn khi sử dụng báo in truyền thống.

thuc-te-ao1.jpg
Công nghệ thực tế ảo thay đổi phương thức đọc báo.

Thay đổi phương thức làm và đọc báo

Theo TS Nguyễn Thị Hạnh, Giảng viên Khoa CNTT&TT, Trường Đại học Phương Đông. Tại Việt Nam, sự thay đổi của công nghệ sẽ dẫn đến những thay đổi trong phương thức làm báo và đọc báo. Hiện ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong báo chí vẫn còn rất mới mẻ. Tuy nhiên, công nghệ này đang dần trở nên phổ biến và đã được nghiên cứu ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhìn lại lịch sử báo chí, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của báo chí hiện đại, có thể thấy báo chí Việt Nam luôn vận động theo xu hướng tích cực của báo chí thế giới và công nghệ báo chí thực tại ảo cũng sẽ không nằm ngoài xu thế đó.

Để đáp ứng những thay đổi trong quá trình chuyển đổi số, đào tạo trong ngành báo chí cần tạo ra những thay đổi lớn. Không chỉ tập trung vào lý thuyết và mô hình truyền thông truyền thống, mô hình đào tạo này còn áp dụng các công nghệ 4.0 vào các bài thực hành và dự án. Các kiến thức được giảng dạy tại chương trình Cử nhân Truyền thông đa phương tiện cập nhật những xu hướng phát triển mới nhất của cuộc CMCN 4.0 như AI, VR/AR, Blockchain hay Personalized Advertising. Tại Việt Nam, Đại học Phương Đông đã xây dựng một sản phẩm ứng dụng thực tế ảo tăng cường trong báo in truyền thống. Nhờ tính năng trải nghiệm mới mẻ, ứng dụng giúp người đọc quên đi cảm giác cầm trên tay một tờ báo in. Nhờ ứng dụng, sinh viên theo học ngành này có cơ hội trải nghiệm đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện trong thời đại số.

Không thể phủ nhận rằng, sự phát triển của khoa học công nghệ luôn có những ảnh hưởng nhất định đến phương thức làm báo. Với sự hỗ trợ của máy tính, điện thoại di động và mạng Internet, báo chí đã mang đến cho công chúng những thông tin nhanh, hấp dẫn. Công nghệ thực tại ảo giúp con người có được những trải nghiệm của chính nhân vật trong sự kiện hoặc tình huống được mô tả và tương tác với các đối tượng trong môi trường đó. Công nghệ này rất hữu ích trong truyền tải thông tin đa chiều, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, chuyên mục bất động sản, độc giả giờ đây có thể ngồi ở một nơi cách xa cả nghìn cây số vẫn có thể xem xét toàn bộ công trình xây dựng, thậm chí xem từng căn hộ mẫu mà họ quan tâm dưới dạng công nghệ thực tại ảo. Công nghệ này cũng đang thổi một luồng gió mới vào những chuyên mục “khô khan” như lịch sử, khiến cho việc khám phá, tìm hiểu lịch sử trở nên thú vị hơn bao giờ hết, giúp độc giả hình dung được toàn bộ sự kiện khi xưa.

Một tác phẩm báo chí sử dụng công nghệ thực tại ảo tạo ra sự tương tác và mang đến nhiều cảm xúc thú vị với công chúng. Người đọc báo có thể “du hành” bất cứ nơi đâu trong phạm vi, bối cảnh mà bài báo đề cập, để quan sát, chứng kiến đầy đủ mọi “ngóc ngách”, khía cạnh của vấn đề, đồng thời có thể chạm và tác động vào nhân vật, “đắm chìm” trong thế giới ảo.

Theo các chuyên gia, để tạo ra một tác phẩm báo chí theo công nghệ thực tại ảo mô phỏng sự kiện cần một lượng thời gian không nhỏ, có thể một buổi, một ngày, thậm chí vài ngày nếu là sự kiện phức tạp với nhiều bối cảnh, nhân vật đan xen. Do đó, báo chí thực tại ảo không thể chạy theo những thông tin nhanh, nóng hổi, tức thì và cũng sẽ rất lãng phí nếu dùng để tái hiện những thông tin không mang tính thời sự cao. Báo chí thực tại ảo nên sử dụng trong các phóng sự, tường thuật, điều tra chuyên sâu với các sự kiện, vấn đề phức tạp, ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của con người.

Về phía người xem chỉ cần đeo kính thực tại ảo hoặc sử dụng con chuột di chuyển là có thể quan sát được từng vị trí hay đi đến “ngóc ngách” nơi diễn ra sự kiện. Cùng với âm thanh, tiếng động được mô phỏng lại, người xem hoàn toàn bị cuốn hút vào nội dung, bối cảnh của câu chuyện. Tùy kịch bản của tác phẩm, họ có thể trở thành một nhân chứng hay đóng vai chính nhân vật tham gia sự kiện để cảm nhận nội dung câu chuyện một cách sống động và sâu sắc hơn. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố giá thành, việc sản xuất các thiết bị này sao cho tiện lợi, dễ sử dụng cũng là một yếu tố quan trọng quyết định tương lai của công nghệ thực tại ảo.

Đào tạo báo chí công nghệ số tại Việt Nam

Đáp ứng những thay đổi trong quá trình chuyển đổi số, Swinburne Việt Nam đã áp dụng các công nghệ 4.0 vào các bài thực hành cũng như dự án. Các kiến thức được giảng dạy tại chương trình Cử nhân Truyền thông đa phương tiện cập nhật những xu hướng phát triển mới nhất của cuộc CMCN 4.0 như AI, VR/AR, Blockchain hay Personalized Advertising (Quảng cáo cá nhân hóa) và mang đến cho sinh viên những trải nghiệm học tập chuyên ngành Media trong thời đại số.

Tuyết Vân